Thứ tư, 09 Tháng 9 2015 11:00

Nga mời gọi các nước đầu tư vào vùng Viễn Đông nhưng chính sách này đối mặt với khó khăn về địa lý và tình hình kinh tế suy giảm của đối tác quan trọng là Trung Quốc.

 

Nga.MoCua.nhandao

Tổng thống Putin tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông. Ảnh: Reuters


Tổng thống Putin tuần trước phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông, diễn ra tại thành phố cảng Vladivostok, tuyên bố chính quyền sẽ "tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tiến hành hoạt động kinh doanh sao cho đạt hiệu quả tốt và lợi nhuận cao, giúp vùng Viễn Đông có thể cạnh tranh với các trung tâm kinh tế hàng đầu khác".

 

Putin hồi tháng 5 yêu cầu thành lập một diễn đàn nhằm thu hút đầu tư mới vào khu vực. Các quan chức Nga nói rằng họ muốn thu hút các nhà đầu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm phát triển tiềm năng kinh tế của khu vực, cũng như làm sâu sắc mối quan hệ thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

"Vùng Viễn Đông luôn mở cửa đón chào những người sẵn sàng hợp tác", ông Putin nói.

 

Mở cửa

 

Sau bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga thị sát một dự án quan trọng, đó là thuỷ cung Primorsky đang được xây dựng, cùng với một phái đoàn Trung Quốc.

 

Chính sách xoay trục về châu Á của điện Kremlin được tăng cường khi kinh tế Nga tiếp tục suy yếu, bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm mạnh. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 4,6% trong quý II so với năm 2014. Bộ Tài chính Nga không kỳ vọng kinh tế nước sẽ tăng trưởng cho đến cuối năm 2015 hoặc thậm chí năm sau.

 

Nga coi hợp tác với Trung Quốc là một phần quan trọng trong kế hoạch hướng Đông của mình, nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu sang các nước châu Âu, vốn là khách hàng lớn của Nga. Nga đặt hy vọng vào Trung Quốc cũng vì quan hệ Nga - phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

 

Theo WSJ, Nga trước đây vốn miễn cưỡng khi cho phép các công ty Trung Quốc sở hữu cổ phần tại các mỏ hydrocarbon tại nước này. Tuy nhiên, ngay trước thềm diễn đàn, doanh nghiệp năng lượng nhà nước lớn Rosneft đã thông báo rằng Tập đoàn Hoá dầu Trung Quốc sẽ có cổ phần tại hai mỏ dầu trong khu vực.

 

Vùng Viễn Đông, giáp với biên giới Trung Quốc, là nơi sản xuất chính những sản phẩm như dầu, khí đốt, than đá và gỗ. Nơi này cũng chiếm khoảng 70% trữ lượng thủy sản của Nga, theo Cơ quan nghề cá Liên bang Nga.

 

"Thị trường như vậy có thể được coi là duy nhất trên thế giới, nếu xét về quy mô và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên", Phó thủ tướng Nga Yury Trutnev, phái viên của ông Putin đến khu vực Viễn Đông, phát biểu trước diễn đàn. "Không có bất cứ nơi nào giống như thế này trên trái đất".

 

Ông Trutnev cho biết các bên tham gia diễn đàn sẽ cùng nhau bàn thảo về các dự án đầu tư với tổng giá trị ước tính khoảng 7,5 tỷ USD.

 

Chính phủ Nga đã lên kế hoạch xây dựng đường bộ và đường sắt mới để tạo điều kiện phát triển ở vùng Viễn Đông. Các cảng ở Vladivostok sẽ được đơn giản hoá thị thực, thủ tục hải quan để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

 

Alexander Levintal, quyền Thống đốc của Tỉnh tự trị Do Thái, cho biết họ đang tiến hành xây dựng một cây cầu đường sắt nối vùng đất của mình với Trung Quốc. "Sự hợp tác của chúng tôi với Trung Quốc là rất lớn, ông nói. "Nhưng chúng tôi cũng muốn đa dạng hóa và mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc... và các nước khác".

 

Khó khăn

 

Vùng Viễn Đông có diện tích 6,2 triệu km2 - chiếm 36,4% diện tích của đất nước, nhưng nơi đây có dân cư thưa thớt, chỉ với 6,4 triệu dân, tương đương dưới 5% dân số Nga. Ông Putin cho biết trong diễn đàn rằng ông sẽ có những điều chỉnh trong luật pháp để thu hút người đến ở, bằng cách phân phối đất đai cho công dân Nga.

 

Tuy nhiên các nhà phân tích hoài nghi rằng liệu khu vực Viễn Đông, một vùng đất rất xa xôi lệch giờ với Moscow, có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển nguyên liệu thô đến các thị trường cách đó rất xa hay không.

 

"Nơi đây rất cô lập, cả về chính trị lẫn kinh tế", Andrew Movchan, người đứng đầu chương trình kinh tế tại Trung tâm Carnegie Moscow, nói.

 

Ông Movchan cho biết, Trung Quốc là một nhà thu mua thường xuyên hàng hoá từ vùng Viễn Đông, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh là bên mua độc quyền, nên họ có khả năng áp giá. "Trung Quốc là một đối tác thực dụng, và tôi không mong muốn bất cứ điều kiện đặc biệt nào từ họ", ông nói.

 

Clifford Gaddy, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Brookings, cho biết những kỳ vọng về đầu tư vào khu vực Viễn Đông sẽ bị suy giảm bởi nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc. "Nga vốn phụ thuộc vào sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc vì họ có nhu cầu hàng hóa rất lớn", ông nói."Vì vậy, ảnh hưởng là có thật và nghiêm trọng".

 

Theo VNE/WSJ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Nga , Viễn Đông , kinh tế , Trung Quốc , thu hút , đầu tư , hợp tác

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi