Thứ ba, 23 Tháng 2 2016 09:17

Các nhà chiến lược và nhà hoạch địch cấp cao của Lầu Năm Góc đang cân nhắc triển khai các đơn vị pháo di động ở Biển Đông nếu cần thiết với chức năng là vũ khí phòng không sẵn sàng bắn hạn bất cứ tên lửa nào đe dọa khu vực, trang mạng Scout dẫn nguồn thạo tin cho biết.

 

BD.My.nhandao

(Ảnh minh họa: Scout)


Ngoài Biển Đông, giới chức Mỹ cũng cân nhắc sử dụng vũ khí phòng không này ở một số khu vực như Trung Đông và Đông Âu. Riêng ở Biển Đông, do mối quan hệ phức tạp vừa hợp tác vừa đối đầu với Trung Quốc, nên các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau.

 

Tuy nhiên, tất cả những phương án trên mới chỉ đang được cân nhắc, và chưa có quyết định chính thức nào. Giới chức Lầu Năm Góc phản đối việc quân sự hóa hơn nữa khu vực Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các tranh chấp ở đây nên giải quyết bằng giải pháp ngoại giao và hòa bình.

 

Ngoài ra, giới chức Lầu Năm Góc cũng công khai tuyên bố rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động "tự do hàng hải" mà ở đó các tàu hải quân của Mỹ tiếp tục đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông. Cùng với hoạt động này, Mỹ có thể sẽ tìm cách triển khai thêm các vũ khí phòng vệ và tấn công ở khu vực.

 

Rõ ràng, một động thái như vậy sẽ cần đến sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ ở khu vực bởi Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

 

Hệ thống vũ khí có thể được Mỹ triển khai tới khu vực đó là khẩu pháo M777 Howitze hay Paladin. "Chúng tôi có thể sử dụng Howitzers và loại pháo có thể ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa tầm xa hay tên lửa hành trình", một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ cho biết. Theo quan chức này, loại pháo này có thể chặn các tên lửa đang tìm cách tiếp cận và ưu điểm của nó là có thể di chuyển hoặc thay đổi mục tiêu một cách nhanh chóng.

 

Hệ thống phòng không như Army M777 hay Paladin Howitzer có thể sử dụng công nghệ kiểm soát bắn và ngắm bắn chính xác để phá hủy các mối đe dọa như trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa của đối phương. Hệ thống này có lợi thế di động trội hơn so với Patriot hay hệ thống phòng không THAAD.

 

M777 là một cái tên nổi bật trong làng pháo binh. Do sử dụng titan và hợp kim nhôm, trọng lượng của pháo chỉ khoảng 2,7 tấn, rất nhẹ so các loại các loại pháo cùng cỡ nòng 155mm khác (khoảng 4,4 tấn).

 

Dù nhẹ nhưng tầm bắn xa vẫn rất chính xác và ổn định, nhờ vào cơ cấu cân bằng với nòng pháo đặt thấp và hệ thống điều khiển bắn kỹ thuật số giúp tự động hóa việc nhận lệnh bắn và khai hỏa chính xác, cung cấp dữ liệu, định vị vị trí thông qua GPS/INS,... Nhờ vậy, M777 có thể đánh sập một tòa nhà mà ít gây tổn hại đến khu vực xung quanh. M777 từng được sử dụng ở chiến trường Iraq và Afghanistan.

 

Mặc dù hiện Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận về triển vọng phối hợp với đồng minh để triển khai các vũ khí như Howitzer ở Biển Đông, nhưng họ nói rằng Mỹ đang thúc đẩy hợp tác với các đồng minh trong khu vực. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác và đồng minh để nâng cao năng lực an ninh hàng hải", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban nói.

 

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh lớn tiếng nói rằng, động thái này là nhằm "phòng vệ" và "bảo vệ chủ quyền" ở khu vực này. Bắc Kinh cũng ngang ngược tố Mỹ đang "quân sự hóa" Biển Đông khi phanh phui việc Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa tới Phú Lâm.

 

Về phía Mỹ, giới chức quân sự nước này khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và kêu gọi sự phối hợp của các đồng minh. Hồi tháng 10 năm ngoái và đầu năm nay, Mỹ đã 2 lần đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong nỗ lực thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở đây.

 

Theo Scout

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Mỹ , vũ khí , Biển Đông , khu vực

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi