Thứ tư, 13 Tháng 1 2016 09:44

Trung Quốc bất chấp tất cả để bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đã gây uy hiếp rất nghiêm trọng đối với an ninh hàng không ở khu vực, tạo ra những tiền lệ rất nguy hiểm ở Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao về nhận định "nước cờ" mà Trung Quốc đang đi trên Biển Đông sau động thái bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

 

"Mưu đồ khách đổi thành chủ"

 

MuuDo.nhandao
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam


Kể từ ngày 1/1/2016 Trung Quốc thực hiện liên tiếp 46 chuyến bay qua vùng thông báo bay Hồ Chí Minh để tới đảo đá Chữ Thập, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Vậy, Trung Quốc đang đi nước cờ nào trên Biển Đông, thưa ông?

 

Tôi cho rằng đây là hành động đã có tính toán rất kỹ của Trung Quốc nằm trong một chuỗi kế hoạch kiểm soát Biển Đông. Đầu tiên là kiểm soát trên biển với việc hoàn thành bồi đắp đảo nhân tạo, đưa số lượng lớn tàu bè vào áp đảo và hiện họ đang bắt đầu tạo thế trận để tiến tới kiểm soát trên không thông qua hành động đưa máy bay vào. Bước thứ nhất họ phải bay thử nghiệm để tiến đến xác lập vị thế từ khách đổi thành chủ ở trên không và sau đó sẽ đưa các máy bay chống tàu ngầm và các thiết bị khác để tiến hành kiểm soát nốt đáy biển.

 

Sau khi thử nghiệm bay dân sự, Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động bay quân sự. Theo nguồn tin báo chí Hồng Kông dẫn lời một chức Trung Quốc giấu tên cho hay, khoảng đầu tháng 2 năm nay, rơi vào dịp Tết Nguyên Đán, Trung Quốc có thể đưa máy bay quân sự ra đá chữ Thập.

 

Việc thực hiện hàng loạt chuyến bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập qua vùng bay Hồ Chí Minh vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn hàng không, không chỉ của Việt Nam mà của cả Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nhưng vì đã có kế hoạch từ trước nên Trung Quốc bất chấp tất cả để bay và đã gây uy hiếp rất nghiêm trọng đối với an ninh hàng không ở khu vực, tạo ra những tiền lệ rất nguy hiểm ở Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên Biển Đông khiến dư luận lo ngại về khả năng nước này sẽ thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở đây? Ông nghĩ thế nào về điều này?

 

Trên thực tế đã có hiện tượng một số máy bay quốc tế bay vào không phận ở Biển Đông đã bị Trung Quốc xua đuổi. Điều này cho thấy, họ có thể đang từng bước thực hiện ADIZ. Tuy nhiên, việc tuyên bố công khai cần phải tính toán đến năng lực thực tế vì Biển Đông là khu vực hàng không nhộn nhịp nhất thế giới, sẽ động chạm đến rất nhiều quốc gia và sẽ rất nguy hiểm. Thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông chỉ liên quan tới Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng ở Biển Đông sẽ động chạm tới 10 nước ASEAN và các quốc gia khác như Úc và New Zealand.

 

Để lập ADIZ phi pháp, Trung Quốc cũng phải có hệ thống radar, cần lực lượng không quân đủ mạnh, các trang thiết bị hiện đại khác... Vì thế, theo tôi, khả năng Trung Quốc chưa lập ADIZ trái phép trong năm 2016.

 

"Người Mỹ thường nói là làm"

 

Tháng 10 năm ngoái, Mỹ điều tàu khu trục tiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi, 1 trong 7 bãi đá Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau đó, Mỹ cũng điều cả máy bay B-52 tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp. Theo ông, liệu Mỹ sẽ có phản ứng thế nào sau động thái bay thử nghiệm này của Trung Quốc?

 

Thực tế, trong thời gian vừa qua, nước Mỹ cũng có những vấn đề nội bộ và các điểm nóng họ phải tập trung nhiều hơn nhưng người Mỹ họ thường rất minh bạch và công khai. Họ nói là họ sẽ làm. Trong năm nay, chắc chắn Mỹ vẫn tiếp tục tuần tra Biển Đông song quan trọng là sẽ đứng sau vận động để Úc và Nhật Bản cùng các đồng minh can dự mạnh hơn, kể cả EU và ASEAN.

 

Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN vào tháng 2/2016 tại Mỹ sẽ bàn về việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN, tạo tiền đề cho tân Tổng thống Mỹ sắp tới trong việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, trong cuộc gặp lần này, vấn đề Biển Đông cũng sẽ được trao đổi một cách thẳng thắn và cởi mở.

 

MuuDo1.nhandao
Một máy bay của Trung Quốc hạ cánh phi pháp xuống bãi Chữ Thập ngày 6/1 (Ảnh: AFP)


Quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thời gian tới được cho là sẽ giúp các quốc gia ASEAN củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi chia sẻ và gắn kết sâu hơn các lợi ích an ninh với nhau. Điều này sẽ tác động thế nào đến đến câu chuyện Biển Đông, vấn đề rất lớn, cốt yếu với hòa bình, an ninh ở khu vực?

 

Hiện nay vấn đề Biển Đông đã trở thành thách thức lớn nhất, một nguy cơ, một điểm nóng dễ bùng nổ nhất trong khu vực. ASEAN đã ý thức được điều này, tuy nhiên, cách thức xử lý vấn đề hiện nay giữa các nước còn khác nhau. Về cơ bản, ASEAN vẫn đi theo các hướng: Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trên cơ sở diễn dàn chung, diễn đàn đa phương tính tới lợi ích của các bên và thực hiện nghiêm túc DOC và tiến tới COC.

 

ASEAN cũng sẽ nâng cấp cơ chế đối thoại giữa các Tổng tham mưu trưởng thành một cơ chế thường xuyên để tham gia quản lý vấn đề Biển Đông. Khi các Tổng tham mưu trưởng của các nước, những người nắm việc dùng binh, ngồi với nhau sẽ có thể giúp giảm nguy cơ xung đột.

 

Cộng đồng ASEAN hình thành sẽ giúp thúc đẩy hơn hợp tác quốc phòng an ninh và sẽ kiên quyết hơn đối với vấn đề Biển Đông. Còn thực tế hiện nay, để giải quyết triệt để vấn đề Biển Đông là rất khó khi Trung Quốc ngày càng tham vọng và lấn tới.

 

Trung Quốc đang cố tình trì hoãn COC

 

Quá trình đàm phán để đi đến ký kết COC giữa ASEAN và Trung Quốc có vẻ rất trắc trở và đến nay Bắc Kinh vẫn cố tình trì hoãn. Liệu có khả năng rằng, COC chỉ được ký kết khi Trung Quốc đặt Việt Nam và các nước ASEAN còn lại vào "chuyện đã rồi" , tức là các nước muốn đạt được COC phải chấp nhận hiện trạng Trung Quốc đã cải tạo?

 

Cho đến giờ Trung Quốc chưa đặt ra điều kiện để đàm phán ký kết COC, nhưng đây là một lo ngại chính đáng. Đến nay, Trung Quốc chỉ mới dừng ở giai đoạn tham vấn chứ chưa đàm phán. Họ muốn lảng tránh và dùng các dự án mang tính chiến thuật để đạt mục tiêu chiến lược nhằm chia rẽ ASEAN. Hiện nay ASEAN vẫn phải điều phối nội bộ, trong khi Trung Quốc cố tình trì hoãn.

 

Đàm phán như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chính trị nội bộ Trung Quốc cũng như mỗi nước ASEAN nên chưa thể nói cụ thể khi nào COC sẽ được hoàn tất. Xây dựng DOC cũng phải mất nhiều năm, hướng dẫn thực hiện DOC cũng mất tới 10 năm.

 

Tuy nhiên, ASEAN đã đạt được một số tiến bộ quan trọng đối với tiến trình đàm phán COC khi đã đưa ra thành tố và cấu thành của COC.

 

Trong bối cảnh câu chuyện Biển Đông vẫn còn rất nan giải và trong một bàn cờ chiến lược đầy phức tạp với những lợi ích đan xen như hiện nay, Việt Nam cần có những bước đi thế nào, thưa ông?

 

Chúng ta vẫn luôn kiên quyết mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo, kiên trì xử lý quan hệ với Trung Quốc theo hướng đa phương và song phương. Cùng với đó, chúng ta cần tranh thủ sự hợp tác với các nước ASEAN để thông qua ASEAN, Việt Nam có điều kiện nâng cao năng lực, có thêm các cơ chế để hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta ở Biển Đông.

 

Việt Nam cũng cần tiếp tục duy trì vị thế, duy trì sự quan tâm của các nước lớn và đợi phán quyết của Tòa án quốc tế đối với vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines để tiếp tục có tính toán chiến lược. Đến nay, lợi thế có vẻ nghiêng về Philippines, nhưng vẫn chưa thể nói diễn biến tiếp theo sẽ thế nào và kết quả cuối cùng ra sao vì không loại trừ tòa án sẽ ra phán quyết chung chung. Chúng ta là bên thứ 3 có liên quan nhiều nhất vì vậy từng bước đi, chúng ta cần rất thận trọng.

 

Theo Dân trí

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi