Thứ ba, 22 Tháng 9 2015 10:48

Tuyên bố cắt giảm quân số 300.000 người được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ đang vấp phải phản ứng trong quân đội, khi nhiều sỹ quan, binh sỹ lo lắng về tương lai cũng như không hài lòng với quyết định đột ngột của lãnh đạo.

 

TS219.2

Ông Tập Cận Bình đang muốn cải tổ mạnh mẽ quân đội Trung Quốc (Ảnh: Guardian)

 

Tuyên bố cắt giảm nêu trên được ông Tập đưa ra trong bài diễn văn tại lễ duyệt binh mừng 70 năm kết thúc Thế chiến II hôm 3/9 vừa qua. Theo đó, khoảng 13% lực lượng của quân đội Trung Quốc sẽ bị cắt giảm.

 

Theo một nguồn tin từ giới chức Bắc Kinh, người thường xuyên tiếp xúc với các lãnh đạo quân đội, một số người cho rằng thông báo trên của ông Tập là vội vã, và thiếu sự tham vấn bên ngoài Quân ủy trung ương - cơ quan do ông Tập lãnh đạo và quản lý toàn bộ quân đội.

 

"Tất cả diễn ra quá đột ngột. Mọi người đang rất lo lắng. Nhiều sỹ quan giỏi sẽ mất việc và cả sinh kế. Đối với các binh sỹ, việc này cũng khiến họ gặp khó khăn", một nguồn tin giấu tên khẳng định với báo giới phương Tây.

 

Trong một thông cáo được phát đi, Bộ quốc phòng Trung Quốc thì khẳng định "tuyệt đại đa số" sỹ quan và chiến sỹ "ủng hộ hoàn toàn quyết định quan trọng của trung ương đảng và Quân ủy trung ương, và chấp hành mệnh lệnh".

 

Thông cáo cũng cho biết đợt cắt giảm quân số sẽ hoàn tất trước cuối năm 2017. Đây cũng là lần thứ tư Trung Quốc cắt giảm quy mô quân đội.

 

Các chuyên gia nhận định động thái trên nhiều khả năng là một phần trong những kế hoạch hợp lý hóa vốn được bàn thảo từ lâu, bao gồm thay đổi cấu trúc chỉ huy của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), để giảm bớt sự tương đồng với mô hình thời Liên Xô cũ.

 

Kế hoạch này cũng nhằm tăng chi tiêu quốc phòng cho không quân và hải quân, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục quyết liệt thực thi tuyên bố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông.

 

Ngay sau tuyên bố hồi đầu tháng của ông Tập, hãng thông tấn Tân Hoa Xã có bài viết dài, dẫn lời các binh sỹ khẳng định sự ủng hộ với quyết định này. Mỗi nhánh của PLA đều tin tưởng đợt cắt giảm sẽ giúp nâng cao chất lượng, Tân Hoa Xã cho biết.

 

Nhưng kể từ đó đến nay, những bài bình luận trên tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc PLA Daily đã cảnh báo đợt cắt giảm sẽ không dễ thực hiện. Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường có những bài bình luận phản ánh quan điểm chính thức của cơ quan chủ quản các tờ báo này.

 

Đợt cắt giảm diễn ra giữa lúc Trung Quốc đối diện những bất ổn kinh tế, khi tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán lao dốc trong khi giới lãnh đạo phải chấp nhận những cải cách kinh tế "đau đớn" nhưng cần thiết.

 

Trung Quốc từng chứng kiến các vụ biểu tình do binh sỹ bị giải ngũ tiến hành, khi những người này khiếu nại về việc thiếu sự hỗ trợ để tìm việc làm mới, hoặc khó khăn về tài chính. Hồi tháng 6, một cuộc biểu tình của hàng nghìn cựu chiến binh nước này từng diễn ra do vấn đề trợ cấp, nhưng Bộ quốc phòng Trung Quốc khẳng định không biết đến vụ việc.

 

PLA hiện đã chịu nhiều xáo động do chiến dịch bài trừ tham nhũng sâu rộng của ông Tập, với hàng chục sỹ quan bị điều tra, trong đó có hai cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương.

 

Chỉ một tuần sau cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh, PLA Daily cho biết việc cắt giảm binh sỹ và những cải cách khác mà ông Tập sẽ triển khai đòi hỏi "một cuộc tấn công vào những vị trí đã được kiên cố hóa" để thay đổi tư tưởng và bài trừ tận gốc rễ những quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch, và những khó khăn sắp tới sẽ là "chưa từng có".

 

Nếu đợt cải tổ này thất bại, các biện pháp sắp tới sẽ "không khác gì một tờ giấy trắng", bài bình luận viết, nhưng không cung cấp chi tiết về các kế hoạch cải tổ.

 

Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các biện pháp có khả năng bao gồm tăng cường sự phối hợp các nhánh trong PLA. Theo đó, 7 quân khu của Trung Quốc, với những cấu trúc chỉ huy riêng và thiên về các chiến dịch trên bộ, sẽ bị cắt giảm.

 

Một bài bình luận khác trên PLA Daily một tuần sau đó nêu chi tiết hơn những "kháng cự" ông Tập sẽ gặp phải khi tiến hành cải tổ.

 

"Một số đơn vị chịu ảnh hưởng bởi sức ì và nghĩ rằng tất cả đều đã tốt đẹp. Một số thì sợ khó khăn gian khổ, đổ lỗi cho tất cả những người khác và nguyên nhân khác ngoại trừ chính mình...Họ lảng tránh công việc và tìm cách né tránh khó khăn", bài bình luận viết.

 

Một nguồn tin chính phủ khác thân cận với PLA khẳng định các đơn vị văn công quân đội sẽ là những người đầu tiên bị cắt giảm.

 

"Ngân sách quốc phòng sẽ không bị cắt giảm, mà nó sẽ được tăng dần dần", nguồn tin cho biết thêm.

 

Trung Quốc dự kiến chi 886,9 tỷ nhân dân tệ (139,39 tỷ USD) cho quân đội trong năm nay, tăng 10,1% so với năm trước, và nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

 

Một số tướng lĩnh về hưu của PLA thì ủng hộ việc cắt giảm quân số.

 

"Một đội quân đông đúc chỉ có thể gây ra chi phí không cần thiết và gây thiệt hại trên chiến trường", trung ướng Luo Yuan, một nhà bình luận quân sự có tiếng tại Trung Quốc khẳng định trên tờ Global Times.

 

Xu Guangyu, một trung tướng về hưu và hiện là cố vấn kiểm soát vũ khí quân đội cho rằng: "Quân đội của chúng ta cần phải đi vào hiện đại hóa...Việc giảm quân số là một nỗ lực để bước trên con đường đó và nâng cao chất lượng chứ không phải số lượng".

Theo Dân trí

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE trung quốc , binh sĩ , cắt giảm binh sĩ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi