Quảng Trị: Gấp rút hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ

Hiện tại các khu vực ngập lụt nặng nhất là các xã Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, (huyện Vĩnh Linh), chính quyền đang gấp...
Thứ tư, 14 Tháng 12 2022 05:13

 Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 xác định đào tạo nghề là giải pháp căn cơ giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định. Mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể về đào tạo nghề là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình.

Đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương giúp giảm nghèo bền vững

Nhiều mô hình hiệu quả

Chia sẻ tại Tọa đàm "Vai trò của đào tạo nghề, tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững" mới đây, theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng. Trong giai đoạn từ 2010 – 2020, thực hiện đề án này, đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó có trên 10% trong tổng số hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững. 

"Khi chúng tôi khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công", ông Đào Trọng Độ cho biết.

Điển hình ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… vừa đào tạo nghề vừa phát huy thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm, như mô hình trồng na ở Lạng Sơn. Người nghèo ở Lạng Sơn trước đây chưa biết ứng dụng KHCN hay áp dụng kiến thức vào trong sản xuất hay tính toán, tuy nhiên, khi được đào tạo nghề, họ biết áp dụng, tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường... 

"Hay tại Cao Bằng, nơi có những vùng nguyên liệu rất tốt nhưng trước đây người nông dân chủ yếu sản xuất, canh tác theo hướng truyền thống. Khi đưa đào tạo nghề vào, chúng tôi đã phải làm rất lâu, từ thay đổi nhận thức, cách làm, rồi phải xây dựng mô hình, vận động cán bộ, người có uy tín ở cộng đồng làm trước, sau đó cộng đồng thấy hiệu quả mới làm theo. Sau 2 – 3 năm xây dựng những mô hình, dần dần người dân địa phương bắt đầu nhận ra hiệu quả trong việc thay đổi cách thức sản xuất", ông Đào Trọng Độ nêu ví dụ.

Việc đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng giúp người lao động ở các huyện nghèo để đi làm việc ở nước ngoài cũng cho hiệu quả rất tốt, tạo ra sức bật để người lao động khi trở về có vốn, có kiến thức, thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh. Nó không chỉ tác động với hộ gia đình đó, mà sẽ có tác động lan tỏa đến cả cộng đồng. 

Mục tiêu, lộ trình cụ thể về đào tạo nghề gắn với giảm nghèo

Trong các chương trình MTQG giảm nghèo của giai đoạn trước, đào tạo nghề, việc làm chỉ được đề cập ở 1 khía cạnh. Nhưng trong Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 và có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. 

Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Việc làm thỏa đáng chính là cái căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: Thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Ông Đào Trọng Độ cho biết, trước đây, với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện KTXH khó khăn, chủ yếu hướng đến đào tạo cho họ kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Chương trình lần này đã bổ sung thêm hỗ trợ đào tạo trình độ cao, nghĩa là đào tạo trung cấp, cao đẳng để họ có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Hà - Cán bộ Chương trình Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng đánh giá, điểm rất mới của Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 là dự án số 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững. 

Trong đó có 2 tiểu dự án: Một là tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp ở vùng nghèo, vùng khó khăn dự kiến đầu tư rất lớn, khoảng 15.300 tỷ đồng; hai là hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Luật số 69/2020/QH14 của Quốc hội cũng dự kiến có khoảng 570 tỷ đồng.

Như vậy, điểm mới là đầu tư nguồn ngân sách của Nhà nước có trọng điểm, có đối tượng đích rất rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo. 

Một điểm mới nữa là xác định các chủ thể rất rõ ràng: Nhà nước tạo ngân sách, tạo điều kiện về chính sách, có môi trường đầu tư phù hợp để thực hiện; các trường nghề được tạo điều kiện để phát triển… và có cả phần hỗ trợ cho chủ thể là người lao động. 

Ông Nguyễn Hoàng Hà nhận định, mục tiêu trong ngắn hạn và trung hạn là làm sao để người lao động nghèo, đối tượng nghèo tham gia quá trình học tập về kỹ năng, được tham gia các lớp về giáo dục dạy nghề, có thể tham gia được thị trường lao động.  

Nhưng về dài hạn, cần phải có hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, công bằng, đảm bảo cho mọi đối tượng, mọi thành phần đều được hưởng lợi từ quá trình đó và đầu tư của Nhà nước là đảm bảo tính cân bằng, không chỉ vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng miền núi… mà là tất cả các địa phương, các khu vực.