CPI năm 2024 tăng 3,66%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

 Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình...
Thứ ba, 27 Tháng 10 2015 09:38

Chẩn đoán ung thư vú là nỗi khiếp sợ đối với phụ nữ ở bất cứ đâu trên thế giới. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ và điều gì quyết định ai sẽ là nạn nhân của căn bệnh này, còn ai thì không.

 

Sẽ có 1/8 số phụ nữ nhận được chẩn đoán ung thư vú ở một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, lối sống là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất trong nhiều loại ung thư, và những thay đổi đơn giản về lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

 

Vậy chúng ta có thể làm gì để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này?

 

Ung thư vú phụ thuộc vào gen đến mức độ nào?

 

Cứ 100 trường hợp ung thư vú thì chỉ có 3 trường hợp là chắc chắn do di truyền.

 

Nhưng việc có người thân gần gũi như mẹ hoặc chị em gái ruột bị ung thư vú có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ của bạn.

 

Nếu bạn có nhiều người thân bị ung thư vú (hoặc ung thư ruột), nhất là khi còn trẻ, thì việc đề cập đến vấn đề này với bác sĩ là cực kì quan trọng, vì nó sẽ rất hữu ích trong việc đánh giá nguy cơ di truyền của bạn.

 

Có bao nhiêu phụ nữ bị ung thư vú?

 

Một phần tám.

 

Đây là loại ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ, và mặc dù phần lớn phụ nữ đều đã mãn kinh khi bị bệnh, song khoảng 1/5 số người bị ung thư vú ở độ tuổi dưới 50.

 

Nếu thấy có khối u ở vú, có bao nhiêu khả năng nó là ung thư vú?

 

Rất khó có khả năng.

 

Khối u ở vú có thể do nhiều nguyên nhân - vú cương cứng quanh thời điểm "đèn đỏ", u nang, nhiễm trùng hoặc những khối u lành tính có tên là u xơ tuyến vú.

 

Những u cục này có thể khá lớn và có thể sưng nề hoặc không.

 

U vú lành tính có thể phẫu thuật cắt bỏ nếu cần, nhưng thường thì bệnh sẽ cải thiện mà không cần điều trị gì nhiều.

 

Tuy nhiên, mọi khối u đều cần được bác sĩ kiểm tra nhất là nếu nó cứng và bất thường, không cải thiện sau kì kinh, gây co kéo da xung quanh hoặc kèm theo những thay đổi ở núm vú.

 

Nhandao ungthuvu

 

Khi nào thì nên đi khám sàng lọc ung thư vú?

 

Ở Anh, đó là giữa độ tuổi 50 và 70, nhưng đang được mở rộng để bao gồm cả phụ nữ từ 47 đến 73 tuổi.

 

Tuy nhiên bạn vẫn có thể yêu cầu khám sàng lọc sau độ tuổi này.

 

Chụp nhũ ảnh là phương pháp chụp X quang thường được sử dụng để phát hiện những bất thường rất nhỏ ở vú, nhưng ít hiệu quả hơn trong việc phát hiện bệnh ở những người có ngực săn chắc.

 

Siêu âm hoặc MRI cũng có thể sử dụng.

 

Ở Mỹ, các hướng dẫn khuyên phụ nữ chụp nhũ ảnh hàng năm bắt đầu từ tuổi 40. Đồng thời, cũng nên tiến hành khám ngực trên lâm sàng cho phụ nữ độ tuổi 20 và 30 mỗi 3 năm một lần, phụ nữ độ tuổi 40 mỗi năm 1 lần.

 

Tôi nên tự kiểm tra ngực bao lâu một lần?

 

Mỗi tháng một lần. Nên biến nó thành thói quyên thường xuyên và việc tự kiểm tra mỗi tháng một lần sẽ giúp bạn hiểu rõ bộ ngực của mình bình thường như thế nào, nhờ đó sẽ tự tin hơn trong việc phát hiện mọi thay đổi.

 

Tránh thời gian quanh kì kinh - khi mà tự nhiên ngực cũng sưng hơn so với bình thường.

 

Có nhiều hướng dẫn về cách tự kiểm tra, nhưng khám ngực trong lúc tắm với hai tay xát xà phòng là một cách tốt để phát hiện u cục, và kiểm tra trước gương với hai tay giơ cao quá đầu và sau đó chống tay lên hông có thể giúp xác định những thay đổi ở da.

 

Thừa cân có làm tăng nguy cơ ung thư vú?

 

Có - thừa cân có thể thực sự làm tăng khả năng bị ung thư vú và các loại ung thư khác nữa.

 

Mỡ không chỉ là thứ khiến eo bạn phình ra và kim trên bàn cân vọt về hướng không mong muốn – mà mỡ là một cơ quan của cơ thể sản sinh ra những chất nội tiết, mà một trong số đó là oestrogen.

 

Oestrogen được cho là phần chủ yếu của con đường dẫn tới ung thư vú.

 

Vì thế cần nghĩ rằng bạn càng thừa cân bao nhiêu thì nguy cơ ung thư vú sẽ càng cao bấy nhiêu.

 

Tuy nhiên, thừa cân cũng làm giảm số kì kinh nguyệt mà bạn có (nghĩa là giảm lượng oestrogen giải phóng từ buồng trứng).

 

Điều này có thể giải thích nghịch lý tại sao thừa cân làm giảm nguy cơ ung thư vú trước mãn kinh, nhưng lại làm tăng nguy cơ sau mãn kinh, khi mà mỡ trở thành nguồn oestrogen quan trọng hơn buồng trứng.

 

Có phải chất khử mùi gây ra ung thư vú?

 

Câu trả lời ngắn gọn là các nhà khoa học còn chưa biết chắc chắn.

 

Một số nghiên cứu gợi ý rằng nguy cơ có tăng do sử dụng các hợp chất nhôm trong các sản phẩm chống tiết mồ hôi.

 

Những hợp chất này có thể tạm thời ngăn cản tuyến mồ hôi - nhưng có thể tích lũy trong mô vú và gây ra một số hiệu ứng giống oestrogen.

 

Như chúng ta đều biết, oestrogen có thể thúc đẩy khối ung thư vú và do đó có thể có mối liên quan.

 

Ngược lại, một số nghiên cứu khác lại không cho thấy nguy cơ tăng.

 

Nếu nguy cơ là rất cao thì hẳn là đến giờ chúng ta đã biết, vì thế không cần quá sợ hãi.

 

Tuy nhiên, việc tăng sử dụng các sản phẩm hóa chất trên cơ thể, trong nhà và trong môi trường xung quanh gần như chắc chắn sẽ gây ra những tác động có hại, và chúng ta nên cố gắng tiết giảm hết mức có thể.

 

Mặc áo ngực chật có gây ung thư vú không?

 

Không. Đây là một sự hiểu lầm đã được bắt đầu và lan truyền bởi một số nghiên cứu khoa học kém chất lượng mà đã được chứng minh là sai.

 

Giả thuyết cho rằng áo ngực quá chật có thể hạn chế dòng bạch huyết thoát khỏi vú và do đó gây tích tụ những chất độc có thể gây ung thư vú.

 

Không có cơ sở nào cho thấy điều này xảy ra.

 

Thực ra, dây áo ngực cọ sát vào khối u vú đã có sẽ khiến chúng ta nhận ra khối u... do đó mới có mối lo ngại rằng sự chèn ép là nguyên nhân ban đầu gây ra khối u.

 

Nhưng đừng lo, đó hoàn toàn chỉ là sự tình cờ, vì thế bạn không cần phải vứt bỏ áo ngực. Mua chiếc áo ngực vừa vặn là một ý kiến đáng xem xét.

 

Nhiều phụ nữ mặc áo ngực sai cỡ nhưng một chiếc áo ngực vừa vặn có thể mang lại cho bạn sự tự tin, đồng thời làm giảm áp lực đè lên vai với những người có vòng 1 nảy nở.

 

Còn về rượu và thuốc lá thì sao?

 

Rất tiếc là có.

 

Cùng với việc cắt giảm một số thực phẩm, chúng ta cần nhắm vào tất cả các mặt của lối sống nếu muốn giảm nguy cơ.

 

Chúng ta biết rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây viêm phổi - nhưng nó cũng có thể làm tăng nguy cơ của nhiều ung thư khác, bao gồm vú, cổ tử cung, dạ dày, miệng, bàng quang và buồng trứng.

 

Uống nhiều rượu - cho dù chỉ vượt giới hạn khuyến cáo chút ít - cũng có liên quan với ung thư vú.

 

Chỉ quá 1 đơn vị mỗi ngày có thể làm nguy cơ tăng khoảng 10%.

 

Ung thư vú phổ biến ở nam giới như thế nào?

 

Rất hiếm gặp. Mỗi năm chỉ có khoảng 400 nam giới (ở Anh) bị ung thư vú - một điều không có gì đáng ngạc nhiên vì nam giới có rất ít mô vú so với phụ nữ.

 

Tin xấu là khi được phát hiện thì nhiều khả năng ung thư đã di căn. Có lẽ là vì nam giới ít nhận thức về căn bệnh này.

 

Bệnh hay gặp hơn ở nam giới có tuổi (trên 60 tuổi), những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú, hoặc những người béo phì.

 

Vì thế những đối tượng này cần có các biện pháp ngay từ bây giờ.

 

Chứng vú to là tình trạng mô vú to lên (thường chỉ là mỡ) có thể biểu hiện như khối u sau núm vú nhưng không phải ung thư và có thể phẫu thuật cắt bỏ nếu cần.

 

Thông điệp ở đây là nam giới cũng cần nhận thức về khối u ở vú và nên đến bác sĩ kiểm tra nếu có.

 

Liệu pháp thay thế hoóc môn (HRT) có làm tăng nguy cơ ung thư vú không?

 

Đáng buồn là có.

 

Điều này nghĩa là có mặt trái khi bạn muốn giảm các cơn bốc hỏa và những hậu quả không mong muốn khác của mãn kinh.

 

HRT có chứa hoóc môn, oestrogen, và đôi khi cả progesterone, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

 

Có lẽ khoảng 4/100 ca ung thư vú có liên quan với HRT, chủ yếu là loại chứa cả hai hoóc môn.

 

Tuy nhiên, cũng có bằng chứng (mặc dù hạn chế) cho thấy HRT có thể bảo vệ chống lại những bệnh khác như loãng xương và giúp mãn kinh trở nên dễ chịu hơn đối với những phụ nữ bị triệu chứng nặng – vì vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc liệu bạn có hay không nên dùng HRT.

 

Mặc dù ung thư vú hay gặp, và có thể là do gen, song có nhiều điều mà bạn có thể làm để giảm nguy cơ, hoặc để đảm bảo phát hiện bệnh sớm.

 

Gần như tất cả các trường hợp ung thư vú đều có thể điều trị - nhưng phát hiện càng sớm thì cơ hội thành công càng cao.

 

Các biện pháp điều trị đã có bước tiến đáng kể trong vài thập kỉ qua - và hiện nay gần 8/10 số phụ nữ có chẩn đoán ung thư vú sẽ sống thêm được ít nhất là 10 năm.

 

Vì thế, đừng phó mặc cho số phận - có nhiều việc bạn có thể làm để tăng vận may của mình.

 

Theo Dân trí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi