Thứ hai, 06 Tháng 2 2017 11:41

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành giáo dục tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham quan Phòng truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Ảnh: Báo Dân trí

Trong dịp đến thăm làm việc, chúc Tết tập thể cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành giáo dục ngày 4/2,  Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. 

Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, thời gian qua, ngành giáo dục đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt được những thành tựu quan trọng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương những thành tích xuất sắc mà ngành giáo dục đạt được trong năm vừa qua. Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. Tám đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều giành được Huy chương Vàng. Việt Nam đã tổ chức thành công kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

Dẫn câu nói của Anh hùng Giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”, Chủ tịch nước nêu rõ hiện nay giáo dục và đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo.

Bày tỏ đồng tình với những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản mà ngành giáo dục đã đề ra, Chủ tịch nước đề nghị ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; hướng các hoạt động hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành giáo dục cũng cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn”, giáo dục nâng cao tri thức đi cùng với tập trung giáo dục nhân cách, giáo dục thể chất…

Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý ngành giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. 

Bên cạnh đó, ngành giáo dục phải chú trọng đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp môi trường thực hành giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp; nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực để có được đội ngũ “kỹ sư toàn cầu”.

Cùng với việc tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, giáo dục toàn diện, ngành giáo dục cần chú trọng công tác giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề, bảo đảm xóa mù chữ bền vững; mở rộng hợp tác quốc tế; tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước.

Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu. Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực. Sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài để hình thành đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nói trên.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chung tay chăm lo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục để đất nước ta sớm sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

 

 

Nguồn: TTXVN

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi