Thứ hai, 13 Tháng 3 2017 14:07

Ngày 11/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).

 

 
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Vừa qua, một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin từ Báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho biết, chi phí quản lý của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014. Một số báo chí dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, “chi phí quản lý BHXH quá lớn có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH” và phải tính đến giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho Quỹ BHXH.

 

Trước những thông tin này, ngày 24/2, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thông tin báo nêu.

 

Để làm rõ hơn về vấn đề quản lý Quỹ BHXH và điều chỉnh chính sách liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến “Quản lý quỹ BHXH".

 

Khách mời tham dự: Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

 

Dưới đây là nội dung tọa đàm:

 

Thưa ông, tính đến 31/12/2016, tổng số người tham gia các loại hình BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 76 triệu người. Riêng tham gia BHXH, cả bắt buộc và tự nguyện là 13,1 triệu người. Theo ông, số lượng người tham gia BHXH như trên đã đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra?

 

Ông Doãn Mậu Diệp: Mục tiêu về BHYT về cơ bản thì đã đạt được, thậm chí là vượt tỷ lệ mà chúng ta mong muốn; nhưng BHXH kể cả bắt buộc cũng như tự nguyện hoặc là BHTN thì chưa đạt được mục tiêu. Chúng ta cũng biết, trong Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI cũng như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị khoá XI, mục tiêu năm 2020 là 50% lực lượng lao động sẽ tham gia BHXH, 35% sẽ tham gia BHTN.

Con số hiện nay của chúng ta là có 13,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 11 triệu người tham gia BHTN. Năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 59 triệu người trong lực lượng lao động, tức là chúng ta phải có khoảng 29 triệu người tham gia BHXH cho dù là bắt buộc hay tự nguyện, 20 triệu người tham gia vào BHTN. Khoảng cách từ 13 triệu lên 29 triệu hoặc 11 triệu lên 20 triệu là khoảng cách rất lớn và đòi hỏi những nỗ lực, quyết tâm rất cao. Vì thế, có thể chưa đạt được mong muốn của chúng ta.

 

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Bên cạnh đó, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều vượt tổng số thu. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

 

Ông Phạm Lương Sơn: Thứ nhất, về thông tin chi phí quản lý của BHXH tăng cao: Vừa qua, một số cơ quan báo chí thông tin cho rằng, “chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014”. Tôi xin khẳng định, thông tin này là hoàn toàn không chính xác.

Cụ thể, theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Tôi xin nhấn mạnh, đây là “việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015” chứ không phải là số chi phí quản lý của BHXH Việt Nam.

Đây là số liệu dự toán BHXH Việt Nam lập gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan. Không phải là dự toán chi phí quản lý được Thủ tướng phủ giao. Dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 của BHXH Việt Nam được Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 là 6.560 tỷ đồng, tăng 59% (2.445 tỷ đồng) so với dự toán năm 2014.

 

Chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2015 tăng 2.445 tỷ đồng so với dự toán năm 2014 là để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.  Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách là:

 

1. Chi cho công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; chi đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN (nội dung chi này năm 2014 chưa được bố trí kinh phí); chi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo yêu cầu của Luật BHXH, Luật BHYT, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

 

2. Chi phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng. Năm 2015, khoản mục chi này tăng 36% so với năm 2014. Nguyên nhân là do số đối tượng tham gia, số đối tượng thụ hưởng, số thu, số chi BHXH, BHYT, BHTN đều tăng nên các khoản chi thù lao đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng và chi UBND xã lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, phục vụ công tác thu; chi phí chi trả lương hưu, giám định BHYT... cũng tăng tương ứng.

 

3. Chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy: Năm 2015 chỉ tăng 6% so với năm 2014 do nâng lương hằng năm. Còn chi quản lý hành chính năm 2015 không tăng so với năm 2014.

 

Như vậy, chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 tăng 59% so với năm 2014 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng trong năm qua tăng rất lớn. Nội dung chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy chỉ tăng 6% so với năm 2014. Đây là điều tôi muốn khẳng định lại và thông tin rõ ràng tới các cơ quan thông tấn báo chí có các bạn phóng viên đang dự cuộc Tọa đàm này.

 

Thứ hai, về thông tin tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN vượt tổng số thu. Thực tế số thu BHXH năm 2015 là 148.375 tỷ đồng, số chi chế độ BHXH từ quỹ BHXH là 102.797 tỷ đồng, bằng 69,3% số thu trong năm; số thu BHTN năm 2015 là 9.710 tỷ đồng, số chi chế độ BHTN từ quỹ BHTN là 4.883 tỷ đồng, bằng 50,3% số thu trong năm; số thu BHYT năm 2015 là 59.669 tỷ đồng, số chi khám chữa bệnh BHYT là 49.035 tỷ đồng, bằng 82% số thu trong năm. Như vậy, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN hằng năm không vượt tổng số thu trong năm.

 

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì việc thực hiện dự toán thu - chi của BHXH Việt Nam được đánh giá thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, ví dụ như việc cấp trùng thẻ BHYT hay các cơ sở y tế lạm chi, trục lợi Quỹ BHYT? Việc này sẽ được BHXH Việt Nam điều chỉnh như thế nào thưa ông?

 

Ông Phạm Lương Sơn: Việc cấp trùng thẻ BHYT tập trung chủ yếu ở nhóm các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng BHYT. Nguyên nhân cấp trùng thẻ BHYT là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...) dẫn đến một người có thể được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ, vừa có thẻ thuộc nhóm người có công với cách mạng, vừa ở nhóm thân nhân lực lượng vũ trang, hay cựu chiến binh, người dân tộc thiểu số... Với việc có nhiều đầu mối cùng đề nghị cơ quan BHXH cấp thẻ dẫn đến trùng thẻ là không thể tránh khỏi.

 

Để hạn chế việc cấp trùng thẻ, BHXH Việt Nam đã bổ sung chức năng rà soát thẻ trùng trong “Phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ BHYT”. Qua đó, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT qua các năm đã giảm đáng kể. Cụ thể: Năm 2013, số thẻ BHYT cấp trùng là 230.835 thẻ; số tiền cấp trùng là 133,69 tỷ đồng. Năm 2014, số thẻ BHYT cấp trùng là 160.912; số tiền cấp trùng là 82,2 tỷ đồng. Năm 2015, số thẻ BHYT cấp trùng là 116.096; số tiền cấp trùng là 54 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam hiện đang triển khai rà soát toàn bộ dữ liệu, đối tượng tham gia BHYT theo danh sách thống kê hộ gia đình, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và cấp số định danh cho người tham gia BHYT. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy trình cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT theo hướng người tham gia BHYT chỉ được cấp một số định danh duy nhất. Khi phát hành thẻ BHYT, dữ liệu cấp thẻ được rà soát trên cơ sở dữ liệu chung do BHXH Việt Nam quản lý để bảo đảm một người chỉ được cấp 1 thẻ BHYT.

 

Điều tôi muốn nhấn mạnh để các anh chị em phóng viên báo chí hiểu rõ rằng: Một người cho dù có được cấp nhiều thẻ BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh thì cũng chỉ sử dụng 1 thẻ và số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ BHYT nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ.

 

Về việc cơ sở y tế lạm chi, trục lợi quỹ BHYT, qua công tác kiểm tra, giám định, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT như: Đưa ra các hình thức khuyến mại không phù hợp để thu hút người bệnh; chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, thuốc quá mức cần thiết để tăng thu; kê thêm nhiều chẩn đoán để hợp lý hóa các chỉ định (có nhiều trường hợp được kê đến 10, 15 chẩn đoán); tăng cường đưa người bệnh chỉ cần điều trị ngoại trú vào điều trị nội trú để tăng thu tiền giường bệnh (một số cơ sở có tỷ lệ vào điều trị nội trú cao hơn mức trung bình 1,5 đến 2 lần); sử dụng các bác sỹ chưa đủ điều kiện về chứng chỉ hành nghề, đăng ký hành nghề để cung cấp dịch vụ y tế.

 

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng liên kết, liên doanh lắp đặt máy móc, trang thiết bị tại cơ sở khám chữa bệnh theo hình thức xã hội hóa đã phát sinh nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng cho mượn máy để cung cấp hóa chất xét nghiệm. Một số nơi đã lợi dụng việc chưa có các quy định về cho thuê, mượn, đặt máy, khi xây dựng đề án, ký kết hợp đồng có những điều khoản ràng buộc về số lượt dịch vụ, số lượng hóa chất, vật tư sử dụng hằng tháng.

 

Để nhanh thu hồi vốn hoặc đáp ứng điều kiện sử dụng hóa chất của các công ty đặt máy, cơ sở khám chữa bệnh đã chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, làm gia tăng chi phí phải chi trả từ quỹ BHYT và của người dân. Một số cơ sở khám chữa bệnh có máy do ngân sách đầu tư nhưng lại chủ yếu thực hiện trên máy xã hội hóa và người bệnh phải trả thêm tiền chênh lệch giữa giá do cơ sở khám chữa bệnh xây dựng và giá viện phí do Nhà nước quy định.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam và cơ quan BHXH các địa phương đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra, từ chối thanh toán các chi phí sai quy định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Để phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, ngoài cơ quan BHXH, cần có sự vào cuộc của chính quyền, ngành y tế, người dân.

Về phía BHXH Việt Nam, thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các địa phương. Phối hợp với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam triển khai đánh giá công tác khám chữa bệnh tại địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 7200/VPCP-KGVX. Báo cáo kết quả sẽ được chúng tôi công bố trong thời gian tới.

 

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí; đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường; chủ động tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám định tại các cơ sở khám chữa bệnh; kiên quyết từ chối thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật, thuốc cung cấp và thanh toán sai quy định;

 

Yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế tổ chức tốt việc đấu thầu, bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế điều trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT. Đặc biệt, từ cuối tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã chính thức vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT, kết nối với trên 99% cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc.

 

Việc giám định BHYT điện tử là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi căn bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT. Với khối lượng công việc “khổng lồ” gần 150 triệu hồ sơ, bệnh án phải giám định mỗi năm, trên 22.000 loại thuốc, 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế, Hệ thống thông tin giám định BHYT vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời chế độ cho người dân tham gia BHYT, vừa giảm áp lực đối với cơ quan BHXH. Quan trọng hơn là bảo đảm tính chính xác trong công tác giám định, minh bạch trong thanh toán BHYT, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT.

Thời gian qua, Hệ thống cũng đã phát hiện những trường hợp đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, nhiều trong tháng để “lấy” thuốc không vì mục đích điều trị của bản thân (có trường hợp đi khám trên 300 lần trên 7 tháng).

BHXH Việt Nam đang xây dựng, cập nhật các quy tắc giám định theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế để Hệ thống phát hiện các trường hợp người cung cấp dịch vụ không đủ điều kiện; chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc không phù hợp, quá mức cần thiết; thống kê thanh toán sai quy định; đồng thời kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế; xác định các cơ sở y tế có gia tăng chi phí bất thường, dịch vụ gia tăng bất thường để kịp thời kiểm tra, ngăn ngừa lạm dụng trục lợi BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để rà soát các dịch vụ có giá cao, không phù hợp với thực tế để điều chỉnh nhằm giảm tình trạng tăng chỉ định đối với các dịch vụ này. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đề nghị với Bộ Y tế sớm ban hành các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; thay đổi phương thức thanh toán hiệu quả hơn… Đây là cơ sở để người dân tin tưởng vào hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, yên tâm khi tham gia BHYT, đẩy nhanh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

 

Năm 2017, ngành BHXH sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT để bảo đảm công khai, minh bạch và bảo đảm quyền lợi người bệnh BHYT; thành lập Trung tâm hỗ trợ khách hàng để hỗ trợ, tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của người tham gia BHYT.

 

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Dư luận cho rằng, công tác quản lý quỹ BHXH chưa được chặt chẽ, đồng thời chi cho quản lý bộ máy ngành BHXH quá lớn sẽ ảnh hưởng tới cân đối quỹ BHXH trong tương lai. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi nghĩ rằng, người dân luôn quan tâm đến bản chất cuối cùng của chính sách BHXH, BHYT, và khi thấy chúng ta chi một khoản nào đó trong chi phí hành chính tăng lên của năm sau với năm trước thì người ta băn khoăn là đúng. Vấn đề quan trọng là chúng ta lý giải như thế nào để người dân hiểu việc tăng đó có hợp lý hay không, có đáp ứng được yêu cầu quản lý hay không?

Tôi nói rõ mấy điểm thế này. Chi phí quản lý BHXH Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết và giao chi phí đó không quá 2,3% so với tổng số thu và số chi, và được lấy trong số đầu tư tăng trưởng quỹ, không phải lấy trong quỹ BHXH.

Thứ hai là tại sao tăng? Là khi chúng ta bắt đầu mở rộng đối tượng thì chi phí tăng là đương nhiên, vấn đề là có thất thoát hay không? Tôi đọc báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì chi phí quản lý của BHXH Việt Nam bảo đảm theo đúng nguyên tắc của nhà nước, nhưng tăng lên so với năm 2014, 2015. Việc tăng lên được lý giải như sau. Thứ nhất, đối tượng mở rộng của chúng ta tăng lên. BHYT theo tinh thần của Nghị quyết 15 phấn đấu đến năm 2020, 80% dân số tham gia BHYT thì đến bây giờ, chúng ta đã đạt 81,7%, đây là cố gắng lớn. Năm 2016 tăng hơn 1 triệu người so với năm 2015 tham gia hệ thống BHXH. Chi phí tăng do nhiều vấn đề, do công tác tuyên truyền, công tác đầu tư, công tác đi vận động đối tượng. Năm 2016, BHXH Việt Nam thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động để mở rộng đối tượng, đó là mục tiêu cơ bản theo tinh thần nghị quyết của Đảng.

Thứ hai, chúng tôi quyết liệt ghi trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Chính phủ ra quyết định BHXH Việt Nam đẩy mạnh công nghệ thông tin, công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng tiền rất lớn. Tôi cho rằng con đường phát triển, con đường bền vững, công khai, minh bạch của BHXH Việt Nam là phải ứng dụng công nghệ thông tin và phải kết nối giữa người tham gia BHXH, BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh và với hệ thống BHXH trong toàn quốc. Đây là khẳng định vấn đề tăng chi phí nhưng để đáp ứng nhu cầu quản lý.

Tôi khẳng định lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn giám sát chặt chẽ, kỹ và minh bạch vấn đề chi phí quản lý quỹ của BHXH Việt Nam và chúng tôi yêu cầu không được tăng biên chế. Năm 2016, chúng tôi yêu cầu không tăng thêm 2.000 người theo quy định của Bộ Nội vụ về vị trí việc làm giao cho BHXH Việt Nam. Không tăng người nhưng phải tăng điều kiện làm việc, tăng chất lượng để công tác BHXH, BHYT của chúng ta được công khai minh bạch cho người dân tin tưởng.

