Thứ năm, 02 Tháng 3 2017 14:06

Nguy cơ cháy nổ, ngạt khí, tai nạn trong môi trường lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy... là vấn đề mà các doanh nghiệp, người lao động cần phải quan tâm, đồng thời phải có các biện pháp và những kỹ năng cơ bản để chủ động xử lý khi có những tình huống xảy ra. Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc vừa là yêu cầu của pháp luật, vừa là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển và bền vững của toàn xã hội.

3ATLD - Can thiet dam bao ky nang an toan lao dong cho NLD

Trang bị kiến thức về an toàn lao động cho công nhân sẽ hạn chế tối đa những nguy hại trong lao động sản xuất

Kỹ năng an toàn lao động - văn hóa trong sản xuất

Hiện nay, nước ta có khoảng 400 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất được phân bố rộng khắp từ Bắc đến Nam, thu hút hàng triệu nhân công lao động thuộc các lĩnh vực, ngành nghề. Tính chất đặc thù ở các khu công nghiệp là sản xuất nhiều loại sản phẩm, mặt hàng, phần lớn đều có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó có các yếu tố về nguồn điện, thiết bị áp lực lò hơi, nhiệt độ cao, ga, xăng dầu, công nghệ nhiệt luyện, nguyên liệu dễ cháy như hóa chất, linh kiện điện tử, bông vải sợi, da, giấy, nhựa, cao su, gỗ, tre nứa là nguy cơ tiềm ẩn các vụ cháy nổ, ngạt khí, tai nạn lao động.

Theo Cục An toàn lao động, mỗi năm cả nước có tới hơn 600 người chết vì tai nạn lao động, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người chủ yếu do chủ sử dụng lao động không có các biện pháp đảm bảo an toàn lao động như không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện kỹ năng an toàn lao động cho người lao động... Một nguyên nhân khác là một số ít do người lao động không thực hiện đúng quy trình lao động, không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động và thậm chí coi thường các khóa tập huấn kỹ năng an toàn lao động.

Mặc dù theo quy định, huấn luyện kỹ năng an toàn lao động là một trong những nội dung bắt buộc của công tác bảo hộ lao động và người lao động trước khi bước vào môi trường làm việc, phải được đào tạo an toàn lao động để biết cách xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất, những nội dung tập huấn thường là hướng dẫn kiến thức cơ bản về an toàn vệ sinh lao động, khám và phòng bệnh nghề nghiệp, giới thiệu nhận diện các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các văn bản pháp luật liên quan nhưng trên thực tế, có rất ít đơn vị sử dụng lao động làm được điều này, hoặc thực hiện rất hời hợt, không hiệu quả. Một thực tế khác khi một số doanh nghiệp còn tìm cách tiết giảm chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị bảo hộ, thiết bị phòng chống cháy nổ dẫn đến tình trạng công nhân thiếu dụng cụ bảo hộ hoặc không giám sát chặt chẽ từ khâu tuyển dụng đến thi công, dẫn đến số vụ tai nạn lao động liên tiếp tăng cao trong vài năm trở lại đây.

Vì vậy để giảm số vụ tai nạn lao động, việc đầu tiên phải nâng cao ý thức người lao động trong quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động. Muốn vậy, người lao động phải được huấn luyện và nắm được những quy định, kỹ năng qua các khóa huấn luyện về kỹ năng an toàn vệ sinh lao động. Doanh nghiệp sử dụng lao động phải thành lập một bộ phận giám sát, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động tại đơn vị. Bên cạnh đó, cũng cần đề phòng và hạn chế những thiệt hại do cháy nổ gây ra. Ngoài việc trang cấp đầy đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người lao động, để họ chủ động xử lý tình huống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Tùy vào mặt hàng sản xuất, địa hình khu sản xuất mà doanh nghiệp tự xây dựng những tình huống giả định có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, lưu kho. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác này, việc kết hợp với các lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức các buổi diễn tập, sơ cứu xử lý là điều hết sức cần thiết. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần phải được thực hiện thường xuyên để nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn quy định vệ sinh an toàn lao động.

Việc thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động không chỉ nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, mà còn góp phần quan trọng trong cả quá trình phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.

Các biện pháp cơ bản về kỹ thuật an toàn lao động

Để bảo vệ người lao động khỏi bị tác động bởi các yếu tố nguy hiểm nảy sinh trong lao động, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều phương tiện kỹ thuật, biện pháp thích hợp đã được nghiên cứu áp dụng. Có thể nói, các biện pháp, kỹ năng an toàn đã hạn chế tối đa những nguy hại trong lao động sản xuất đối với người lao động.

Với thiết bị che chắn sẽ cách ly giữa khu vực nguy hiểm và người lao động, ngăn ngừa người lao động rơi, tụt, ngã hoặc vật rơi, văng bắn vào người lao động. Tùy thuộc vào yêu cầu che chắn mà cấu tạo của thiết bị che chắn đơn giản hay phức tạp và được chế tạo bởi các loại vật liệu khác nhau. Có hai loại thiết bị che chắn, gồm che chắn tạm thời, di chuyển được như che chắn ở sàn thao tác trong xây dựng và che chắn lâu dài, hầu như không di chuyển như bao che của các bộ phận chuyển động. Các thiết bị che chắn sẽ ngăn ngừa được tác động xấu do bộ phận của thiết bị sản xuất gây ra, không gây trở ngại cho thao tác của người lao động, không ảnh hưởng đến năng suất lao động, công suất của thiết bị và dễ dàng tháo, lắp, sửa chữa khi cần thiết.

Thiết bị bảo hiểm có tác dụng ngăn chặn tác động xấu do sự cố của quá trình sản xuất gây ra, hạn chế sự cố trong quá trình sản xuất. Khi sự cố xảy ra có thể do quá tải, bộ phận chuyển động đã chuyển động quá vị trí giới hạn, nhiệt độ cao hoặc thấp quá, cường độ dòng điện cao quá... lúc đó, thiết bị bảo hiểm tự động dừng hoạt động của máy.

Một trong những biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cần phải có đó là hệ thống tín hiệu, báo hiệu nhằm nhắc nhở cho người lao động kịp thời tránh không bị tác động xấu trong quá trình lao động sản xuất như biển báo, đèn báo, cờ hiệu, còi báo động.

Khoảng cách an toàn tuy là khoảng không gian nhỏ nhất giữa người lao động và các loại phương tiện, thiết bị nhưng rất quan trọng để không bị tác động xấu của các yếu tố sản xuất. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại thiết bị mà quy định các khoảng cách an toàn khác nhau, bởi vậy việc xác định khoảng cách an toàn rất cần chính xác, đòi hỏi phải tính toán cụ thể.


 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE an toàn , lao động

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi