Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ tư, 29 Tháng 6 2022 09:54

Củ mã thầy không chỉ là thức ăn giải nhiệt, bổ và mát, nhất là vào mùa nắng nóng mà đây còn là một vị thuốc trị bệnh.

1. Thành phần hóa học của củ mã thầy

Mã thầy còn gọi là củ năn, bột tề. Tên khoa học Heleocharis plantaginea R. Br. Thuộc họ Cói Cyperaceae.

Nhân dân ta thường dùng củ mã thầy chế biến thành các món ăn giải nhiệt, ngon, mát, bổ vào mùa hè như chè củ mã thầy, canh củ mã thầy…

Cây có củ to, mọc dưới nước. Thân không có lá, tròn dài, gần như chia đốt, ngoài mặt có khía dọc, phía trong có nhiều vách ngang. Lá được thay thế bởi những bẹ hình trụ. Cụm hoa chỉ gồm có một bông hoa nhỏ màu vàng nâu ở ngọn.

Cây mã thầy được nhân dân những vùng núi cao lạnh gần biên giới Việt Nam – Trung Quốc trồng để lấy củ ăn.

Củ mã thầy (miền Nam gọi là củ năng) to bằng củ hành, ngoài có lớp vỏ màu nâu đen. Khi dùng thì cạo bỏ lớp vỏ này rồi ăn sống hay nấu với thịt, có khi được nấu chè ăn cho mát.

Củ mã thầy chứa tới 77% hydrat carbon (gồm tinh bột và đường với số lượng bằng nhau), 8% protein (theo Hooper), nhưng có tác giả lại phân tích thấy trong mã thầy có 60% tinh bột và 7% protein và một ít đường (theo Hemmi).

2. Công dụng và liều dùng của mã thầy

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ngoài công dụng làm thức ăn bổ và mát, mã thầy được dùng làm thuốc chữa bệnh tiêu khát, bệnh về gan (vàng da), nhiệt (lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ).

Ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc.

Củ mã thầy - thức ăn giải nhiệt, vị thuốc trị bệnh - Ảnh 3.

Củ mã thầy thực phẩm giải nhiệt mùa hè.

Theo DS. Hữu Bảo, ở Trung Quốc, người ta đã tổng kết cách chữa bệnh bằng mã thầy như sau:

Hằng ngày, ăn củ tươi hoặc nghiền củ lấy nước uống (có thể phối hợp với nước ép rễ cỏ tranh hoặc ngó sen tươi) hoặc uống bột củ để giúp tiêu hóa, sinh tân dịch, chống háo khát, cầm máu, giải độc rượu, lợi tiểu.

Mã thầy 1-2 củ, đốt, tán nhỏ, uống với rượu chữa băng huyết hoặc bôi để trị lở loét trong khoang miệng của trẻ em.

Dịch ép củ mã thầy hòa với rượu (lượng bằng nhau) hâm nóng, uống vào lúc đói chữa kiết lỵ ra máu do nhiệt.

Nước sắc củ mã thầy có đường làm tiểu tiện dễ dàng, giảm viêm nhiệt và nóng buốt; phối hợp với rau câu và râu ngô lại chữa tăng huyết áp.

Mã thầy nấu với thịt rắn biển làm canh ăn rất tốt với tác dụng tiêu đờm.

Để chữa sởi, ngay ngày đầu tiên, cho trẻ uống nước ép củ mã thầy. Khi sởi sắp mọc và cả sau khi sởi đã mọc, lấy mã thầy nấu với củ cà rốt và hạt mùi cho ăn đến khi sởi bay. Tiếp đó vài ngày, uống nước củ mã thầy để tẩy độc và giúp cơ thể chóng hồi phục.

Củ mã thầy - thức ăn giải nhiệt, vị thuốc trị bệnh - Ảnh 4.

Chè mã thầy.

Dùng ngoài, củ mã thầy rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng đắp chữa mụn nước.

Ngoài củ, nhân dân còn có kinh nghiệm dùng thân cây mã thầy 10-20g, phối hợp với rễ cây lau (lô căn) 30g, để tươi, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, chữa phù toàn thân, tiểu tiện khó khăn, khát nước, táo bón.

Chú ý: Người tỳ thận hư hàn, trẻ em hay đái dầm, không được dùng mã thầy. Hơn nữa, vì mọc trong bùn, vỏ ngoài củ mã thầy dễ bị ấu trùng sán lá bám vào, nên phải rửa sạch củ và chần qua nước sôi, rồi mới gọt ăn.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi