Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết hiện tượng thời tiết El Nino đã phát triển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, tạo tiền đề cho khả năng tăng nhiệt độ toàn cầu.
El Nino đã chính thức quay trở lại
Tổng Thư ký WMO, GS. Petteri Taalas cho biết El Nino sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và gây ra nhiệt độ cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương.
Theo WMO, tuyên bố về El Nino xuất hiện trở lại là "tín hiệu để các chính phủ trên toàn thế giới huy động các biện pháp chuẩn bị nhằm hạn chế tác động của El Nino đối với sức khỏe người dân, hệ sinh thái và nền kinh tế".
Tuyên bố ngày 4/7 của WMO đã xác nhận báo cáo vào tháng 6/2023 của Trung tâm Dự báo thời tiết thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ rằng "hiện tượng El Nino đã quay trở lại".
Liên quan đến thời tiết và khí hậu, báo cáo của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ (NCEP) cho biết ngày 3/7/2023 được ghi nhận là "ngày nóng kỷ lục" khi nhiệt độ ở nhiều nơi đồng loạt tăng.
Xác suất EL Nino xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 là 90% (phần màu vàng) - Nguồn: public.wmo.int
Báo cáo của NCEP cho biết ngày 3/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C. Mức nhiệt này vượt kỷ lục 16,92 độ C ghi nhận hồi tháng 8/2016 (năm 2016 - năm nóng nhất được ghi nhận do hiện tượng kép là El Nino rất mạnh cùng với sự nóng lên do con người gây ra từ khí nhà kính).
Các nhà khoa học về khí hậu nhận định sự bất thường của thời tiết hiện nay chỉ là khởi đầu cho một loạt kỷ lục nắng nóng mới trong năm 2023.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang trải qua giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt.
Thành phố Corpus Christi (bang Texas, Mỹ) ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 51 độ C trong tháng 6. Mức nhiệt tương tự cũng được ghi nhận ở các bang Oklahoma, Arkansas, Missouri, Louisiana.
Tại làng Oymyakon (ngôi làng vùng Viễn Đông của Nga, nơi có người sinh sống lâu dài lạnh nhất thế giới) ghi nhận "kỷ lục" nhiệt độ lên tới 32 độ C vào ngày 3/7, vượt kỷ lục trước đó là 30,5 độ C ghi nhận vào ngày 3/7/1949.
Tại châu Á, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc" trải qua đợt nắng nóng gay gắt dài kỷ lục khi có gần 10 ngày liên tiếp hứng chịu nhiệt độ hơn 35 độ C.
Trong khi đó, nhiệt độ ở một số khu vực tại Bắc Phi lên tới 50 độ C. Còn ở Nam Cực, dù đang là mùa Đông, nhiệt độ tại đây cũng lên tới gần 9 độ C.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng El Nino cùng với tác động của biến đổi khi hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng bất thường và xu hướng này còn tiếp diễn…
Tin mới
- Bức tranh kinh tế thế giới 2023 và dự báo năm 2024 - 21/12/2023 09:32
- Nobel Hóa học 2023 thuộc về 3 nhà khoa học khám phá 'chấm lượng tử' - 05/10/2023 02:33
- Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia đáng sống nhất thế giới - 29/08/2023 03:42
- Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ứng phó 'kỷ nguyên nung nóng toàn cầu' - 28/07/2023 07:25
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 - 26/07/2023 05:51
Các tin khác
- 'Lá chắn' mới bảo vệ đại dương - 20/06/2023 07:21
- UNICEF kêu gọi bảo vệ trẻ em trước nguy cơ khủng hoảng khí hậu - 31/05/2023 01:49
- WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu ứng phó bệnh truyền nhiễm - 22/05/2023 03:22
- Từ năm 2024, xuất nhập cảnh tại Singapore không cần hộ chiếu - 12/05/2023 02:36
- Cảnh báo nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu - 05/05/2023 04:39