Thứ hai, 04 Tháng 5 2015 15:08

Đã thành truyền thống, Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” hàng năm bên cạnh việc tôn vinh, biểu dương những tấm lòng nhân ái, những tấm gương NKT, TMC vượt khó vươn lên; còn là địa chỉ nối những nhịp cầu nhân ái, gắn kết những tấm lòng hảo tâm với những địa chỉ nhân đạo. Những cảnh đời mà Chương trình năm nay giới thiệu với khán giả là một số trong rất nhiều gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi đang cần sự chung tay giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng xã hội.

 

Mong một mái nhà che nắng, che mưa

 

Người dân ở tổ 24, khu 1B thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang khi được hỏi về gia đình anh Trương Hùng Toàn đều cảm thấy thương xót cho hoàn cảnh của anh. Là bộ đội ở Campuchia về, anh Toàn không có nghề nghiệp ổn định, trước nay anh làm bốc vác trái cây ở bến xe nuôi vợ và bốn đứa con. Nhà nghèo nên các con của anh cũng không được học hành tử tế. Trong số các con của anh, em Trương Thị Tuyết Minh bị đa tật từ nhỏ: câm, đi lại không vững, lại thường xuyên bị động kinh. Vợ anh, chị Lê Thị Bắc mấy năm nay bị tai biến, không làm được việc nặng, chỉ có thể ở nhà cơm nước và chăm sóc cho con gái.

Do làm việc quá sức trong thời gian dài, từ hơn một năm nay, anh Toàn mắc bệnh lao lực, người gầy yếu, sức khỏe giảm sút không còn khuân vác nặng được nữa. Đã không thể làm ra tiền, lại phải lo các khoản thuốc men nên nhà đã khó lại càng túng bấn. Chi phí sinh hoạt cho cả gia đình 6 người (gồm vợ chồng anh chị, 3 người con và một đứa cháu ngoại) hiện nay chỉ trông chờ vào người con trai lớn Trương Hùng Quang. Nhưng Quang cũng không có nghề ổn định, chỉ đi giao hàng cho các cửa tiệm với thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Ngày nào có việc thì họ gọi, không thì lại ở nhà. Tháng nào nhiều việc thì được khoảng 18 - 20 ngày.

Dia chi giup do gia dinh anh Toan

Ngôi nhà hai bên che chắn tạm bợ, vá víu bằng vỏ cây dừa, bao tải của gia đình anh Toàn

Không có ruộng vườn để canh tác. Tài sản lớn nhất của gia đình anh Toàn là căn nhà rộng 36m2 được Mặt trận tổ quốc xây tặng cách đây đã hơn 20 năm. Nền gạch đã mòn lồi lõm, mái tôn thủng lỗ chỗ, nắng có thể xiên vào tận chỗ ngủ, mưa có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách thậm chí chảy thành dòng trong nhà. Tường phía trước là gạch, tường hai bên che chắn tạm bợ, vá víu bằng vỏ cây dừa, bao tải. Không nghề nghiệp, đau ốm triền miên nên chỉ lo cái ăn cũng đã khó, anh chị không có tiền tích trữ để sửa nhà. Ngày nắng còn có chỗ ra vào, ngày mưa cả gia đình chỉ biết ôm nhau co ro một góc nhà.

Nghĩ về tương lai của các con, anh Toàn chỉ biết thở dài, bởi với khả năng hiện nay của anh chị không biết sẽ xoay sở như thế nào khi tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe ngày càng giảm. Trước mắt, anh chỉ mong làm sao sửa sang căn nhà cho khỏi dột nát để ổn định sức khỏe, làm chỗ dựa cho các con tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

 

Những ước mơ mong được chắp cánh

 

Thiếu vắng bàn tay chăm sóc, yêu thương của cha mẹ, ba đứa trẻ mồ côi được giới thiệu tại chương trình dù ở trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng dường như có chung nỗi niềm băn khoăn, trăn trở....

Đến thăm gia đình em Nguyễn Thị Ngọc Diễm ở phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các nhà hảo tâm đã không cầm nổi nước mắt trước hoàn cảnh của em. Ba mất từ khi Diễm còn nhỏ, một mình mẹ ốm yếu, lại mang tật ở chân vẫn đi phụ quán cơm từ sáng đến tối muộn kiếm tiền lo cho 3 chị em Diễm ăn học. Diễm là chị cả, hiện đang học lớp 7, hai em lần lượt học lớp 5, lớp 3. Sống cùng với bà nội và mẹ con Diễm trong căn nhà 2 gác còn có 5 anh chị là cháu ngoại của bà. Vậy là gia đình 10 người, 2 người lớn và mấy anh chị lớn hơn một chút thì đi làm thuê tối ngày, mấy đứa nhỏ trong đó Diễm là lớn nhất ở nhà tự học cách chăm sóc lẫn nhau. “Em không có tiền để cho chúng học bán trú nên mấy đứa phải học cách tự lập từ rất sớm. Thường buổi sáng em đi làm, hôm nào kịp thì em cắm nồi cơm, chiên trứng sẵn để đấy. Hôm nào không kịp thì tụi nó về tự nấu lấy. Học hành thì đứa lớn kèm đứa nhỏ chứ em cũng không được đi học nhiều nên không giúp gì được”. Mẹ của Diễm chia sẻ.

