Thứ sáu, 21 Tháng 1 2022 10:50

Dù luôn cần mẫn lao động, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, nhưng khó khăn vẫn đeo bám gia đình anh Trương Văn Sang và anh Nguyễn Văn Phiêu (cùng ngụ ấp Hòa Lợi, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 càng làm cho 2 gia đình thêm bấp bênh, rất cần sự tương trợ của cộng đồng.

Anh Trương Văn Sang và chị Phan Thị Duyên (vợ anh Sang) đều là người khuyết tật. Anh Sang bị teo cơ chân phải, còn chị Duyên bị teo cơ chân trái. Ít người thuê làm việc, nên anh phiêu dạt nhiều nơi để kiếm sống. Cách đây 8 năm, anh Sang gặp chị Duyên, khi 2 người cùng đi mò cua bắt ốc. Đồng cảm với nhau, anh chị về sinh sống chung trong một túp lều nhỏ ven bờ kênh, nên nghĩa vợ chồng.

Chúng tôi đến thăm nhà khi anh Sang vừa bán vé số về. Anh thay vội chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, chia sẻ về gia cảnh: “Những năm trước, chúng tôi nhọc nhằn lắm, ngâm mình dưới dòng kênh, lúc thì thả vài tay lưới, lúc thì mò ốc bắt cua. Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng với 2 người khuyết tật thì lại là cuộc vật lộn”.

 Không kể sáng hay tối, nắng hay mưa, bà con trong ấp Hòa Lợi 1 luôn nhìn thấy chiếc ghe nhỏ của anh chị Sang trên dòng nước. Một ngày, với sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều bà con san sẻ tình yêu thương cho đôi vợ chồng bằng căn nhà nhỏ ở bờ sông và chiếc xe lăn cũ để anh Sang đi bán vé số.

Anh Trương Văn Sang

Cuộc sống của vợ chồng anh Sang được thay đổi, hết thời ngâm mình trên sông và quen dần với công việc mới. Nhưng "nghề" bán vé số mang đến nỗi cực nhọc khác. Chia sẻ với chúng tôi, anh Sang cho biết thêm: “Những ngày đầu chưa quen, di chuyển bằng xe lăn rất mệt, nên tôi chỉ đi quanh quẩn ở địa phương và xa nhất là đến trung tâm xã, vé bán rất ít ỏi”. Ngưng lại giây lát, anh nói tiếp: “Từ khi có dịch COVID-19, công việc bán vé số trở nên khó khăn, mất mấy tháng không được bán, còn bây giờ thì sự e dè khi tiếp xúc của khách mua là cản trở lớn đối với người bán vé số như chúng tôi”.

Phó Trưởng ban MTTQVN xã Vĩnh Lợi Trần Trọng Trí cho biết: “Trong tình cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, thu nhập của họ ngày có ngày không, địa phương rất quan tâm chăm lo cho gia đình anh Sang. Rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn”.

Bà Dương Thị Phụng

Rời nhà anh Sang, chúng tôi ghé thăm nhà anh Nguyễn Văn Phiêu (31 tuổi). Cha anh Phiêu qua đời từ khi anh còn rất nhỏ, mẹ đi bước nữa, để anh sống với ông bà nội. Khi trưởng thành, đến tuổi nghĩa vụ, anh Phiêu đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, không có nghề nghiệp nên anh làm thuê, mướn phụ ông bà. Cách đây 2 năm, ông nội không qua nổi cơn bạo bệnh nên nhà chỉ còn 2 bà cháu.

Bà nội anh Phiêu (Dương Thị Phụng, 86 tuổi) đã già yếu, mắt đã mờ, mọi sinh hoạt gần như phải cần đến cháu nội giúp đỡ. Hôm chúng tôi đến thăm, chỉ còn một mình bà Phụng ở nhà, còn anh Phiêu thì từ sáng sớm đã đi tìm kiếm công việc ở đâu đó. Vừa thăm hỏi bà Phụng, chúng tôi vừa thầm cầu mong cho anh Phiêu tìm được việc làm để bữa cơm của 2 bà cháu được đủ đầy hơn.

Trưởng ban Nhân dân ấp Hòa Lợi 1 Dương Ánh Tuyết cho biết: “Gia đình của anh Phiêu rất khó khăn. Người lao động ở nông thôn vốn thu nhập bấp bênh, nay lại trong tình cảnh dịch bệnh kéo dài, thiếu việc làm nên đời sống càng thêm khó khăn. Mặt khác, do phải dành thời gian chăm sóc nội, thời gian ra ngoài làm việc của Phiêu bị hạn chế, thu nhập vô cùng ít ỏi, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc men cho bà”.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi