Thứ hai, 16 Tháng 11 2015 14:36

"VKSND Tối cao đã kiên quyết khởi tố, điều tra xử lý đối với cán bộ tư pháp có vi phạm nghiêm trọng dẫn đến làm oan người vô tội hoặc xâm phạm quyền con người. Điển hình như khởi tố 1 điều tra viên, 1 kiểm sát viên liên quan đến kết án oan ông Nguyễn Thanh Chấn; khởi tố 2 điều tra viên, 1 kiểm sát viên liên quan đến vụ làm oan 7 người xảy ra tại Sóc Trăng"- Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

 

VKSND.nhandao

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

 

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn sáng nay 16/11, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết 6 tháng đầu năm 2015, số án thụ lý tăng hơn 8.342 vụ nhưng tỷ lệ bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan đã tiếp tục giảm 0,21%.

 

"Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đã hạn chế tới mức thấp nhất kết án oan người không có tội. TAND các cấp đã đưa ra xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt các vụ án về kinh tế, tham nhũng"- ông Bình nói.

 

Theo ông Trương Hòa Bình, TAND Tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành tổ chức xem xét lại một số vụ án có đơn kêu oan có mức phạt tù từ 25 năm tới chung thân, tử hình. "Thông qua kết quả kiểm tra đã cho thấy cơ bản việc xét xử của tòa án là đúng pháp luật, tuy nhiên cũng đã có kháng nghị giải quyết theo thủ tục chung đối với 3 trường hợp"- ông Bình thông tin.

 

Ngoài ra, để đảm bảo áp dụng án treo đúng pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng điều 60 Bộ luật Hình sự; đồng thời thông qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm cũng đã giám sát chặt chẽ các trường hợp cho hưởng án treo theo đúng quy định. Cụ thể, năm 2014 tỷ lệ các bị cáo được hưởng án treo giảm 18,7%; 6 tháng đầu năm 2015 tỷ lệ bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo chỉ còn 12% và tiếp tục giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong khi đó, báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua VKSND Tối cao đã yêu cầu khởi tố nhiều vụ án tham nhũng.

 

Cơ quan điều tra hình sự VKSND Tối cao chú trọng phát hiện khởi tố, điều tra nhiều vụ việc tham nhũng trong hoạt động tư pháp như: vụ Ngô Văn Anh - Chánh Tòa kinh tế TAND TP Hải Phòng; vụ Nguyễn Duy Hiệp - Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam); vụ án Phạm Văn Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Hội An (Quảng Nam).

 

Bên cạnh đó, VKSND Tối cao đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình và vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

 

"Qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Điển hình như các vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội)"- ông Nguyễn Hòa Bình nói.

 

O.Chan.nhandao
"Kỷ lục" bồi thường oan sai đang thuộc về trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) với trên 7,2 tỷ đồng.

 

Ông Bình cho biết thêm, thực hiện lời hứa trước Quốc hội, những năm qua VKSND Tối cao đã đồng bộ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát đã thành lập tổ chuyên viên liên ngành trực tiếp kiểm tra, xác minh và kịp thời ban hành kháng nghị đối với các vụ án có dấu hiệu oan, sai.

 

"VKSND Tối cao đã kiên quyết khởi tố, điều tra xử lý đối với cán bộ tư pháp có vi phạm nghiêm trọng dẫn đến làm oan người vô tội hoặc xâm phạm quyền con người. Điển hình như khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 1 điều tra viên, 1 kiểm sát viên liên quan đến kết án oan ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang); khởi tố vụ án, bị can đối với 2 điều tra viên, 1 kiểm sát viên liên quan đến vụ làm oan 7 người xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng..."- ông Bình dẫn chứng.

 

Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật, thiếu sót trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, nhất là những vi phạm pháp luật dẫn đến oan sai.

 

Theo Dân trí

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi