Các công ty từ 20 quốc gia đang tham gia vào chuỗi cung ứng các vật liệu giúp nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chế tạo bom, một nghiên cứu do EU chỉ đạo thực hiện vừa được công bố cho biết.
Các phần tử có liên hệ với IS có thể dễ dàng mua các vật liệu chế tạo bom ngay tại địa phương. (Ảnh: Philstar)
Nghiên cứu này cũng hối thúc chính phủ cũng như các doanh nghiệp cần hành động mạnh mẽ hơn để lần theo đường đi của các loại hóa chất, dây cáp và các vật liệu có thể dùng để chế tạo bom khác.
Có tổng cộng 51 công ty, đến từ nhiều quốc gia trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Mỹ đã sản xuất, bán hoặc tiếp nhận hơn 700 linh kiện được IS sử dụng để chế tạo ra các thiết bị nổ tự tạo (IED).
Nhóm khủng bố này được tin là đang sản xuất IED với quy mô "gần như công nghiệp", sử dụng cả các bộ thiết bị công nghiệp vốn bị quản lý chặt, lẫn các vật liệu thông thường như hóa chất phân bón và điện thoại di động.
Nghiên cứu Xung đột Vũ trang, được thực hiện trong 20 tháng, chỉ ra rằng có 13 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu đến chuỗi cung ứng các thành phần chế tạo IED cho các phần tử IS, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tiếp sau đó là Ấn Độ với 7 công ty có liên quan.
"Phát hiện này giúp củng cố cho nhận định của quốc tế, rằng các lực lượng IS tại Iraq và Syria chủ yếu tự cung tự cấp, đang mua vũ khí và các hàng hóa chiến lược khác, như vật liệu chế tạo IED, ngay tại địa phương một cách dễ dàng", James Bevan, giám đốc nghiên cứu trên khẳng định.
Hoạt động buôn bán những thiết bị giá rẻ và sẵn có, một số không cần giấy phép xuất khẩu của chính phủ, ít bị kiểm soát hơn nhiều so với hoạt động buôn bán vũ khí.
Các nhà nghiên cứu khẳng định IS có thể mua gom được một số thiết bị trong thời gian chỉ khoảng 1 tháng sau khi những thiết bị đó được cung cấp một cách hợp pháp tới địa phương. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong việc giám sát chuỗi cung ứng những vật liệu có thể được dùng để chế tạo bom.
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối hợp tác
Ông Bevan cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối hợp tác với cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu, khiến họ không thể xác định mức độ hiệu quả của các quy định của Ankara đối với hoạt động giám sát đường đi của các thiết bị nêu trên.
Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận được những thiết bị này thông qua các đối tác, bao gồm nhóm chiến binh người Kurd YPG được Washingto hậu thuẫn, cảnh sát liên bang Iraq, Hội đồng an ninh vùng Kurdistan và các lực lượng của Chính quyền khu vực Kurdistan.
Các thiết bị được phát hiện và thu giữ trong những trận chiến lớn quanh các thành phố của Iraq như al Rabia, Kirkuk, Mosul, và Tikrit và tại thị trấn Kobani của Syria.
Hầu hết số kíp nổ, dây dẫn cùng các chốt an toàn mà nhóm nghiên cứu ghi nhận trong cuộc điều tra do 7 công ty tại Ấn Độ sản xuất. Những thiết bị này được tin là hàng xuất khẩu hợp pháp, theo giấy phép của chính phủ Ấn Độ, bán cho các tổ chức tại Li-băng và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các công ty tại Brazil, Romania, Nga, Hà Lan, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Áo và CH Séc cũng có liên quan đến việc cung cấp các thiết bị chế tạo IED.
Theo Dân trí
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự sản xuất tên lửa tầm xa - 27/02/2016 02:36
- Tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn với chính sách của Erdogan? - 26/02/2016 08:16
- Putin có quá nhiều thứ để vui - 26/02/2016 07:26
- Ngày “Siêu thứ Ba” trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng - 26/02/2016 07:18
- Ông Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ vào tháng 3 - 25/02/2016 08:59
Các tin khác
- Donald Trump có thể phải tạm ngừng tranh cử tổng thống để hầu tòa - 25/02/2016 03:18
- Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra tại Biển Đông - 25/02/2016 03:08
- Ai sẽ nối gót gia tộc quyền lực nhất nước Mỹ? - 23/02/2016 12:18
- Ấn Độ nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - 23/02/2016 07:26
- Mỹ có thể triển khai vũ khí đến Biển Đông - 23/02/2016 02:17