Thứ hai, 05 Tháng 6 2017 16:42
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội để kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội trên địa bàn Thành phố và công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ. Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí Thứ trưởng cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
 

Toàn cảnh buổi làm việc


Tập trung giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng

 

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Khuất Văn Thành đã báo cáo công tác triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Qua rà soát, đến nay thành phố Hà Nội không còn hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ LĐ-TBXH. Tuy nhiên, qua thống kê rà soát các quận, huyện báo cáo có 40 hồ sơ đề nghị xác nhận người có công (gia đình lưu giữ hồ sơ).

 

Thực hiện 3 tháng cao điểm vận động toàn dân “Đền ơn đáp nghĩa” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, có 91 thương binh cần hỗ trợ xe lăn và 20 trường hợp con liệt sĩ, thương binh cần việc làm đã được quan tâm hỗ trợ.

 

Về công tác hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở của người có công, theo báo cáo tiến độ đến ngày 31/5/2017, tổng số hộ người có công hoàn thành và đang thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở là 7.223 hộ (chiếm 95,5%); số hộ người có công chưa thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở là 226 hộ (chiếm 2,9%). Thường xuyên phối hợp đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, sửa chữa nhà ở tại các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ủng hộ kinh phí để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng.

 

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan liên quan khác cũng đã báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Ngoài nội dung về công tác người có công, nhiều đại biểu đã đánh giá cao những kết quả mà thành phố Hà Nội đạt được trên các lĩnh vực: Việc làm, An toàn lao động, Giáo dục nghề nghiệp, Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Phòng, chống tệ nạn xã hội, Giảm nghèo…

 

Xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

 

Làm rõ hơn một số vấn đề được các đại biểu quan tâm, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng bộ, lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “ Hà Nội đang triển khai rà soát, đánh giá, sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo nghề, xây dựng 3 trường dạy nghề chất lượng cao gồm Trường Việt Hàn, Cao đẳng công nghiệp và Cao đẳng công nghệ cao. Các trường trên được đào tạo theo chương trình công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức theo 3 tiêu chuẩn nhằm phục vụ nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.

 

Liên quan đến vấn đề an toàn lao động, trong những năm qua, an toàn lao động đặc biệt trên các công trình giao thông, dự án nhà ở, liên quan đến cháy nổ làm người bị tai nạn lao động vẫn tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra các công trình nhằm giám sát, chấn chỉnh lại công tác an toàn lao động, đồng thời phối hợp với các cơ quan công an, các đơn vị xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nên tình hình tai nạn lao động trong 5 tháng vừa qua qua đã giảm.

 

Về lĩnh vực trẻ em, trong năm 2016 xảy ra 12 vụ xâm hại trẻ em, từ đầu năm đến nay có 1 vụ. Trong đó điển hình là vụ xâm hại trẻ em tại Hoàng Mai đã có văn bản xử lý. Hà Nội đang lên kế hoạch nâng cấp Cung thiếu nhi và đang duyệt dự án công viên theo mô hình Nhật Bản tại Yên Phụ. Đồng thời, triển khai chương trình sữa học đường, chống suy dinh dưỡng, chương trình chống đuối nước, dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Đặc biệt đảm bảo đội ngũ cộng tác viên tại các xã, phường tương đối đồng bộ. Vào các kỳ nghỉ hè, ngay năm nay UBND đã họp và yêu cầu các quận huyện triển khai các phương án liên quan đến tuyên truyền ngăn ngừa các vụ đuối nước. Phối hợp với một số đơn vị quân đội, thành đoàn triển khai một số chương trình liên quan đến đào tạo kỹ năng sống cho các em.

 

Về công tác giảm nghèo, Hà Nội có 255 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khi Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều thì thành phố Hà Nội đã rà lại từng thôn, từng xã. Hàng năm Thành phố dành 15% ngân sách đầu tư cho xây dựng nông thôn mới nên tỷ lệ giảm nghèo tăng nhanh.

 

Về tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhờ giải quyết tốt mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động nên tình hình bãi công của các công nhân tại các khu công nghiệp để đòi tăng lương hiện nay đã giảm. Các năm trước, bình quân mỗi năm xảy ra 15-20 vụ. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2017 mới xảy ra 2-3 vụ. Hiện nay Thành phố đã kết nối toàn bộ các cơ sở để xây dựng dữ liệu cho lao động. Có thể khẳng định từ giám định BHYT, BHXH, BHTN đều cung cấp các dịch vụ qua mạng và rất chính xác, không xảy ra tình trạng nhầm lẫn, thất thoát.

 

Về lĩnh vực người có công, qua 4 lần tiến hành rà soát, thành phố Hà Nội xác định hơn 7.000 hộ người có công phải sửa chữa nhà. Cho đến nay đã thực hiện trên 90%, phấn đấu đến 27/7 giải quyết xong việc xây mới, sửa chữa toàn bộ nhà ở cho người có công trên toàn thành phố.

 

Hà Nội kiến nghị Bộ LĐ-TBXH trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi điều 106 Bộ Luật lao động; kiến nghị Chính phủ quy định thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính lĩnh vực NCC thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng như: Thủ tục xác nhận liệt sĩ, thủ tục cấp, đổi bằng Tổ quốc ghi công; Sớm xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ cho người bán dâm.

 

Quan tâm, đầu tư lĩnh vực an sinh xã hội làm nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả đạt được của Hà Nội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực an sinh xã hội, Thành phố đã quan tâm, đầu tư, triển khai, coi đó là một trong những vấn đề ưu tiên, làm nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, Thành phố có nhiều chủ trương, chính sách đi trước, vượt trội do đó các lĩnh vực có bước chuyển đổi tương đối toàn diện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ổn định.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội

 

Bộ trưởng cho biết, Hà Nội nhiều năm liền là cờ đầu của cả nước trong lĩnh vực của ngành LĐ-TBXH. Nếu như những năm trước về lĩnh vực tệ nạn xã hội như ma túy, nghiện hút, mại dâm... ở Hà Nội rất phức tạp giờ thì giờ đây cuộc sống người dân an toàn hơn, yên tâm hơn. Trong khi mấy chục trung tâm cai nghiện ở nhiều địa phương lúc nào cũng rình rập nguy cơ đối tượng nghiện vượt cở sở, đập phá, kích động… nhưng Hà Nội có nhiều mô hình cai nghiện làm tốt.

 

Hà Nội là trung tâm của nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều lợi thế, có toàn bộ hệ thống các trường đại học, trường nghề lớn nằm trên địa bàn không chỉ trường của Hà Nội mà các trường của các bộ, ngành. Nhu cầu của Hà Nội thực sự rất hiện hữu, một trong những đột phá của Hà Nội chính là nguồn nhân lực. Do đó Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hà Nội cần dành sự quan tâm thực sự với một sự đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo nghề. Sớm rà soát, quy hoạch, sắp sếp lại toàn bộ hệ thống mạng lưới các trường dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng những nơi đáp ứng yêu cầu thực sự hiệu quả thì để lại, trong đó chọn những trường có chất lượng cao.

 

Đánh giá cao những kết quả mà Thành phố đã đạt được trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội chú trọng cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại cộng đồng, bởi Hà Nội vẫn là trọng điểm khi số người nghiện cao nhất, chưa có xu hướng giảm. Công tác xuất khẩu lao động cần tăng cường phối hợp giữa Bộ và thành phố Hà Nội khi thẩm định hồ sơ, đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đặc biệt phải quản lý đăng ký của lao động người nước ngoài vào Việt Nam. Về giảm nghèo, đánh giá cao tốc độ giảm nghèo trên 5% song đề nghị tiếp tục quan tâm, nhất là những địa bàn ở xã nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Về ATLĐ, cần đặc biệt quan tâm bởi số vụ TNLĐ, cháy, nổ của Hà Nội còn cao, do đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm lĩnh vực này.

 

Riêng trong việc thực hiện chính sách với người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá thành phố Hà Nội đã chủ động nhiều việc trong công tác này. Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Thành phố phấn đấu giải quyết “2 xong” của năm 2017. Một là giải quyết xong về hỗ trợ nhà ở cho người có công, bởi đây là vấn đề lớn, phải càng nhanh càng tốt, nếu không nhanh thì nhiều người có công không có điều kiện hưởng. Hai là giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng người có công, tập trung vào trường hợp liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

 

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị “Thành phố Hà Nội không chỉ dừng lại xem xét hồ sơ ở cấp sở nữa, cho phép thành phố mở rộng đối tượng trong nhân dân, trong các cấp còn hồ sơ thì xem xét công khai, minh bạch theo qui trình. Sau bước cuối cùng thì công khai trên 3 báo toàn quốc, nếu không có ý kiến khác, không có đơn kiện cáo gì thì trình Bộ trưởng cho phép”.

 

Theo Bộ trưởng, dịp 27/7 năm nay là dịp đặc biệt quan trọng, vì vậy đề nghị thành phố Hà Nội chú ý công tác tuyên truyền; tổ chức tốt chương trình truyền hình của thành phố Hà Nội tri ân anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng; phối hợp tốt với Bộ LĐ-TBXH tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.

 

Với những kiến nghị của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tiếp thu, những vấn đề gì thuộc trách nhiệm của Bộ thì sẽ xem xét giải quyết ngay. Bộ trưởng cam kết sẽ làm hết mình vì thủ đô, vì cả nước.

 

Nguồn: molisa.gov.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi