Thứ bảy, 03 Tháng 10 2015 05:25

Đang học lớp 9, cô bé phải nghỉ học giữa chừng sau cơn bạo bệnh của mẹ và người cha mắc bệnh ung thư. Giờ một mình em phải vừa chăm lo gia đình vừa cật lực làm thuê mong tìm tia hi vọng nhỏ nhoi để cứu lấy cha mẹ của mình.


Nhà ông Huỳnh Văn Em, SN 1967 (ngụ ấp Giồng Bông, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) có 4 nhân khẩu thì có 3 người bệnh nặng nên càng chật vật trong khốn khó. Trong căn nhà nhỏ, ông Huỳnh Văn Em, thở nhọc vì căn bệnh ung thư amidan màn hầu. Nằm bên giường, vợ ông là bà Phạm Thị Biềm nói năng lắp bắp như một đứa trẻ vì căn bệnh xuất huyết não cách đây hơn 1 năm. Khốn khó như vậy nhưng ông Em còn phải "gánh" thêm người em ruột tên Huỳnh Thị Yến, SN 1972 bị bệnh nhiễm chất độc da cam bẩm sinh, người ngờ nghệch chẳng nhận biết được gì xung quanh. Cả nhà có 3 người bệnh nặng nên cháu Huỳnh Thị Cẩm Duyên, SN 1998 là con duy nhất của ông Em phải nghỉ học từ năm lớp 9 để chăm lo cho gia đình.

 

1.901.nhandao
Cháu Duyên vừa chăm sóc gia đình vừa cật lực làm thuê để hy vọng cứu cha và mẹ của mình


Cuộc đời ông Em được kể là chuỗi ngày vất vả trong nghèo khó, bệnh tật hành hạ. Hai vợ chồng ông lấy nhau hơn chục năm mới sinh ra đứa con gái duy nhất vì vợ bệnh tật liên miên. Do nghèo khó, không đất đai nên hai vợ chồng cùng đứa em gái bệnh nhiễm chất độc màu da cam bẩm sinh phải ở nhờ trên đất của người khác. Mãi đến sau này, khi nhà nước cấp cho ông 1.000 m2 đất theo diện "nhường cơm xẻ áo" thời hợp tác xã sản xuất nên gia đình mới cất được căn nhà nhỏ.

 

1.902.nhandao
Cả gia đình 4 nhân khẩu thì có đến 3 người mắc bệnh


Không có đất sản xuất, ông Em hàng ngày đi bán vé số còn bà Biềm làm thuê, làm mướn để nuôi đứa con gái duy nhất học hành và đứa em gái bị bệnh. Ông Em cho biết: "Cơn bão số 9 (năm 2006) làm căn nhà tôi bị sập nên được nhà nước hỗ trợ tiền cất lại nhà. Vây mà nhà làm từ đó đến nay cũng không có tiền mua xi măng để tô tường nên vẫn còn nham nhở màu đỏ của gạch vì gia đình suốt ngày chỉ làm thuê, làm mướn không có bất cứ một huê lợi gì".

 

1.903.nhandao
Bà Biềm rơi nước mắt khi kể chuyện gia đình khốn khó của mình

 

Cuộc sống nghèo khó cứ thế trôi đi, 2 vợ chồng ráng làm lụng để lo cho đứa con gái được học hành tới nơi tới chốn. Vậy mà tai ương chẳng buông tha khi 2 vợ chồng lần lượt mắc bệnh hiểm nghèo. Đứa con gái nhỏ bé từ chỗ được bao bọc giờ phải nặng gánh trên vai việc chăm sóc rồi tiền thuốc thang chữa bệnh cho cả nhà. Bà Biềm nói chuyện mà rơi nước mắt: "Cách đây hơn 1 năm khi tôi đang làm thuê ngoài đồng thì tự dưng ngất xỉu nên được mọi người đưa đến trạm xá rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh điều trị. Bác sĩ khám, xét nghiệm mới biết bị xuất huyết não". Bà Biềm may mắn sống sót nhưng về nhà đi đứng rất khó khăn, nói năng khó nhọc như một đứa trẻ.

 

1.904.nhandao
Gia đình ông Em thuộc diện hộ nghèo

 

Khi bà Biềm xuất viện về, số nợ hơn 20 triệu đồng tiền viện phí chưa trả được thì ông Em lại mắc bệnh ung thư amidan màn hầu. Các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tiến hành phẫu thuật rồi chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu để tiếp tục xạ trị nhưng không có tiền nên ông Em về nhà cầm cự được ngày nào hay ngày nấy.

 

Hàng ngày, cháu Duyên phải thức dậy từ sớm để lo cơm nước rồi tất tả chạy đến cơ sở may ở gần nhà để may gấu bông lãnh tiền theo sản phẩm; chiều lại phải bỏ việc về sớm hơn mọi người để lo nấu cơm, giặt giũ cho cả nhà. Duyên cho biết: "Do gia đình cha mẹ và cô đều bệnh nên con không thể đi đâu xa hay làm công theo ca mà chỉ làm theo sản phẩm mỗi ngày từ 30 đến 40 ngàn đồng phụ mẹ lo tiền thuốc".

 

1.905.nhandao
Cả 2 vợ chồng ông Em cùng mắc bệnh hiểm nghèo


Khi nhắc đến chuyện học, mắt cháu đượm buồn. Cháu tâm sự rằng: "Ai cũng có ước mơ, cũng muốn đi học để sau này có việc làm ổn định chứ đâu muốn lao động chân tay vất vả. Ban đầu cháu cũng có ý định học bổ túc cho hết lớp 12 nhưng nhà cháu giờ như thế này chắc cháu nghỉ học luôn. Ước mơ là làm sao kiếm một số tiền đưa cha lên TP Hồ Chí Minh để xạ trị chứ để như vậy càng ngày càng nặng".

 

1.906.nhandao
Đến ngày hẹn xạ trị nhưng ông Em vẫn không có tiền nên đành ở nhà cầm cự với bệnh ung thư


Từ ngày mắc bệnh ung thư, ông Em sức khỏe yếu dần nhưng cố gắng đi bán vé số kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Ông Em cho biết: "Lúc trước mỗi ngày bán được hơn 100 tờ vé số còn giờ đi không nổi nên chỉ bán được 50 tờ mà ngày đi ngày nghỉ vì không có sức khỏe. Chắc phải chờ chết chứ nợ nần chồng chất tiền đâu mà đi xạ trị". Bây giờ ông lo đủ thứ từ chuyện bệnh tật của mình, của vợ và của đứa em đã 43 tuổi mà vẫn như một đứa trẻ chưa biết tự lo cho mình. Mỗi ngày bán vé số, ông cứ để dành lại một tờ với hy vọng có sự may mắn nào đó để cứu cả nhà khỏi khốn cùng của bệnh tật, nghèo khổ. Tuy nhiên, mỗi ngày trôi qua, hy vọng về một phép mầu hay thần may mắn càng vơi dần, sức khỏe của 2 vợ chồng cũng ngày một trở nặng.

 

1.907.nhandao
Cháu Duyên rất bế tắc vì không biết phải làm gì để cứu cha và mẹ cùng mắc bệnh hiểm nghèo

 

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Bình Đại cho biết: "Gia đình ông Em hết sức khó khăn khi 2 vợ chồng cùng mắc bệnh hiểm nghèo, đứa con gái duy nhất phải nghỉ học để làm mướn lo thuốc thang cho cha mẹ. Hội chữ thập đỏ đang vận động, kêu gọi sự giúp sức của các nhà hảo tâm nhưng cũng chẳng được bao nhiêu nên rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả các nhà hảo tâm gần xa để gia đình vượt qua khó khăn của bệnh tật, nghèo khổ"

 

Chưa tới 17 tuổi, cháu Duyên đã từ bỏ tương lai, rời xa niềm vui cắp sách đến trường như bao bạn bè để lao vào làm việc, kiếm tiền lo cho cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Ước mơ của cháu giờ không phải vì bản thân, vì tương lai mà mong sao kiếm tiền để trước mắt đưa cha đi xạ trị rồi đến lo thuốc thang cho mẹ. Ước mơ đó cũng khó có thể thực hiện vì sức lực của cháu quá nhỏ bé trước sóng gió lớn lao của cuộc đời ập xuống gia đình khốn khó này.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bà Phạm Thị Biềm, ấp Giồng Bông, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Điện thoại: 0978.049.935.

 

Theo Dân trí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi