Ngày 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về vấn đề kinh tế-xã hội, tái cơ cấu kinh tế. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Cụ thể, Quốc hội sẽ thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Tại phiên thảo luận này, các thành viên Chính phủ cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập.
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào sáng 20/10 đã nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội năm 2016 cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Nội dung đánh giá chung trong Báo cáo khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên.
Văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có tiến bộ. Phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững thế chủ động chiến lược và chủ quyền quốc gia. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả.
Báo cáo cũng nêu lên phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Giữ thế chủ động chiến lược, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Từ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được Chính phủ xác định.
Trong đó, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể là: (1) Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. (2) Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. (3) Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. (4) Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. (5) Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên. (6) Xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. (7) Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. (8) Nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế. (9) Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Trong phiên họp toàn thể vào chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo cho biết thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020” đã đặt ra 4 định hướng tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020, bao gồm: Duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng); đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế; tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng và phát triển cơ cấu vùng kinh tế hợp lý.
Quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 theo 4 định hướng nêu trên đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Về mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.
Từ mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ được đề ra là: Từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực. Từng bước củng cố nội lực của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Báo cáo thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 khẳng định nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu trong Đề án tổng thể tái cơ cấu 2013-2020, khắc phục hạn chế trong thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua và đáp ứng yêu cầu nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 86 của Quốc hội cũng như bối cảnh mới. Đồng thời, nêu những ý kiến cụ thể về các vấn đề liên quan đến quan điểm, mục tiêu và chỉ tiêu tái cơ cấu; kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện…
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH 2017 - 07/11/2016 03:00
- Vinamilk đồng hành cùng Hội nhi khoa Việt Nam tổ chức 'Hội nghị khoa học nhi khoa toàn quốc lần thứ 22' - 04/11/2016 21:05
- Hàng chục nghìn ngôi nhà tại bắc miền Trung bị ngập do lũ - 02/11/2016 03:27
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung - 02/11/2016 03:24
- Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người - 02/11/2016 03:18
Các tin khác
- Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam - 01/11/2016 07:23
- Lũ lên bất ngờ nhấn chìm nhiều khu vực trung tâm Cam Lộ - 01/11/2016 06:42
- Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra - 01/11/2016 06:25
- Ngày 1/11: Quốc hội thảo luận về tài chính, ngân sách, đầu tư công - 01/11/2016 06:22
- Sữa chua Vinamilk được đánh giá cao tại thị trường Thái Lan - 28/10/2016 04:29