Bí thư Đinh La Thăng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Vinamilk để "thay máu" toàn bộ đàn bò sữa của TP.HCM theo con giống, công nghệ của Vinamilk, nhằm đưa năng suất từ 17-18 lít/con/ngày lên trên 30 lít/con/ngày.
Khẳng định này của bí thư Thành ủy TP.HCM được đưa ra trong chuyến thăm nhà máy sữa Việt Nam thuộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Bến Cát (Bình Dương), chiều 2-2.
Ông Đinh La Thăng đã nhắc lại, tròn một năm trước (ngày 18-2-2016), trong buổi làm việc ở Củ Chi ông đã yêu cầu chính quyền Củ Chi phải phối hợp chặt chẽ với Vinamilk và các công ty sữa để tìm đầu ra cho đàn bò sữa hơn 50.000 con của Củ Chi.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công ty CP sữa Việt Nam chiều 2-2 - Ảnh TỰ TRUNG
Đừng bao cấp, hãy mang "cần câu cơm"
Thông tin với ông Đinh La Thăng, bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk cho biết sản lượng sữa của đàn bò sữa tại Củ Chi chỉ 17 -18 lít/con/ngày. Trong khi đàn bò sữa của Vinamilk là 30 lít/ con/ngày.
Bà Liên cũng khẳng định "chỗ nào bán sữa đủ chất lượng, Vinamilk đã mua hết". Tuy nhiên nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 30% cho Vinamilk, chủ yếu là dành cho sản xuất sữa tươi, nguyên liệu sữa bột vẫn phải nhập toàn bộ.
"Vậy làm cách nào để đàn bò sữa của nông dân TP.HCM có sản lượng bằng của Vinamilk?" - ông Đinh La Thăng hỏi. Bà Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk đang tiến hành từ khâu con giống đến thức ăn để cố gắng trong 3 năm giá thành của đàn bò sữa trong nước "hội nhập" được với giá thành thế giới.
Tuy nhiên, bà Liên cũng khẳng định so với chính sách hỗ trợ nông dân các nước thì chính sách hỗ trợ nông dân Việt Nam còn khá thấp. "Các nước có nhiều hình thức hỗ trợ, còn ở trong nước Vinamilk chỉ hỗ trợ được giá bằng việc trả giá cao, hỗ trợ kỹ thuật..." - bà Liên nói.
Bà cũng cho biết Vinamilk đang khuyến cáo nông dân, con nào giống kém thì thải.
Ông Thăng tán đồng lộ trình của Vinamilk trong việc hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa, nhưng ông cho rằng: "Không thể bao cấp mãi được, sẽ không tạo được động lực. Phải có đề án mà chính nông dân là chủ thể".
Báo cáo thêm với bí thư Thành ủy, ông Trịnh Quốc Dũng - giám đốc điều hành vùng phát triển nguyên liệu Vinamilk - cho biết công ty sẽ giúp nông dân thay đàn bò hiện có bằng đàn bò ngoại nhập cho sản lượng cao. Cung cấp toàn bộ thức ăn, chăm sóc, phối giống theo chương trình dài hạn. TP cần hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi cho nông dân để thực hiện.
Ông Dũng cũng báo cáo là ở Củ Chi xuất hiện một số băng nhóm bảo kê thu mua sữa, ngăn chặn người dân bán sữa cho Vinamilk và các công ty thu mua sữa khác. "Việc này rất nghiêm trọng, chúng tôi đã có báo cáo cho Công an Củ Chi. Nhưng cần sự tham gia của cấp cao hơn để bà con và phía công ty yên tâm" - ông kiến nghị.
Ngay sau đó, Bí thư Thăng đã yêu cầu Văn phòng Thành ủy có văn bản đề nghị Công an TP.HCM vào cuộc làm rõ.
Sẽ cho nông dân nuôi bò vay ưu đãi
Trước lộ trình mà phía Vinamilk đưa ra, ông Đinh La Thăng yêu cầu ngay trong quý 1, Ban cán sự Đảng UBND TP phải hoàn thành đề án cơ cấu lại đàn bò sữa. Trong đó nêu rõ phần việc của chính quyền từng cấp, sự phối hợp cụ thể giữa chính quyền và phía Vinamilk trong việc hỗ trợ nông dân cải tạo đàn bò sữa theo công nghệ của Vinamilk.
Ông khẳng định TP sẽ cho nông dân vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để thực hiện được đề án này.
Đáp lại ý kiến này của bí thư Thành ủy, bà Mai Kiều Liên đề nghị ngay trong quý 1-2017, TP và Vinamilk cho thí điểm ngay một khu vực nhỏ để nông dân thay con giống bò sữa, áp dụng công nghệ chăn nuôi mới. Bà Liên khẳng định khi mô hình thí điểm cho thấy năng suất tăng từ 17-18 lít lên 30 lít/con/ngày thì sẽ thuyết phục được người nông dân nuôi bò sữa làm theo.
Đánh giá về đề án của TP và mô hình thí điểm mà bà Liên đề xuất, ông Sử Ngọc Anh - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - rất hoan nghênh và nói: "Tiền không phải là vấn đề lớn, vấn đề là mô hình thí điểm thuyết phục được nông dân".
Mở rộng vấn đề, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng tỉ trọng nông lâm ngư nghiệp dù chỉ chiếm 0,84% giá trị sản phẩm mà TP làm ra và đóng góp chỉ 0,04% (trong 8,5%) tăng trưởng của TP nhưng có ý nghĩa rất lớn. Bởi đa số 23.000 hộ nông dân TP đang sống ở những vùng ngoại thành, xưa là căn cứ kháng chiến cũ của TP. Và đề án này là một trong những phần việc mà TP.HCM phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những người nông dân TP.
"Việc chúng ta cần làm nhất là giúp những người nông dân còn khó khăn ấy chiếc "cần câu cơm" có năng suất, lâu dài" - bí thư Thành ủy khẳng định.
Tin mới
- Chủ tịch nước dự ngày hội ‘Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc’ - 06/02/2017 07:51
- Công bố 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - 06/02/2017 07:48
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2017 - 06/02/2017 07:43
- Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay kế hoạch sản xuất-kinh doanh - 06/02/2017 04:44
- Giáo dục - đào tạo có vai trò quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc - 06/02/2017 04:41
Các tin khác
- Công bố thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Nghề công tác xã hội - 23/01/2017 05:30
- Lễ trao tặng xe lăn cho thương binh và người khuyết tật - 23/01/2017 05:27
- Gần 1 triệu người nghèo được Chính phủ hỗ trợ gạo dịp Tết - 23/01/2017 05:11
- Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - 18/01/2017 03:37
- Cấp 18 ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi - 18/01/2017 03:31