193 quốc gia thành viên LHQ đã thông qua một thỏa thuận đa dạng sinh học biển có tính ràng buộc pháp lý sau gần 20 năm đàm phán cam go nhằm tạo ra hành động chung về bảo tồn và bảo đảm tính bền vững ở các vùng biển xa ngoài biên giới quốc gia.
Băng biển tan chảy làm tăng tốc độ nóng lên toàn cầu - Ảnh: UN.org
Theo trang tin của LHQ (UN.org), ngày 19/6, thỏa thuận được thông qua tại hội nghị liên chính phủ về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia nhằm mục đích quản lý đại dương, đồng thời phù hợp với Công ước về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Thỏa thuận mới bao gồm 75 điều khoản nhằm bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo sử dụng có trách nhiệm môi trường biển, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái đại dương, bảo tồn giá trị vốn có của đa dạng sinh học biển.
Theo các điều khoản của hiệp ước, các bên phải đánh giá các tác động môi trường tiềm ẩn của bất kỳ hoạt động được lên kế hoạch nào ngoài phạm vi quyền hạn của họ.
Hiệp ước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, bao gồm cả việc phát triển và tăng cường năng lực thể chế và các cơ chế hoặc khung pháp lý quốc gia.
Hiệp ước cũng nêu những hướng dẫn nhằm giải quyết những lo ngại về sự nóng lên toàn cầu đang đẩy nhiệt độ đại dương lên cao, gây ra những cơn bão dữ dội và thường xuyên hơn, mực nước biển dâng cao và quá trình nhiễm mặn của các vùng đất và tầng ngậm nước ven biển.
Thỏa thuận cũng nhằm tăng cường khả năng phục hồi và bao gồm các điều khoản dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp. Đồng thời cho phép thiết lập các công cụ quản lý dựa trên khu vực, bao gồm các khu bảo tồn biển, để bảo tồn và quản lý bền vững các loài và môi trường sống quan trọng ở vùng biển khơi và khu vực đáy biển quốc tế…
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết thỏa thuận mới mang tính pháp lý là rất quan trọng trong việc giải quyết các mối đe dọa mà đại dương đang phải đối mặt cũng như sự thành công của các mục tiêu có liên quan đến đại dương, bao gồm cả Chương trình nghị sự 2030.
Còn Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Kőrösi đánh giá: "Thành tựu mang tính bước ngoặt này minh chứng cho cam kết chung trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở những khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Các bạn đã đặt nền móng cho việc quản lý tốt hơn các vùng biển, đảm bảo sự tồn tại của chúng cho các thế hệ mai sau".
Theo LHQ, hóa chất độc hại và hàng triệu tấn rác thải nhựa đang tràn vào các hệ sinh thái ven biển, giết chết hoặc làm bị thương các loài cá, rùa biển, chim biển, động vật có vú sống ở biển rồi xâm nhập vào chuỗi thức ăn và cuối cùng con người tiêu thụ thức ăn này.
Năm 2021, hơn 17 triệu tấn nhựa đã đổ vào đại dương, chiếm 85% lượng rác thải biển và dự đoán sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp 3 mỗi năm vào năm 2040. Đến năm 2050, ước tính, lượng nhựa ở biển có thể nhiều hơn cá (trừ khi các quốc gia có hành động).
Bên cạnh đó, hơn 1/3 trữ lượng cá toàn cầu đang bị khai thác quá mức.
Tin mới
- Nobel Hóa học 2023 thuộc về 3 nhà khoa học khám phá 'chấm lượng tử' - 05/10/2023 02:33
- Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia đáng sống nhất thế giới - 29/08/2023 03:42
- Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ứng phó 'kỷ nguyên nung nóng toàn cầu' - 28/07/2023 07:25
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 - 26/07/2023 05:51
- El Nino xuất hiện trở lại sẽ khiến nhiệt độ tăng cao trên khắp thế giới - 06/07/2023 02:23
Các tin khác
- UNICEF kêu gọi bảo vệ trẻ em trước nguy cơ khủng hoảng khí hậu - 31/05/2023 01:49
- WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu ứng phó bệnh truyền nhiễm - 22/05/2023 03:22
- Từ năm 2024, xuất nhập cảnh tại Singapore không cần hộ chiếu - 12/05/2023 02:36
- Cảnh báo nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu - 05/05/2023 04:39
- ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng các nền kinh tế châu Á - 05/04/2023 04:03