Tính đến giờ phút này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào quỹ kết dư của BHXH, kết dư của quỹ BHTN, kết dư của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và BHXH đang đi đúng hướng là có đóng, có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Chúng ta phải xác định, BHXH chỉ có chia sẻ giữa các thế hệ, còn lương của ai đóng thì người đó hưởng.

 

Về vấn đề nợ đọng các quỹ bảo hiểm, ông có thể cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng số nợ BHXH là như thế nào? Công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng của cơ quan BHXH được thực hiện ra sao?

 

Ông Phạm Lương Sơn: Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố (sau khi đã trừ số tiền do ngân sách nhà nước chậm đóng BHYT) là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu, trong đó: Nợ BHXH 6.551 tỷ đồng, nợ BHTN 323 tỷ đồng và nợ BHYT 705 tỷ đồng. Tình trạng nợ BHXH vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, ở rất nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước...

 

Về công tác đôn đốc thu hồi nợ, BHXH Việt Nam luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương. BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra toà án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của hai ngành trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

 

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện một số biện pháp như: Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương về tình hình thực hiện thu nộp BHXH, BHYT trên địa bàn. Tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động.

 

Hằng quý gửi thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức thực hiện các phóng sự, chuyên đề về nợ BHXH, BHYT nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia BHXH, BHYT.

 

Giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ cho các tỉnh, thành phố; coi đây là chỉ tiêu xem xét thi đua hàng quý, năm đối với BHXH các tỉnh, thành phố. Cử cán bộ chuyên quản xuống địa phương để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

 

BHXH Việt Nam ký quy chế phối hợp với các bộ ngành trong công tác tuyên truyền, đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật tại một số tỉnh, thành phố, một số doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH kéo dài.

 

Kết quả, nhờ các biện pháp tích cực nhằm giảm nợ đọng BHXH, BHYT, năm 2016 tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN đã giảm xuống còn 3,22% so với số phải thu. (Năm 2015 tỷ lệ nợ là 4,88%; số tiền là 9.920 tỷ đồng).

 

Một nguyên nhân nợ đọng BHXH, BHYT được chỉ ra là do chủ sử dụng lao động cố tình không đóng BHXH, BHYT cho người lao động, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vậy Bộ có ý kiến gì về vấn đề này và cần phải sửa đổi điểm nào của Bộ luật Lao động năm 2012 mà Bộ đang trình Chính phủ?

 

Ông Doãn Mậu Diệp: Tôi đồng ý việc chủ sử dụng lao động cố tình không đóng là một trong những nguyên nhân mà tình trạng nợ đóng của BHXH, BHYT. Nhưng bên cạnh đó, còn rất nhiều nguyên nhân khác như công tác lao động của chúng ta cũng chưa chặt chẽ, việc khai trình khai báo tăng giảm lao động của các doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc và vì thế chúng ta cũng không nắm được bao nhiêu người còn trong hệ thống, bao nhiêu người sẽ ra nhập hệ thống, bao nhiêu người tồn tại trong hệ thống mà chưa hề tham gia BHXH.

Thứ hai là lực lượng thanh tra còn mỏng, chúng tôi cũng rất mừng vì BHXH Việt Nam bây giờ được giao chức năng thanh tra đóng bảo hiểm và sẽ tăng cường lực lượng.

Thứ ba là chế tài xử phạt còn khá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe.

Thứ tư, những thông tin về đóng BHXH là chưa được phổ biến cho người lao động. Thông tin đóng, nợ đóng thì hiện nay vẫn chỉ biết giữa cơ quan BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động còn người lao động không hề biết mình đóng hay chưa, đóng dù mình có hợp đồng lao động.

Vì thế, hiện nay cũng có một số giải pháp mà đã làm: Thứ nhất là sửa lại các chế tài xử phạt đối với tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng. Nếu nợ đóng, chậm đóng thì xử phạt hành chính sẽ cao lên. Trốn đóng thì Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ đưa vào chế tài để xử phạt và thậm chí có thể xử tù đến 7 năm.

Ba là tăng cường lực lượng thanh tra thu mặc dù lực lượng BHXH Việt Nam không phải là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng vẫn được giao chức năng tham gia thu BHXH và tăng cường lực lượng. Hi vọng 1/7 có thể triển khai được và có thể những năm tới đây, với sự vào cuộc của lực lượng thanh tra BHXH thì việc trốn đóng, nợ đóng sẽ giảm đi.

Điều quan trọng nhất, Quốc hội đã giao cho BHXH Việt Nam hiện đại hoá hệ thống của mình, ứng dụng CNTT, sử dụng sổ BHXH điện tử và người lao động có thể cập nhật bất kỳ lúc nào tình hình đóng BHXH của mình và hoàn toàn có quyền đối thoại yêu cầu chủ sử dụng phải đóng nếu chưa được đóng bảo hiểm.

Để làm được những việc đó thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người lao động biết được quyền của mình, người sử dụng lao động hiểu được tất cả các quy định của luật pháp, chính sách thì sẽ tốt hơn. Và tất nhiên, công tác quản lý của BHXH Việt Nam cũng phải tăng lên vì đối tượng thì mở rộng mà chúng ta mong muốn rằng là tất cả người lao động đều hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Tôi tin rằng, với cách xử lý ấy trong những năm tới thì tình trạng trốn đóng, nợ đóng sẽ giảm đi.

 

Ông Phạm Lương Sơn: Trong thời gian vừa qua, để khắc phục tình trạng nợ đọng của các doanh nghiệp thì BHXH Việt Nam cũng đã lập danh sách, cũng đã có thông tin. Tuy nhiên, thông tin đó vẫn còn ở mức hạn chế do một phần nể, ngại làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Nhưng từ năm 2016, đặc biệt là năm 2017, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và của BHXH Việt Nam, chúng tôi sẽ công bố, công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng và đặc biệt là nợ đóng kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên truyền hình, trên báo. Mong rằng thông qua cuộc đối thoại trực tuyến này, hi vọng các doanh nghiệp sẽ tăng cường thêm tính tuân thủ pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

 

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến đến năm 2031 chênh lệch thu - chi Quỹ Hưu trí bắt đầu âm 35.962 tỷ đồng; quỹ BHTN dự báo đến năm 2020 chênh lệch thu chi hơn 668 tỷ đồng; còn quỹ BHYT đến cuối năm 2019 quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng. Thưa ông Diệp, số người lao động tham gia các loại hình BHXH, BHYT, BHTN đều tăng, nhưng theo ông tại sao theo dự báo các quỹ lại mất cân đối?

 

Ông Doãn Mậu Diệp: Chúng ta đã nghe các dự báo không chỉ trong các cơ quan Việt Nam mà ở cả Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới đều có dự báo là quỹ hưu trí của chúng ta đến một thời điểm nào đó sẽ mất cân đối, 2031 hoặc có thể chậm hơn chút nếu chúng ta sửa đổi chính sách.

 

Thứ nhất là do quan hệ đóng hưởng của chúng ta, tỷ lệ hưởng của Việt Nam gần như cao nhất thế giới (75%). Thứ hai là tỷ lệ tích lũy gần như cao nhất thế giới; ví dụ như nam giới tham gia BHXH 20 năm thì mức tối thiểu là 45% cứ tăng thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% khi mà các nước xung quanh chỉ 1% hoặc hơn 1%.

Thứ ba, đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí thì 22% tiền lương cả doanh nghiệp và người lao động, 30 năm tham gia BHXH mỗi năm đóng 22% thì đóng 66 tháng lương vào đó, khi về hưu họ hưởng 75%, tức là nếu không có lãi suất đóng thì chỉ đủ cho 88 tháng hưởng lương hưu, cộng tất cả lãi suất đầu tư này nọ thì có thể trả tối đa là 120 tháng (tương đương 10 năm sau khi về hưu).

Một người về hưu tuổi 60 với tuổi thọ bình quân hiện nay là 73 thì người nào 60 tuổi trung bình sống thêm 19 năm. Cái phần đóng BHXH chỉ đủ trả cho 10 năm, 9 năm còn lại là quỹ BHXH phải chi trả, âm hay không là ở chỗ này. Anh Lợi có nói là nhà nước bảo hộ BHXH, BHXH không có đủ thì ngân sách Nhà nước phải bù vào. Ở đây, mất cân đối chủ yếu là ở quan hệ đóng hưởng, các tham số khi chúng ta tính toán.

Cho nên, một trong những giải pháp để giải quyết là nâng tuổi nghỉ hưu. Ví dụ, tham gia vào quỹ BHXH thêm 2 năm thì phần đấy ít nhất cũng trả được trong 2 năm sắp tới đồng thời 2 năm không hưởng hưu trí cộng thêm vào nữa là 4 năm. Nhưng hiện nay, mất cân đối khoảng 9 năm nên cho dù mình có nâng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 hoặc 3 năm thì cũng chỉ giải quyết được một phần của câu chuyện mất cân đối.

Vì thế, cần phải có nhiều giải pháp khác như giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng; nỗ lực tăng lợi tức đầu tư để quỹ có thể bảo tồn và phát triển được; sử dụng hiệu quả chi phí quản lý theo hướng tiết giảm, ứng dụng CNTT để minh bạch, để cập nhật tất cả tình hình.

Chúng tôi vẫn khẳng định rằng việc mất cân đối chủ yếu là do quan hệ đóng hưởng, do các tham số khi mà chúng ta đánh giá giữa mức đóng và mức hưởng của người lao động, của người sử dụng lao động. Việc này không chỉ có mỗi Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải. Hiện nay, các nước hầu hết đều nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi. Thậm chí, nước Pháp còn cho phép người dân tham gia BHTN trong thời gian học đại học. Nâng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong những giải pháp để giảm sự mất cân đối.

 

Ông Phạm Lương Sơn: Với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao cho thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; là một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội thì chúng tôi đang tiến hành những giải pháp kể cả trước mắt, ngắn hạn và lâu dài.

 

Trước mắt là những giải pháp để tăng cường công tác quản lý để làm sao quỹ BHXH, BHYT, BHTN được sử dụng một cách có hiệu quả nhất, đúng nhất, minh bạch nhất. Giải pháp để nâng cao quản lý đó cũng là để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường CNTT.

Thứ hai, chúng tôi cũng đang nỗ lực để phát triển các đối tượng tham gia vào các chính sách này, kể cả chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Ngoài những thành tựu trông thấy rất rõ về BHYT rồi thì việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng là một sự cố gắng rất lớn. Mỗi năm chúng tôi cố gắng đưa thêm khoảng 1 triệu người lao động tham gia BHXH bắt buộc và cùng với đó thì có cơ chế để tham gia BHXH tự nguyện. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh một số chính sách liên quan tới BHXH tự nguyện để cho chính sách đó hấp dẫn hơn với người dân để tham gia với số lượng đông hơn.

Một giải pháp trước mắt nữa là chúng tôi tăng cường công tác để thanh tra, kiểm tra để người lao động khi tham gia vào thị trường lao động thì người ta có trách nhiệm tham gia nhưng đồng thời cũng là quyền được tham gia. Về dài hạn, chúng tôi đang dự báo khả năng cân đối quỹ trong dài hạn và đề xuất những giải pháp để làm sao cho quỹ của chúng ta ổn định về mặt lâu dài. Để ổn định lâu dài thì chỉ có 3 giải pháp là tăng mức đóng, giảm mức hưởng không thì phải kéo dài thời gian tham gia chính sách này. Tăng mức đóng có thể nói rất khó khăn vì tỉ lệ tuyệt đối chúng ta đang là khá cao và chúng ta hưởng cũng là cao nhất thế giới.

Còn việc giảm quyền lợi thì đây là một công việc hết sức không nên làm vì thế cũng phải nghĩ tới để một lộ trình thích hợp nào đó để chúng ta kéo dài thời gian đóng ra thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách hợp lý cho phù hợp. Về phía cơ quan tổ chức thực hiện, chúng tôi đang xúc tiến quá trình dự báo đó để trình với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trình Chính phủ, trình Quốc hội để có những giải pháp để ổn định quỹ.

 

Ông Bùi Sỹ Lợi: Một yếu tố hết sức quan trọng mà cơ quan Chính phủ, cơ quan thực thi là BHXH Việt Nam cần hết sức chuẩn bị điều kiện. 1/1/2018 chúng ta có 2 nhóm đối tượng rất quan trọng được bổ sung mở rộng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện. Bắt buộc là đối tượng hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện đối tượng BHXH hiện nay có khoảng 3 triệu người, bản chất là trong quan hệ lao động nhưng không đóng; 8 triệu người làm công ăn lương nhưng không tham gia thì chúng ta phải hết sức lưu ý đối tượng này mới có thể mở rộng được.

Từ 1/1/2018, chúng ta cũng có chính sách mà Chính phủ đã ra Nghị định, tức là sẽ mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhưng có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% trong tổng số đóng 22% cho những hộ lao động là hộ nghèo, 20% cho cận nghèo và 10% cho nhóm đối tượng khác. Đây chính là một cơ hội để chúng ta thực hiện Nghị quyết 15 và đây chính là cách để có thể mở rộng đối tượng, góp phần bảo đàm bền vững của chính sách BHXH.

 

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Với việc các quỹ đều được dự báo mất cân đối trong tương lai gần, vậy giải pháp trước mắt và lâu dài của BHXH Việt Nam là gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

 

Ông Phạm Lương Sơn: Hiện nay, mức đóng BHXH tiếp tục giữ nguyên từ Luật BHXH năm 2006 (Quỹ hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng 14% và người lao động đóng 8%; Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người sử dụng lao động đóng 1%; Quỹ ốm đau, thai sản người sử dụng lao động đóng 3%).

 

Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm nhiều quyền lợi đối với người hưởng, đặc biệt chế độ thai sản (mẹ sinh con thì bố cũng được nghỉ việc hưởng trợ cấp, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp thai sản …); tăng mức hưởng chế độ BHXH một lần; mở rộng đối tượng được hưởng BHXH một lần.

 

Như vậy, mức thu không tăng trong khi mức chi tăng dẫn đến các quỹ sớm mất cân đối là tất yếu. Kết quả dự báo việc mất cân đối các quỹ có nguyên nhân chính từ việc tăng các mức hưởng. Vì vậy giải pháp lâu dài cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết về thực tế chính sách hiện hành để đề xuất sửa đổi phù hợp hơn trong cân đối giữa mức đóng và mức hưởng.

 

Về trước mắt, BHXH Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, chúng tôi rất tích cực thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng này như:

 

- Tích cực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ để giảm các chi phí hành chính.

 

- Chú trọng công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH; đổi mới các hình thức tuyên truyền đến người lao động, người dân; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến cơ quan BHXH từng cấp, từng cán bộ BHXH chuyên quản...

 

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân trốn đóng, nợ đóng hoặc lạm dụng, khai man hưởng các chế độ BHXH.

 

- Nâng cao hiệu quả công tác đầu tư tăng tưởng quỹ BHXH.

 

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng thực thi công vụ theo hướng phục vụ tốt nhất người lao động và nhân dân; bố trí, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả nhất.

 

Thưa ông, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp tối ưu để bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH?

 

Ông Bùi Sỹ Lợi: Nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu. Khi người lao động đã đóng được 15 năm BHXH, thì chúng ta đã tính được hưởng 45%, nhưng thực chất chỉ có 37%, có nghĩa là chúng ta nâng lên 8%. Lúc đó cuộc sống rất khó khăn, chúng ta chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, không tính đến lâu dài.

Bài toán này chúng ta phải dần xử lý theo nguyên tắc đóng hưởng. Nếu nói tăng tuổi nghỉ hưu là phương pháp căn cơ để cân bằng quỹ là không đúng. Anh Diệp phân tích rất đúng, nếu bây giờ chúng ta nâng lên nam 65, nữ 60 thì bài toán mất cân bằng vẫn hiện hữu. Chúng ta phải đồng bộ tất cả các giải pháp và đã đến lúc chúng ta phải nâng tuổi nghỉ hưu. Sau này lớp trẻ được đào tạo bài bản, sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ cao hơn, chúng ta cũng phải có lộ trình dần. Nếu hôm nay chúng ta không đặt ra để chúng ta chuẩn bị tâm thế cho người lao động thấy tương lai nâng lên như thế thì không được.

Vậy nên trong Bộ Luật Lao động, tôi rất muốn Chính phủ nên tính toán, nhưng tính toán như thế này, lộ trình, bước đi, nhóm nào nâng trước, nhóm nào nâng sau. Tìm được người tài, giỏi có chuyên môn cao ở lại giúp cho đất nước thì nên giữ, còn anh nào không có chuyên môn, không có năng lực mà ở lại thì là lực cản. Vậy nên phải phát huy vai trò của người đứng đầu. Tôi nghĩ đây là bài toán chúng ta phải đặt ra để xin ý kiến nhân dân trong việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải chia các nhóm lao động. Ví dụ như những người làm trong môi trường độc hại thì không nên nâng, chưa nên nâng vào lúc này, nhưng trong tương lai, nếu điều kiện làm việc tốt lên thì chúng ta lại đề xuất nâng. Đó là quyền của người lao động, quyền được làm việc, quyền được hưởng thụ.

 

Tại cuộc Họp báo Chính phủ vừa qua, ông cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không liên quan gì đến chi phí bộ máy của cơ quan BHXH. Ông có thể làm rõ hơn việc không liên quan này?

 

Ông Phạm Lương Sơn: Đối với bất cứ quốc gia nào, chi phí quản lý có vai trò rất quan trọng, cần thiết để bảo đảm các điều kiện tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tốt nhất. Thời gian qua, ngành BHXH tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN đáp ứng yêu cầu của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 và tương xứng với nhiệm vụ giao. Mức chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN giai đoạn này đã được các bộ, ngành thống nhất trình Chính phủ báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (tại Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

 

Kết quả ngành BHXH đạt được năm 2016 rất rõ nét, hiệu quả tương xứng với mức chi phí quản lý được giao, cụ thể: Số người tham gia BHXH tăng 7,9% so với năm 2015; số người tham gia BHTN tăng 8,9% so với năm 2015; số người tham gia BHYT là 75,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

 

 Công tác cải cách hành chính được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước đánh giá cao. Trong đó, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngành được cắt giảm xuống còn 32 thủ tục (giảm 1 thủ tục so với thời điểm cuối năm 2015), thành phần hồ sơ giảm 38%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp với cơ quan BHXH giảm còn 49 giờ/năm.

 

Ứng dụng CNTT được quan tâm, xây dựng trung tâm dữ liệu; Hệ thống phần mềm và Cổng thông tin thực hiện giao dịch điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4.

 

Đặc biệt trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện 2 dự án CNTT có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình hiện đại hóa của ngành, đó là Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh (khám chữa bệnh) BHYT trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh. Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT. Đến nay cả nước đã thu thập và nhập thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình, cơ bản đạt tỷ lệ 100% dân số cả nước và đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho 65,7 triệu người.

 

Trong thời gian tới, khi việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý của ngành BHXH cơ bản đã hoàn thiện và đẩy mạnh giao dịch điện tử, mặc dù khối lượng công việc của ngành tiếp tục tăng (số đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, số tiền thu, chi quỹ BHXH, BHTN ngày càng gia tăng) nhưng mức chi phí quản lý sẽ giảm dần.

 

Về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Quá trình xây dựng và phát triển hệ thống BHXH thông thường đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá và nếu cần thiết thì phải thay đổi tham số của hệ thống cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Già hóa dân số là một thực tế trên toàn cầu. Vì vậy, hệ thống hưu trí các nước, trong đó có Việt Nam, buộc phải xem xét ảnh hưởng của những thay đổi này.

Việt Nam đang ở trong thời kỳ cuối của giai đoạn “dân số vàng”. Quá trình già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Nếu tuổi nghỉ hưu vẫn giữ ở 60 đối với nam và 55 đối với nữ, tỉ lệ người nghỉ hưu so với người đang trong độ tuổi lao động dự đoán sẽ tăng từ 19,4% (năm 2009) lên 59,5% (2049) và tiếp tục lên 77,7% (năm 2099).

Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đang ngày càng giảm đi do mức sinh giảm cũng như sức khỏe và tuổi thọ tăng lên, Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để bảo đảm mối tương quan giữa đóng và hưởng BHXH và giải quyết thiếu hụt lao động trong tương lai. Với xu hướng già hóa dân số, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp bù đắp phần lao động bị thiếu hụt khi số người trong độ tuổi lao động bị giảm sút cũng như để duy trì tính bền vững về tài chính của hệ thống hưu trí.

 

Quan trọng hơn, cần phải đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già. Theo đó, cần quy định tuổi nghỉ hưu của Việt Nam cho phù hợp với đặc điểm của con người Việt Nam, tương đồng với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực. Đồng thời, cần nghiên cứu để sớm có quy định về mức sàn lương hưu hay là mức lương hưu thấp nhất phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người về hưu.

Tóm lại, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa bảo đảm tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm. Đây là một trong các giải pháp để bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho quỹ hưu trí và tử tuất, đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già. Từ những phân tích trên, tôi xin khẳng định lại một lần nữa: Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu không liên quan đến vấn đề chi phí bộ máy của cơ quan BHXH.

 

Theo quy định của Điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành về tuổi nghỉ hưu và theo cách tính của Luật BHXH năm 2014, nếu đủ 15 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu ở mức 45%; từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm sẽ cộng 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Hiện nay mức hưởng lương hưu tối đa là 75% cho nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ ở tuổi 55. Vậy khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nam từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58 hoặc 60 sẽ đặt ra ra các vấn đề sau. Xin được hỏi lần lượt với các vị khách mời.

 

- Với đại điện BHXH Việt Nam: Vậy khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, chúng ta có tính đến điều chỉnh trần tỷ lệ % mức đóng BHXH?

 

- Với đại diện Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội: Ở góc độ xây dựng luật, thưa ông, có thể nâng trần mức đóng BHXH đối với những lao động được kéo dài tuổi nghỉ hưu?

 

- Với đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo Điều 187 Bộ luật Lao động, Bộ có những điều chỉnh về mức đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động?

 

Ông Phạm Lương Sơn: Chúng tôi phải tính toán đến khả năng cân đối, đến việc tổ chức thực hiện sao cho đúng với nguyện vọng bảo đảm việc tăng tuổi nghỉ hưu phải theo lộ trình, bảo đảm quyền lợi cũng như khả năng cân đối, ổn định lâu dài cho quỹ bảo hiểm. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp hết sức chặt chẽ với các bộ quản lý nhà nước đặc biệt là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để đưa ra những giải pháp để trình Chính phủ, trình Quốc hội để chúng ta có được một lộ trình tối ưu nhất.

 

Ông Bùi Sỹ Lợi: Bây giờ chúng ta đang khắc phục mất cân bằng quỹ, thế nên phải tính toán lại và nguyên tắc BHXH đặt ra khi chưa xây dựng Luật BHXH sửa đổi 2014 chúng ta nói về nguyên tắc đóng hưởng. Thế nên bài toán này hôm nay nói ra thì chưa thể giải quyết được trong buổi tọa đàm hôm nay vì là vấn đề kĩ thuật, nhưng rõ ràng phải theo một nguyên tắc là có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao và đóng thấp hưởng thấp. Vì lâu nay chúng ta mất cân bằng quỹ là do nguyên tắc đóng hưởng quyết định chứ không phải hoàn toàn do tuổi nghỉ hưu.

 

Ông Doãn Mậu Diệp: Phương án thứ nhất, cứ mỗi năm đóng thêm BHXH thì được cộng thêm 2% mà trần tối đa vẫn là 75% thì mới chỉ khắc phục được 4 đến 5 năm. Phương án thứ hai, mỗi năm đóng như thế thì tỷ lệ có được cộng nhiều hơn hay không? Chắc chắn phải có một loạt các phương án cân đối. Chúng tôi nghĩ rằng những cái đó phải được thể hiện ở trong luật, các cơ quan Chính phủ sẽ xây dựng các phương án tính toán, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định, sau đó cơ quan BHXH Việt Nam sẽ triển khai tất cả những quy định của Luật, của Chính phủ.

 

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia trả lời cuộc tọa đàm ngày hôm nay.

 

Nguồn: chinhphu.vn

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE quản lý , quỹ bảo hiểm xã hội , tọa đàm

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi