Khởi đầu do Liên Xô dẫn dắt và được nuôi dưỡng bởi những chính sách sai lầm của Mỹ, Triều Tiên rốt cuộc được sở hữu vũ khí hạt nhân, mặc cho cộng đồng quốc tế phản đối...
Vì đối với Bình Nhưỡng đang được cho là bị cô lập, nguyên tử chính là bảo đảm cho sự sống còn của chế độ.
Triều Tiên thông báo phóng thử thành công vũ khí hạt nhân (bom H). (Ảnh: sciencepost.fr)
Theo Nhật báo Le Monde ngày 11/1/2016, quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô trong thập niên 50, Triều Tiên đã tự hoàn chỉnh được kỹ thuật nguyên tử, trang bị được kỹ năng và các thiết bị cần thiết trong thập niên 60 và 70, trước khi thiết lập được chương trình hạt nhân quân sự trong thập niên 80 và 90 kế tiếp.
Trở thành quốc gia tự chiết xuất được plutonium, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nguyên tử đầu tiên vào năm 2006.
Nhưng ngay từ năm 1952, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, Viện hàn lâm Khoa học Triều Tiên đã lao vào nghiên cứu việc khai thác các mỏ uranium mà đất nước này khá giàu có tiềm năng, cùng với vật lý nguyên tử. Ba năm sau, Bình Nhưỡng thành lập Viện nghiên cứu Nguyên tử.
Năm 1956, Moskva ký kết với Bình Nhưỡng một hiệp định hỗ trợ và 3 năm sau đó là thỏa thuận hợp tác kỹ thuật, xây dựng một trung tâm nguyên tử thử nghiệm ở Triều Tiên
Do đang xung đột với Bắc Kinh, điện Kremlin hy vọng sẽ lôi kéo được Bình Nhưỡng về phía mình. Việc xây dựng lò phản ứng được bắt đầu năm 1962 tại Yongbyon, cách Bình Nhưỡng 90 km về phía bắc.
Lò phản ứng do Liên Xô xây giúp ở Yongbyon đi vào hoạt động từ năm 1965 và mỗi đợt nhiên liệu được giao đều đi kèm với lời hứa của Bình Nhưỡng không sử dụng vào mục đích quân sự.
Nhưng các tài liệu lưu trữ của Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy ngay từ thời kỳ đó Bình Nhưỡng đã rất quan tâm đến vũ khí nguyên tử, liên tục hỏi xin các thông tin kỹ thuật. Song Nga tỏ ra cảnh giác với ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) - một nhân vật theo Moskva đánh giá là "ít trung thành và khó kiểm soát".
Tuy nhiên, điện Kremlin đã nhượng bộ Bình Nhưỡng khi xảy ra "cuộc khủng hoảng hỏa tiễn" ở Cuba năm 1962, việc Mỹ triển khai vũ khí nguyên tử tại Hàn Quốc từ năm 1958 và vụ đảo chính của tướng Park Chung Hee năm 1961.
Liên Xô muốn Triều Tiên trở thành một "pháo đài bất khả xâm phạm" qua việc quân sự hóa tối đa. Còn ông Kim Nhật Thành bí mật tự tiến hành chương trình nguyên tử quân sự và kể từ đầu thập niên 70, chấm dứt việc mời các chuyên gia nguyên tử Liên Xô sang trợ giúp.
Ông Kim Jong-un cho rằng vụ phóng thử bom nhiệt hạch vừa qua của Triều tiên là nhằm tránh cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ. (Ảnh: Yonhap News/NEWCOM/SIPA, AFP)
Chương trình nguyên tử trong suốt một thời gian dài đã trở thành lá bài quan trọng trong chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng để đạt được những nhượng bộ trong các cuộc đàm phán quốc tế về những vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Chuyên gia Claude Helper cho rằng trước sau gì cũng phải nhìn nhận trên thực tế Triều Tiên đã là một Nhà nước nguyên tử. Hậu quả là việc đặt ra điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn thương lượng là phải từ bỏ vũ khí nguyên tử, đã trở thành... siêu thực.
Mục tiêu thực tế nhất chỉ có thể là giảm thiểu nguy cơ chuyển giao công nghệ hay thiết bị cho Bình Nhưỡng.
Theo Dân trí/Le Monde
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Trung Quốc lại lớn giọng với Nhật Bản - 14/01/2016 01:21
- Thổ Nhĩ Kỳ nói phiến quân IS là thủ phạm đánh bom Istanbul - 13/01/2016 05:03
- Tổng thống Mỹ Obama đọc Thông điệp liên bang cuối cùng - 13/01/2016 02:54
- Mưu đồ Trung Quốc bay thử nghiệm trên đảo đá Chữ Thập - 13/01/2016 02:44
- Nhật Bản tăng cường tuần tra nếu tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải - 12/01/2016 06:41
Các tin khác
- Nhật Bản sẽ điều máy bay tuần tra Biển Đông - 11/01/2016 02:41
- Công chúa Tây Ban Nha hầu tòa với cáo buộc rửa tiền - 11/01/2016 01:56
- Mỹ điều máy bay B-52 để "dằn mặt" Triều Tiên - 10/01/2016 10:45
- Đến lúc phương Tây bừng tỉnh về Thổ Nhĩ Kỳ - 10/01/2016 10:42
- Vụ thử bom nhiệt hạch: Quân bài chính trị của Triều Tiên - 09/01/2016 07:58