Thứ năm, 04 Tháng 2 2016 07:25

Đáp lại tiếng gọi thổn thức từ người cha là ánh mắt vô hồn trên cơ thể bất động của cô con gái. Gia đình, thầy cô đang hy vọng về tương lai tươi sáng sẽ đến với nữ sinh viên giỏi bỗng chốc biến thành nỗi đau theo bi kịch không lối thoát sau tai nạn.


Cha nghèo chết lặng nghe tin con gặp nạn

 

Nữ bệnh nhân trẻ nằm trên chiếc giường trong góc phòng khoa Ngoại thần kinh lại lên cơn khó thở. Trong lúc y bác sĩ kiểm tra chức năng hô hấp, khẩn trương hút đàm nhớt thì ngoài hành lang phòng bệnh, người đàn ông với gương mặt khắc khổ, ánh mắt bấn loạn, dáo dác nhìn theo. Hai bàn tay thô kệch của ông xoắn vào nhau trong vô thức. Hỏi ra mới biết ông là Thẩm Đức Đệ (58 tuổi) bố của bệnh nhân Thẩm Thị Nga (22 tuổi) đang được bác sĩ cấp cứu.

 

ConGai1.nhandao
BS Kim Tuyến cho biết, việc điều trị của bệnh nhân còn phải kéo dài nên rất tốn kém


Lê những bước đi nặng nề, ông buông cơ thể rã rời xuống chiếc ghế trong phòng làm việc của bác sĩ, những giọt nước mắt đục ngầu lặng lẽ lăn dài trên gò má cháy nắng. Cố gắng kìm nén, ông Đệ nghẹn ngào: "Bé Nga là con gái trong cặp song sinh ở lần mang thai thứ hai của vợ chồng tôi. Từ khi lọt lòng mẹ, con bé đã phải chịu đựng nhiều đau đớn với căn bệnh giãn mật bẩm sinh, hen suyễn, giờ lại lâm vào cảnh nguy nan thế này, chúng tôi sợ sẽ vĩnh viễn mất con."

 

Theo hồ sơ bệnh án, BS Trần Kim Tuyến, khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Bệnh nhân Nga được bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chuyển đến vào ngày 14/12 trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng đã được mổ hai lần để lấy máu tụ trong não. Sau phẫu thuật, bệnh nhân bị viêm màng não, viêm phổi do vi trùng xâm nhập. Nhờ được hỗ trợ thở máy và sử dụng kháng sinh mạnh, sau nửa tháng điều trị hồi sức tích cực, tình trạng tri giác người bệnh đã dần cải thiện."

 

ConGai2.nhandao

 

ConGai3.nhandao
Đã qua 2 lần phẫu thuật, tri giác có cải thiện nhưng tình trạng sức khỏe của Nga còn rất xấu


Cũng theo BS Kim Tuyến, hiện chi phí điều trị mỗi ngày của bệnh nhân tốn hơn 2 triệu đồng, nhưng gia đình đã khánh kiệt, những ngày qua không còn tiền để đóng tạm ứng. Bác sĩ có thể hỗ trợ tất cả những gì có thể về chuyên môn, nhưng nếu gia đình không đủ điều kiện để đáp ứng tốt nhất cho việc điều trị bằng thuốc và thiết bị thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ sống đời thực vật hoặc bình phục rất chậm, để lại di chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này.

 

Chưa hết bàng hoàng, ông Đệ nhớ lại, trưa 11/12/2015 đi làm về, ông vừa ngồi xuống mâm cơm thì chuông điện thoại vang lên. Vừa bấm nghe máy, ông chết lặng khi người gọi đến cho biết, con gái ông bị tai nạn giao thông, tình trạng rất nguy kịch đang phải cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. "Trong nhà lúc đó chỉ có gần 100 nghìn đồng, tôi chạy sang hàng xóm mượn gấp hơn 1 triệu rồi vợ chồng vội vàng đến bên con. Vừa tới bệnh viện, bác sĩ đã gọi vào ký giấy để mổ gấp cho Nga."

 

Sự sống mong manh của cô sinh viên giỏi

 

Gần 30 năm trước, ông Đệ từ Bình Định vào Đắk Lắk lập nghiệp rồi nên duyên vợ chồng với bà Trần Thị Thúy (50 tuổi) họ có với nhau 4 mặt con. Cuộc sống của 6 miệng ăn trông chờ vào 5 sào rẫy thuê lại của người dân địa phương để trồng cà phê và việc làm mướn của ông Đệ.

 

ConGai4.nhandao
Người cha nghèo đang cố níu kéo sự sống mong manh của cô con gái trong tuyệt vọng


Gia cảnh thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nhưng họ luôn nỗ lực cho con ăn học. Thương cha mẹ vất vả, chị em Nga nỗ lực động viện nhau học tập với hy vọng sẽ thay đổi được số phận. Cặp vợ chồng nghèo dù phải lao lực, nhưng bù lại họ ngập tràn hạnh phúc khi chị em song sinh Thẩm Thị Hồng, Thẩm Thị Nga và cậu con trai út Thẩm Đức Nhân (19 tuổi) lần lượt thi đỗ đại học.

 

Hy vọng vào tương lai tươi sáng của gia đình họ bỗng tắt lịm khi tai nạn xảy đến với Thẩm Thị Nga. "Qua thông tin từ bạn của con gái tôi, hôm đó cháu đang trên đường từ trường trở về sau giờ học, khi chỉ cách nhà trọ vài chục mét thì bị người đi xe máy chạy với tốc độ cao từ phía sau tông vào người khiến con tôi đập đầu xuống đường, bất tỉnh. Người gây tai nạn bị công an tạm giữ, nhưng gia đình tôi đã làm giấy bãi nại cho anh ta vì rủi ro này chẳng ai muốn nó xảy ra. Gia đình người tông phải con gái tôi cũng nghèo, đến nay chỉ hỗ trợ được vài triệu đồng, nhưng chúng tôi không có ý muốn bắt vạ họ mà chỉ mong con mình tai qua, nạn khỏi."

 

ConGai5.nhandao
Đáp lại tiếng gọi thổn thức của cha chỉ là ánh mắt vô hồn từ cô con gái


Mở lòng bao dung và sự cảm thông với người gây tai nạn, vợ chồng ông Đệ tự gánh chịu mọi nỗi đau. Sau hơn nửa tháng con gái nằm viện, họ đang lâm vào cảnh khốn cùng, khoản tiền hơn 60 triệu đồng vay mượn đã cạn, ông lên tiếng bán căn nhà nhỏ để lo chi phí chạy chữa cho con, nhưng năm hết tết đến nên chưa thấy ai hỏi mua. Nếu không lo nổi chi phí để mua kháng sinh điều trị trong những ngày tới thì sinh mạng bệnh nhân khó giữ được. Người cha nén tiếng thở dài nghĩ đến cảnh nợ nần chồng chất, nỗ lực học tập của các con ông bấy lâu nay sẽ bị đứt gánh giữa đường.

 

Thông tin từ TS Cao Thị Lý, Chủ nhiệm lớp Quản lý tài nguyên rừng, trường Đại học Tây Nguyên, nơi em Nga đang theo học cho biết: "Là sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng hơn 2 năm học qua, em Thẩm Thị Nga luôn đạt thành tích học tập, rèn luyện loại giỏi trong lớp. Em đã được nhận học bổng Tây Nguyên Xanh của đoàn trường. Chúng tôi tin tưởng sẽ đào tạo Nga trở thành người hữu ích cho xã hội thì tai nạn xảy ra. Bất kỳ sự hỗ trợ nào cho em Nga lúc này đều có ý nghĩa rất lớn, giúp gia đình thêm điều kiện chăm sóc và lo chi phí điều trị để em sớm bình phục."

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Ông Thẩm Đức Đệ (khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM)

Điện thoại: 01626 672 616

Hoặc: Tổ dân phố 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông A Na, tỉnh Đắk Lắk

 

Theo Dân trí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi