Thứ hai, 21 Tháng 10 2019 13:42

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

 

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, sau khi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ban hành, các địa phương đã tiến hành vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện khi có thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra, góp phần hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

 

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi như: Trong thực tế, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với nhiều mức độ khác nhau; tuy nhiên, Nghị định chưa quy định rõ mức độ thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng cụ thể để xác định trường hợp nào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi, trường hợp nào do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ra lời kêu gọi.

 

Bên cạnh đó, thời gian để Ban cứu trợ các cấp tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ sau mỗi đợt thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định hiện nay là 30 ngày được các địa phương nhận định là còn ngắn, đặc biệt là đối với công tác tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng bào người Việt sinh sống tại nước ngoài. Đối với một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền, hàng cứu trợ lớn dẫn đến công tác tiếp nhận mất nhiều thời gian và công sức. Đồng thời, tiền, hàng cứu trợ được các tổ chức, cá nhân đóng góp cụ thể cho cá nhân, địa bàn, nội dung nào thì cần được tiếp nhận, phân phối và sử dụng đúng địa chỉ. Thời gian tiếp nhận không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hàng, cứu trợ.

 

Thêm nữa, đối với mỗi đợt thiên tai xảy ra, có nhiều nguồn lực được huy động, sử dụng để hỗ trợ khẩn cấp cũng như lâu dài cho người dân vùng bị thiệt hại như ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); dự trữ quốc gia; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn hỗ trợ của các Quỹ xã hội, từ thiện. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước quy định rõ nội dung chi, định mức chi; Quỹ phòng chống thiên tai chỉ quy định nội dung chi, không quy định mức chi. Trong thực tế, các hộ gia đình đều được hỗ trợ từ nguồn như ngân sách nhà nước, Quỹ phòng, chống thiên tai, đóng góp tự nguyện chung (không có địa chỉ cụ thể); việc không quy định mức chi dẫn đến người bị thiệt hại các đợt thiên tai khác nhau có mức hỗ trợ chênh lệch lớn (do phụ thuộc vào nguồn vận động, đóng góp). Ngoài ra, một số hộ gia đình còn được hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân nên có sự chênh lệch lớn.

 

Hiện nay, các nội dung chi từ nguồn vận động, đóng góp tự nguyện chủ yếu tập trung vào việc cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh…), cấp cứu người bị thương, hỗ trợ gia đình có người chết, người bị nạn; hỗ trợ xây dựng nhà bị đổ, bị trôi, bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống trước mắt đối với nạn nhân, thân nhân của nạn nhân. Những nội dung chi này có phần trùng với nội dung chi hỗ trợ từ ngân sách trung ương, Quỹ phòng chống thiên tai và chưa thực sự đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân khu vực bị thiệt hại, cụ thể là thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm xá, đường giao thông…

 

Ngoài ra, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chưa quy định hình thức hỗ trợ (bằng tiền hay hiện vật) từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ theo quy định. Khi tổ chức thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính…

 

Sau thời điểm Nghị định số 64/2008/NĐ-CP có hiệu lực, Nhà nước đã ban hành một số chính sách nhằm khắc phục thiên tai như: Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp; trong đó đưa ra các chính sách về hỗ trợ khôi phục sản xuất. Vì vậy, cần rà soát lại nội dung chi của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (bỏ nội dung chi hỗ trợ giống, phân bón).

 

Ngày 19/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai; trong đó, tại Điều 32 có quy định về hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ. Vì vậy, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung nội dung để đảm bảo phù hợp với Luật phòng, chống thiên tai.

Vì những lí do trên, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi