Thứ hai, 18 Tháng 12 2017 10:30

“May quá, tụi con gọi được chú chứ không làm sao mà đẩy bộ xuống đèo được”. Hai cô gái trẻ vừa nói, vừa rối rít cảm ơn trong khi người đàn ông trung niên ngồi bệt xuống đường lấy đồ nghề rồi hì hục tháo lốp chiếc xe máy ra bơm bơm, vá vá ngay giữa đỉnh đèo Hải Vân.

Đó là người đàn ông làm nghề sửa, vá xe lưu động vừa vượt quãng đường đèo hơn 15km để vá lốp sau cuộc điện thoại thoại của hai cô gái trẻ.  

A lô là có

Người thợ vá xe trên đỉnh đèo sau cuộc gọi của hai cô gái là chú Nguyễn Đức Tuân (56 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Chú Tuân đã có 7 năm theo nghề vá xe lưu động nhưng cũng chẳng biết ai là người khởi khai ý tưởng này.

11-14-46_nh_1_chu_tun_voi_chiec_xe_v_xe_luu_dong_v_bo_do_nghe
Chú Tuân cùng "cửa tiệm" vá xe di động

“Hồi đó đèo Hải Vân chưa có hầm. Xe cộ qua đèo đông nghịt nên hay xảy ra sự cố. Tôi quê ở Huế nên thường xuyên qua lại đèo rồi vô tình đọc được chữ người ta ghi trên các phiến đá to. Trên đó người ta ghi sữa, chữa xe lưu động kèm với số điện thoại. Tôi thấy ý tưởng đó hay nên bắt chước”, chú Tuân kể lại cơ duyên gắn với nghề. Ngày đó, chú Tuân cũng có một tiệm sửa xe máy nhỏ nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) làm kế sinh nhai. Tuy vậy, tiệm của chú không cạnh tranh được với tiệm của những thợ sửa chữa xe trẻ hơn, được học hành bài bản hơn nên thu nhập bấp bênh.

“Bụng đói thì tay chân phải hoạt động. Tôi cũng bắt chước người ta in số điện thoại của mình, in chữ sữa chữa xe rồi dán lên gốc cây, trụ điện mấy con đường để lỡ ai đi đường có hư xe thì gọi. Họ mà gọi thì mình chạy đến sửa, càng nhanh càng tốt. Lúc đầu tôi tưởng dán chơi chơi có được khách nào thì hay khách đó. Tôi cũng không ngờ khách họ gọi quá trời riết rồi dẹp cái tiệm mà gắn với cái nghiệp lưu động”, chú Tuân kể.

Chiếc điện thoại Nokia cục gạch cũ của chú Tuân đổ chuông khiến cuộc trò chuyện đứt quãng. Một vị khách bị thủng xe trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu) gọi điện cầu cứu chú. Nghe xong cuộc điện thoại, chú Tuân gói gém đồ nghề lên đường ngay lập tức. Một chiếc bơm máy nhỏ gọn. Keo dán, thanh đập, que cạy, tuốc vít, mỏ lết, một thau nhựa, một chai đựng nước chừng 2 lít… Tất cả gói gọn trong chiếc hộp gỗ đặt trên ghế sau của chiếc xe máy.

11-14-46_nh_2
Chiếc xe cùng bộ đồ nghề là cơ nghiệp mưu sinh của chú Tuân

Mất 5 phút chạy xe đến chỗ khách hàng, chú Tuân vội vàng lấy đồ nghề ra tác nghiệp. Và cũng chỉ mất chưa đầy 5 phút, lỗ thủng trên lốp xe của vị khách đã được vá xong. Tiền công là 10.000 đồng. Vị khách vui vẻ gửi lời cảm ơn trước khi lái xe tiếp tục hành trình. “Không có chú con dắt bộ chắc cả tiếng chưa tìm ra nơi vá xe nữa”.

Một cuộc điện thoại khác lại đổ chuông, chú Tuân cho hay có hai cô gái trẻ bị thủng lốp xe trên đèo Hải Vân. Mất gần 20 phút leo đèo, người thợ vá xe lưu động mới đến được nơi hai cô gái đứng chờ. Chú không một lời than vãn về quãng đường hơn 30km mà ngay lập tức bắt tay vào việc. Người thợ ngồi bệt xuống đường, hì hục tháo lốp chiếc xe máy ra bơm bơm, vá xá ngay giữa đỉnh đèo. Hai cô gái trẻ hồi hộp đứng đợi, vừa nói vừa cảm ơn rối rít. “May quá, tụi con gọi được chú chứ không làm sao mà đẩy bộ xuống đèo được”. Xong việc, chú Tuân lấy 15.000 đồng tiền công.

“Đường xa, hai cháu thông cảm cho chú thêm 5.000 đồng tiền xăng. Làm nghề này phải nhanh, khách họ alo là có ngay thì mới cạnh tranh được. Có lúc vừa về đến nhà, mình chuẩn bị ăn cơm thì có điện thoại của khách cũng phải đi ngay. Mình không đi thì họ gọi người khác ngay. Mình nghe điện thoại rồi khách báo vị trí là phải ước lượng thời gian để hẹn. Mình phải đến đúng hẹn để họ không phải chờ quá lâu. Uy tín là ở chỗ đó”, chú Tuân giải thích.  

Không làm việc thất đức

Chú Tuân cho biết dịch vụ vá, sữa chữa xe máy lưu động những năm gần đây nở rộ nên việc cạnh tranh rất khốc liệt. Chỉ riêng cung đường Nguyễn Văn Cừ (phường Hòa Hiệp Bắc) dài khoảng 10km đã có 4 người thợ. Toàn TP Đà Nẵng thì có hàng trăm người theo ngờ. Theo chú Tuân, các thợ chủ yếu đều là người đã ở tuổi trung niên trở lên. Ngoài ra, dịch vụ này đồ nghề nhỏ gọn, không tốn nhiều chi phí đầu tư vẫn có thể mưu sinh được. Đặc biệt, thợ sửa xe lưu động thì không cần phải thuê mặt bằng nên tiết kiệm rất nhiều chi phí sơ với mở tiệm.

11-14-46_img20170817115147_1
Cặm cụi vá xe cho khách

“Mình ở khu vực Hòa Hiệp Bắc thì khách chủ yếu là đường xa và công nhân. Mấy anh em ở dưới phố hay khu vực ven biển Mỹ Khê thì đông khách hơn. Ở dưới đó là khách du lịch, khi vá xong mình lấy đúng giá thì thường được khách họ tặng thêm nên có thu nhập cao hơn. Làm nghề này nếu siêng năng và may mắn mỗi ngày cũng thu được khoảng 150 đến 200 nghìn đồng. Số tiền đó không nhiều nhưng đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Mỗi lần vá xe thì tiền lời khoảng 5.000 đồng, thay lốp, ruột thì lời khoảng 10.000 đồng. Nếu mà vá vào ban đêm thì chúng tôi thu thêm khoảng 5.000 đồng/lượt vì giờ đó đi lại khó khăn hơn”, chú Tuân kể.

Chú Lê Thương (trú phường Hòa Hiệp Bắc) cho hay để cạnh tranh lẫn nhau và cũng để có lời thì thợ vá xe lưu động quy định ngầm với nhau về giá cả. Các thợ không được phá giá cũng như lợi dụng lúc khách gặp khó khăn mà chặt chém, lấy giá quá cao.

Theo các chú, nghề vá xe lưu động kiếm được tiền nhờ xe gặp sự cố trên đường. Tuy vậy, họ chưa bao giờ có tâm niệm mong người khác không may. Đặc biệt, việc tìm cách để người khác cán đinh bằng cách rải đinh trên đường hoàn toàn bị cấm tiệt.

“Nói thật thì ở khu vực này gần đèo và hầm Hải Vân nên nếu mình chơi xấu như rải đinh thì tụi này giàu luôn. Có nhiều người ở miền Nam ra họ bày cho chúng tôi như vậy. Nhưng chúng tôi không bao giờ làm ăn kiểu đó. Làm như vậy là thất đức”, chú Thương bày tỏ.

Dứt lời, điện thoại chú Thương đổ chuông rồi trao đổi vài câu ngắn ngủi với đầu dây bên kia. Lại một vị khách cần đến dịch vụ vá xe lưu động của chú. Người đàn ông ở tuổi ngũ tuần lại vui vẻ nổ máy xe lao đến điểm hẹn để phục vu khách hàng.

 

Nguồn: nongnghiep.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi