Chủ nhật, 30 Tháng 8 2015 06:35

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) về tội phạm giết người từ năm 2010 – 2013 số lượng phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đang chiếm tỷ lệ cao, nhiều vụ thực hiện hành vi rất tàn bạo diễn biến rất phức tạp.


Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ án mạng kinh hoàng, những vụ thảm án tập thể mà thủ phạm gây ra đều có chung đặc điểm là tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có trường hợp còn trong độ tuổi vị thành niên. Viện nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân cũng vừa công bố con số 70% các vụ án hình sự có đối tượng là thanh thiếu niên, đã thực sự làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong dư luận về xu thế tội phạm hình sự ngày càng man rợ và trẻ hóa. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?

 

Cảnh báo tội phạm trẻ hóa

 

Vụ thảm sát tại huyện Chơn Thành (Bình Phước) khiến 6 người trong một gia đình chết thảm, khi nghi phạm bị bắt giữ, dư luận hết sức bàng hoàng, phẫn nộ bởi tuổi đời còn rất trẻ. Cả lẫn Vũ Văn Tiến đều mới 24 tuổi, chưa từng có tiền án, tiền sự và đây là lần đầu tiên, chúng ra tay sát hại người khác, nhưng phương thức gây án quá tàn bạo.

 

Còn nhớ, trước khi hung thủ lộ mặt, đã có những đồn thổi, đoán già đoán non xoay quanh chuyện mâu thuẫn trong kinh doanh, sự trả thù của những người bị sa thải, thậm chí là nghi án từ nhóm người đến từ bên kia biên giới. Song, khi hai nghi can bị bắt giữ với những tang chứng, vật chứng rành rành thì tất cả mới ngã ngửa, chúng đoạt mạng cùng lúc 6 thành viên trong gia đình chỉ vì mối hận tình của tuổi trẻ.

 

Vụ án mạng tại Bình Dương chưa kịp lắng xuống thì tại Nghệ An, thảm án bản Phồng với 4 người trong gia đình chết thảm trên rẫy, trong đó có cả cháu bé chỉ mới 8 tháng tuổi cũng chết tức tưởi vì nhát dao ngoan nghiệt, đã khiến dư luận hết sức hoang mang.

 

Cũng như thảm án Bình Dương, tại Nghệ An khi thủ phạm chưa lộ diện, đã có lúc người ta nghĩ đến sự xuất hiện của thổ phỉ, gây án xong đã vượt biên sang Lào nên lo sợ về một vụ án sẽ chìm xuồng, song sau 17 ngày khắc phục mọi khó khăn, dưới sự hỗ trợ đắc lực của điều tra viên cao cấp Bộ Công an, kẻ thủ ác đã bị bắt.

 

Thủ phạm gây ra cái chết cho 4 người trong một gia đình này là (tức Hai), năm nay tròn 20 tuổi, là người trú cùng bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương với gia đình nạn nhân. Thêm một lần nữa, chiến công xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân được ca tụng, tôn vinh nhưng bên cạnh đó, dư luận lại dấy nên nỗi lo về xu thế trẻ hóa của tội phạm và phương thức gây án ngày càng man rợ, tàn bạo.

 

Hãy lắng nghe cái cách mà Vi Văn Mằn khai nhận tội ác của mình: "Khoảng 12h30' ngày 2/7/2015, Hai đi bộ đến khu vực gần lán trại của anh Lo Văn Thọ để hái chanh thì xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Hai và anh Thọ đều vào lán trại của anh Thọ để lấy dao và chém nhau. Hai chém anh Thọ 1 nhát vào lưng nên anh Thọ bỏ chạy và ngã từ lán trại xuống đất, Hai tiếp tục nhảy xuống chém vào người và cắt vào cổ anh Thọ, làm anh Thọ chết tại chỗ. Lúc này, chị Lê Thị Yến phát hiện sự việc nên đã cõng con trai 8 tháng tuổi, tên là Lo Việt Chung bỏ chạy ra phía sau bờ suối. Hai đuổi theo thì gặp bà Viêng Thị Dương đang tắm ở bờ suối nên đã dùng dao chém chết bà Dương rồi tiếp tục đuổi theo chém chết chị Yến và cháu Chung ngay bên bờ suối".

 

Trước đó, vào năm 2011, vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, dư luận đã rất phẫn nộ khi thủ phạm gây ra cái chết cho 3 người trong tiệm vàng, là Lê Văn Luyện, chưa đủ 18 tuổi để phải chịu mức án cao nhất. Nguy hại hơn, từ sau khi xảy ra vụ án này, đã có nhiều tên tội phạm tuổi teen, khi bị bắt đã tự xưng là cháu Lê Văn Luyện, và hiệu ứng xấu này kéo dài trong một thời gian sau đó đã gây bức xúc, hoang mang cho dư luận.

 

Gần đây, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, vụ án Trần Xuân Vinh nửa đêm lén vào giết chết 2 người trong gia đình vợ rồi vào khách sạn tự vẫn. Những vụ án mang tính chất "thảm án" cứ thế diễn ra liên tiếp khiến dư luận hết sức quan tâm, lo lắng. Câu hỏi đặt ra là, vì sao tội phạm ngày càng trẻ hóa và hành động của chúng ngày càng man rợ, mất nhân tính?

 

Giải mã những kẻ sát nhân mang gương mặt trẻ thơ

 

Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: Liên tiếp những vụ án mạng gần đây xảy ra, cướp đi sinh mạng của 10 con người vô tội tại Nghệ An và Bình Phước nói riêng và những vụ án mạng có tính chất nghiêm trọng, mà thủ phạm là trẻ vị thành niên hoặc có tuổi đời đang còn rất trẻ đã phản ánh một điều, một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có sự phát triển lệch lạc, rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi và sự chai sạn cảm xúc.

 

Đây là hiện tượng hoàn toàn không bình thường, hành động một cách vô thức để thỏa mãn nhu cầu bản năng mà không hề nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính đối tượng. Mặc dù những vụ án này chỉ xảy ra đơn lẻ, song nhìn một cách tổng quát, đặc biệt là từ con số 70% các vụ án hình sự có đối tượng tội phạm là thanh thiếu niên mà Viện Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm của Học viện Cảnh sát nhân dân vừa công bố thì điều này hoàn toàn không mang yếu tố bất ngờ, thậm chí còn là lẽ tự nhiên.

 

Nguyên nhân dẫn đến tội phạm ngày càng trẻ hóa, theo Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, xã hội hiện đại chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là bình diện tâm lý, nhận thức, giáo dục, truyền thông, những mâu thuẫn xã hội, kinh tế suy thoái khiến giới trẻ không thích nghi được dẫn đến sang chấn tâm lý, lệch lạc về suy nghĩ và hành vi. Khi không thỏa mãn được nhu cầu cá nhân họ mất phương hướng, tiêu cực trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt là những hành động cực đoan, gây tội ác.

 

GD CA NgheAn.nhandao

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông báo kết quả điều tra vụ "thảm án" bản Phồng khiến 4 người chết tại Nghệ An.


Trong khi đó, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nhận định: Trong vụ án sát hại 4 người tại bản Phồng, thủ phạm mặc dù còn rất trẻ, đã có gia đình, vợ con và được học hành chứ không mù chữ như nhiều trai bản khác, song đã hành động rất dã man chỉ vì mâu thuẫn bột phát với nạn nhân. Thậm chí, sau khi gây án, thủ phạm còn đến đưa tang, bình tĩnh đối phó với cơ quan chức năng trong thời gian gần 20 ngày. Điều này cho thấy, ngoài nhận thức lệch lạc về đạo đức, nhân cách sống dẫn đến sự vô cảm trong hành vi ứng xử, tội phạm trẻ hóa ngày càng manh động và vô cảm trước tội ác. Tiến sĩ Nguyễn Hữu cầu cũng chia sẻ thêm, trước đây, khi gây ra tội ác, dù là vô tình hay cố ý, thì quá trình bị truy tố, xét xử sau đó, thủ phạm vô cùng hoang mang, ăn năn, hối hận về hành vi mà mình đã gây ra. Tuy nhiên, gần đây nhiều tội phạm khi bị bắt đã rất thờ ơ, vô cảm và thậm chí có đối tượng còn mỉm cười khi đứng trước ống kính phóng viên hoặc trước vành móng ngựa.

 

Dưới góc độ của một nhà tâm lý học, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, giảng viên cao cấp khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Vinh cho rằng, sự phân hóa giàu nghèo, sự tác động mạnh mẽ của giới truyền thông, internet và cả cách khai thác tỉ mẩn, chi tiết tình tiết các vụ án mạng của một số tờ báo, trang tin điện tử đã vô hình trung nhồi nhét vào đầu óc một bộ phận giới trẻ những cái nhìn lệch lạc về cuộc sống dẫn đến những hành động dã man. Trong các vụ án tại Bình Phước và Nghệ An gần đây, trong cái cách các nghi phạm ra tay, ngoài mục đích giết người còn có biểu hiện tâm lý thỏa mãn sự hằn học, thù hằn cá nhân với nhau. Điều này hết sức nguy hiểm và đáng báo động. Điều này xuất phát từ lối sống ích kỷ, hiếu thắng, chịu sự tác động phần nhiều của cái xấu từ trước đó. Nguyên nhân xã hội, cái quan trọng và tiên quyết nhất là do gia đình bỏ rơi, thiếu sự giáo dục nhân cách từ nhỏ.

 

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) về tội phạm giết người từ năm 2010 – 2013 đã khẳng định, mặc dù đối tượng giết người rất đa dạng, nhưng số lượng phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đang chiếm tỷ lệ cao, trong đó, nhiều vụ thực hiện hành vi rất tàn bạo và có diễn biến rất phức tạp.

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trên 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự thì có tới 69% đối tượng rơi vào các gia đình có đầy đủ bố mẹ và điều kiện kinh tế khá giả. Ngoài ra, số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm cả nước có trên 15.000 trẻ vị thành niên phạm tội. Tính riêng từ năm 2007 đến năm 2013, cả nước có trên 63.300 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra, với 94.300 đối tượng, tăng gần 4.300 vụ so với thời điểm 6 năm trước đó. Trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 trẻ vị thành niên phạm tội, điều này cũng đồng nghĩa với việc, mỗi ngày có trên 30 vụ án với gần 40 đối tượng là trẻ vị thành niên liên quan.

 

Theo Cảnh sát toàn cầu

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi