Sáng 16/3, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết. Ảnh: daibieunhandan.vn |
Trình bày tờ trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, mặc dù Luật MTTQ Việt Nam đã dành riêng 2 chương về hoạt động giám sát và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, nhưng để các quy định này triển khai hiệu quả, cần phải tiếp tục cụ thể hóa một cách đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu của Luật trên cơ sở làm rõ về cách thức, quy trình các bước thực hiện đối với từng hình thức của hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết liên tịch là rất cần thiết để căn cứ vào đó các bên trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội có điều kiện thực hiện theo quy trình nhất định, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Theo ông Ngô Sách Thực, giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát không chế tài. Mặc dù Luật đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; của cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được phản biện xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, song Luật quy định chưa rõ về cơ chế thực hiện trách nhiệm đó như thế nào, thực hiện ra sao, thời hạn cụ thể là bao nhiêu ngày, giá trị pháp lý đối với việc thực hiện, xem xét, giải quyết những kiến nghị của MTTQ Việt Nam.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian qua chưa như mong đợi; kiến nghị của MTTQ Việt Nam nhiều khi là một chiều; sự phản hồi chưa có chuyển biến tích cực, rất khó xác định trách nhiệm bảo đảm thực hiện được các hình thức giám sát, phản biện xã hội.
“Chính vì lẽ đó, dự thảo Nghị định đã thiết kế 3 điều trong Chương IV về bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp nhằm làm rõ hơn về trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể có thẩm quyền, liên quan”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đây là vấn đề mới, nên lần này góp ý kiến là bước đầu. Nội dung dự thảo cần thể hiện rõ 3 chủ thể là UBTVQH, Mặt trận và Chính phủ.
Do phạm vi nghiên cứu đối tượng giám sát liên quan đến chủ thể giám sát, nên làm sao để không chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan Nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân trong phối hợp như thế nào để nhắc nhở đôn đốc bộ máy Nhà nước vận hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.
Cơ bản thống nhất với báo cáo của Mặt trận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần tiếp thu để làm rõ vai trò của 3 bên trong phối hợp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, công tác giám sát, phản biện xã hội, MTTQ đã thực hiện được 3 năm (từ 2014-2016) dựa trên 3 cơ sở: Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Mục đích ban hành Nghị quyết là để cụ thể hóa Điều 27 và Điều 34.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Quốc hội và HĐND cũng giám sát, Chính phủ cũng kiểm tra. Tuy nhiên, Quốc hội có 500 đại biểu, Chính phủ có hơn 20 bộ, ngành và các địa phương, cho nên lực lượng giám sát của Chính phủ về mặt số lượng là hạn chế hơn Mặt trận, vì Mặt trận có 5 tổ chức thành viên, nhưng xuống cơ sở có hàng triệu thành viên, cho nên tính chất của việc này là nhân dân giám sát thông qua tổ chức đại diện của mình.
“Do vậy Nghị quyết này phải làm sao phát huy được giám sát của nhân dân rộng rãi trên cả nước ở mọi lĩnh vực, tổ chức, địa bàn”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân tích.
Nêu lên thực trạng giám sát của Mặt trận không có chế tài, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Nghị quyết này phải kết nối giám sát của Mặt trận với cơ quan quyền lực Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Do đó phải làm rõ kết nối này hơn. Nghĩa là sau khi Mặt trận giám sát kiến nghị được xử lý như thế nào thì phải làm rõ hơn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Mặt trận đã chủ động chuẩn bị trước, đến bây giờ thống nhất, 3 cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau hoàn thiện văn bản để trình và thông qua tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH.
Về phạm vi điều chỉnh thống nhất như báo cáo của Mặt trận và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Chủ thể giám sát và phản biện xã hội thống nhất là MTTQ Việt Nam các cấp và thành viên của Mặt trận theo đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hoặc quy định của pháp luật.
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thủ tướng: Không để các tài năng bị thui chột - 20/03/2017 02:46
- Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em - 20/03/2017 02:42
- Vinamilk lập kỷ lục về đồng diễn thể dục dưỡng sinh - 19/03/2017 03:54
- Từ 1/7: Lương hưu dự kiến tăng 7,4 % - 17/03/2017 03:22
- 68 đề cử lọt vào vòng chung khảo Sao Khuê 2017 - 17/03/2017 03:09
Các tin khác
- Sửa đổi quy định mua thuốc biệt dược gốc để giảm giá thuốc - 16/03/2017 03:28
- Vinamilk khánh thành trang trại bò sữa Organic tiêu chuẩn châu Âu tại Lâm Đồng - 14/03/2017 08:19
- Nội dung tọa đàm về quản lý quỹ BHXH - 13/03/2017 07:07
- Bế mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII - 09/03/2017 07:55
- Bà Nguyễn Thị Thu Hà tái đắc cử Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - 09/03/2017 03:40