Dia chi giup do Ngoc Diem

Đoàn công tác của TW Hội và các nhà tài trợ đến thăm tặng quà em Ngọc Diễm

Dù đã 14 tuổi, nhưng do sức khỏe yếu, ăn uống không đủ chất nên Diễm còi cọc hơn rất nhiều so với các bạn cùng tuổi, chỉ hơn 20 kg. Dù vậy, em vẫn luôn là học sinh khá, giỏi của trường THCS Bình Đông. Ước mơ của Diễm là học thật giỏi để sau này có nghề nghiệp ổn định nuôi mẹ, nuôi em.

Cha bắt cướp bị bọn cướp giết, mẹ bỏ đi từ lúc Trà Anh Tuấn (12 tuổi, số 78/1/3A Tôn Thất Thuyết, P.16, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) chưa đầy 1 tuổi. Hai chị em Tuấn và bà nội ở chung với gia đình người chú (có 6 người) trong căn nhà 3 gác diện tích chừng 20m2. Người ta thường bảo “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, nhưng gia đình chú cũng đông người, lại không ai có nghề nghiệp ổn định nên việc bao bọc cho chị em Tuấn thực sự quá sức với chú. Vậy nên, chị gái Tuấn phải bỏ học từ sớm để đi làm tạp vụ phụ bà nội đã ngoài 60 tuổi nuôi em ăn học. Thu nhập của chị cũng bấp bênh nên trang trải sinh hoạt, sách vở cho Tuấn cũng thiếu trước, hụt sau. Mất đi tình yêu thương của cha mẹ, tương lai Tuấn cũng mờ mịt khi không biết sẽ phải nghỉ học lúc nào vì không có tiền đóng học phí. Ước mơ nhỏ nhoi của ba bà cháu là Tuấn được học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định để sau này đỡ khổ cực.

Dia chia giup do em Tra Anh Tuan

Đoàn công tác của TW Hội và các nhà tài trợ đến thăm tặng quà em Tuấn Anh

Đáng thương hơn cả có lẽ là hoàn cảnh của Trương Nguyễn Ngọc Duyên (C8/18 ấp 3 xã Bình Chánh C8/18 ấp 3 xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh). Ngày Duyên cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày mẹ em trút hơi thở cuối cùng vì căn bệnh ung thư phổi. Cha làm thợ hồ, tích cóp nuôi Duyên ăn học và nhặt nhạnh những đồ thừa từ các công trình về dựng lên căn nhà nhỏ che mưa nắng cho con gái và mẹ già. Bất hạnh thay, năm Duyên 9 tuổi thì người cha cũng ra đi vì bệnh não, để lại một mình em với bà nội và căn nhà cha xây dựng trong nhiều năm liền vẫn còn dang dở. Em lớn lên bằng tình yêu thương, đùm bọc của bà nội và bà con cô bác chòm xóm. Bà nội năm nay đã 65 tuổi hàng ngày vẫn phải dậy từ 5 rưỡi sáng để đi phụ rửa bát, dọn dẹp cho quán cơm với thu nhập hơn hai triệu đồng/tháng. Thương bà, ngoài giờ học, Duyên cũng đi làm thêm để phụ bà trang trải cuộc sống. Được Hội Phụ nữ xã Bình Chánh tạo điều kiện, mỗi thứ bảy, chủ nhật em đến phụ cho một cửa hàng liên kết với hội phụ nữ xã và nhận công khoảng 100.000 đồng/ngày. Cuộc sống vất vả, khó khăn, thiếu thốn nhưng Duyên vẫn luôn đặt việc học lên hàng đầu và mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Dia chi giup do Ngoc Duyen

Đoàn công tác của TW Hội và các nhà tài trợ đến thăm tặng quà em Ngọc Duyên

Bốn hoàn cảnh, bốn gia đình được phát sóng trong Chương trình cùng rất nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo khác trên khắp cả nước rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ y tế, giáo dục, việc làm, sinh kế… để vơi bớt khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Trước hoàn cảnh khó khăn của các gia đình trong phóng sự được phát sóng trong Chương trình, Quỹ “Đứa bé - Minh Khang và những người bạn” đã hỗ trợ cho gia đình anh Trương Hùng Toàn 30 triệu đồng để sửa chữa căn nhà đồng thời trao tặng cho các em Trà Anh Tuấn, Trương Nguyễn Ngọc Duyên, Vũ Công Hào và Nguyễn Thị Ngọc Diễm mỗi em một suất học bổng trị giá 10 triệu đồng.

Nguồn:  Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi