Thứ ba, 05 Tháng 4 2016 07:36

Chúng tôi đến lúc cả nhà đang dọn cơm trưa, giữa nhà chỉ có mấy cái bát và hai cái nồi. Một cái nấu cơm và một nồi mắm kho, bên cạnh còn có rổ khoai dong luộc để...ăn kèm.

 

"Cả khoai và cơm đều ngon"

 

Ngôi nhà lụp xụp của gia đình anh Ngô Văn Bình (37 tuổi) và chị Phạm Thị Hương (34 tuổi), ở thôn 3, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nằm sau một con dốc cao.

 

Anh chị cùng hai con gái đang ở cùng nhà của bố mẹ chị, còn cháu thứ hai là Nguyễn Thị Huệ bị khiếm thị, thấp - còi - lùn độ 2 đang được gửi ở một Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khiếm khuyết ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

KhiemKhuyet1.nhandao
Ngôi nhà lụp xụp của gia đình anh chị


Hôm chúng tôi đến, anh Bình đang đi làm thuê, chỉ có mẹ già, chị Hương và hai cháu Ngô Thị Thu Huyền (học lớp 7) và Ngô Thị Minh Thư (học lớp 1) đang ở nhà và chuẩn bị ăn trưa.


Bữa cơm dọn ra vỏn vẹn chỉ có mấy cái chén và hai cái nồi đen nhẻm, một nồi nấu cơm, một nồi kho mắm mặn. Cạnh đó còn một rổ khoai dong luộc để...ăn kèm.

 

Chị Hương tâm sự, hại vợ chồng đều tật nguyền, ở với bố mẹ, mẹ chị cũng bị mù cả hai mắt nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nhà có duy nhất một chiếc xe đạp, nếu anh Bình hôm đó lấy xe đi làm thuê thì chị phải ra đường xin xe cho hai cháu đi học vì trường xa nhà.

 

Nhà đông người nhưng chỉ có 12 thước ruộng, gạo làm ra chỉ đủ ăn hơn 1 tháng, còn lại phải trông chờ vào tiền đi phát rẫy thuê của anh Bình và tiền làm bảo vệ trường của bố chị để đong gạo ăn cho cả nhà.

 

Đang ăn, chúng tôi hỏi cháu Thư thích ăn khoai hay cơm, Thư thật thà: "Cả khoai và cơm đều ngon".

 

Nhà toàn người khiếm khuyết

 

Anh chị ở cùng thôn, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, anh Bình lớn lên chỉ cao 1m40 và nặng 34 kg. Không được học hành đàng hoàng, cơ thể lại còi cọc nên anh không giúp gì được cho gia đình.

 

KhiemKhuyet2.nhandao
Bữa cơm với mắm kho mặn và khoai dong luộc...ăn kèm


Chị Hương lại bị khiếm thị từ nhỏ, học hết lớp 5 thì phải ở nhà do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và đôi mắt ngày càng mờ khiến cho chị không thể tiếp tục theo học.


"Chúng tôi thương nhau đến gần 7 năm mới dám về chung một nhà. Vì anh thì nhỏ con, sức khỏe yếu, còn tôi mắt kém nên không làm gì được nhiều. Sợ về sinh con lại khổ cho con", chị Hương tâm sự.

 

Hai anh chị đã có với nhau ba con gái. "Lúc mang bầu cháu Huyền, cả hai vợ chồng như ngồi trên đống lửa. Cứ lo con giống bố hoặc mẹ thì tội cháu. Lúc sinh ra và đến bây giờ cháu phát triển bình thường làm ai cũng mừng.

 

Sau đó tôi sinh cháu Huệ, tội lắm cô ạ, bị di truyền của cả bố lẫn mẹ, giờ gia đình đã gửi cháu ở một trung tâm nuôi dưỡng trẻ khiếm khuyết ở TP. HCM. Cháu thứ ba hiện nay đang học lớp 1 và cũng có dấu hiệu mắt kém, tôi lo quá mà không có tiền đưa cháu đi khám", chị Hương cho hay.

 

Mặc dù rất muốn đi làm thuê để đỡ đần cho chồng nhưng không ai thuê chị Hương vì mắt kém. Chị phải ở nhà làm vườn, chăm người mẹ già mù lòa và cơm nước cho cả nhà.

 

Còn anh Bình thì đi phát rẫy thuê với số tiền công 150 nghìn đồng/ngày. Nhưng bây giờ anh đau ốm phải đi viện triền miên nên không đi làm thường xuyên được.

 

"Cả nhà giờ trông cậy vào đồng lương bảo vệ trường của tôi và tiền làm thuê của thằng Bình. Thấy hai đứa cháu cả năm không có áo quần mới, toàn đồ mẹ nó xin mà tôi thương quá. Chỉ mong sao mấy đứa cháu của tôi không phải sống khổ sở như bố mẹ nó", ông Phạm Xuân Cảnh, bố đẻ chị Hương nói.

 

Ông Phan Xuân Thủy, Trưởng thôn 3, (xã Quảng Thạch) cho biết: "Gia đình vợ chồng anh Bình thuộc diện hộ nghèo của xã. Hoàn cảnh gia đình họ rất đáng thương, cả bố, mẹ và con đều mang trong mình những khiếm khuyết nên rất thiệt thòi".

 

Mọi sự giúp đỡ gửi về:

Anh Ngô Văn Bình ở thôn 3, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

 

Theo Vietnamnet

khuyết tật, hộ nghèo, khó khăn, viện phí

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE khuyết tật , hộ nghèo , khó khăn , viện phí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi