Thứ hai, 18 Tháng 7 2016 14:26

Hướng tới thực hiện mục tiêu chung của Đề án 1019, đặc biệt là mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 80% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn, nâng cao năng lực về quản lý, chăm sóc, hỗ trợ, tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác trợ giúp NKT; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lớp tập huấn xây dựng chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

 

Tham dự lớp tập huấn có sự tham gia của 100 cán bộ Hội, hiện là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các huyện, thị Hội và đại diện một số ban, ngành liên quan trong tỉnh. Các học viên đã được truyền đạt những kiến thức về phương pháp xây dựng, lập và thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển Hội nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn nữa công tác trợ giúp đối tượng trong những năm tiếp theo.

 

Phương pháp xây dựng kế hoạch chiến lược

 

Trực tiếp chủ trì và điều hành lớp tập huấn, Chủ tịch tỉnh Hội Thanh Hóa Lê Hồng Lương nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch chiến lược sẽ giúp các cán bộ Hội định hình một khung hành động, qua đó xác định rõ tổ chức muốn đạt được điều gì và có cách thức như thế nào để đạt được điều đó.

 

 

De an - Thanh Hoa 111

Chủ tịch tỉnh Hội Lê Hồng Lương giảng bài tại lớp tập huấn

 

 

Chiến lược là một bản kế hoạch mang tính tổng thể, cung cấp cho tổ chức, cho các cán bộ Hội một bức tranh rộng hơn, định ra phương hướng về những việc mà tổ chức cần làm trong một giai đoạn nhất định. Trong bản kế hoạch chiến lược đó sẽ giúp cho tổ chức, các cán bộ Hội trả lời các câu hỏi như: chúng ta là ai; tổ chức có năng lực gì và có thể làm những việc gì; tổ chức đang phải đối mặt với những vấn đề nào, có thể tạo ra được những thay đổi ra sao; những thách thức mà tổ chức bắt buộc phải giải quyết và có thể huy động nguồn lực từ đâu; những mục tiêu cụ thể của tổ chức; cách thức thực hiện những mục tiêu đó và ai sẽ thực hiện, khi nào thực hiện... Thời hạn của một chiến lược có thể là một kế hoạch trung hạn 2 - 3 năm, dài hơn là 5 - 10 năm hoặc có thể xa hơn, với tầm nhìn từ 15 - 20 năm. Tuy nhiên trong thực tế, loại kế hoạch chiến lược 5 năm là phổ biến nhất đối với một tổ chức xã hội.

 

Qua bài giảng, các học viên đã hiểu được kế hoạch chiến lược được ví như chiếc la bàn trong hành trình phát triển của tổ chức. Một tổ chức có chiến lược rõ ràng sẽ luôn chủ động trong việc thiết kế và thực hiện các hoạt động cụ thể hướng đến những mục tiêu và đích đến. Các kết quả thu được sẽ tập trung hơn, có tác động qua lại với nhau trong một hệ thống có tính toán khoa học và logic để đạt được tôn chỉ mục đích và hoàn thành vai trò xã hội của mình. Một tổ chức không có chiến lược rõ ràng sẽ dễ rơi vào trạng thái “mất phương hướng”, luôn thụ động và không rõ nên làm gì và tổ chức thực hiện như thế nào cũng như không biết sẽ huy động nguồn lực ở đâu.

 

Các bước lập kế hoạch chiến lược

 

Với những tính chất và đặc điểm về phương pháp xây dựng kế hoạch chiến lược thì việc lập kế hoạch chiến lược cần theo 5 bước, gồm: Tìm hiểu bối cảnh và thu thập thông tin liên quan đến tổ chức; phân tích vị trí của tổ chức hiện tại trong mối quan hệ với môi trường: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; xây dựng tầm nhìn, giá trị cốt lõi và sứ mệnh của tổ chức; xây dựng mục tiêu, chiến lược và dự kiến các kết quả cần đạt được; xây dựng khung tổ chức thực hiện gồm giải pháp và lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ, phân bổ kinh phí; xây dựng khung giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch chiến lược.

 

Các tổ chức, cán bộ Hội cũng có thể thu thập các thông tin và đánh giá thực trạng về tổ chức, xác định những vấn đề mà tổ chức cần giải quyết; phân tích và xác định các yếu tố từ môi trường bên ngoài có gì thuận lợi, khó khăn đối với tổ chức, cùng thảo luận về những yếu tố nội tại để chỉ rõ những tiềm lực tổ chức đang có; dựa trên phân tích bối cảnh, nhu cầu của xã hội và tôn chỉ mục đích của tổ chức để đề ra đích đến sau cùng mà tổ chức muốn đạt được, những đặc điểm, nguyên tắc nào sẽ giúp tổ chức có hình ảnh và sự cảm nhận đặc biệt từ cộng đồng; dựa trên những tầm nhìn mà tổ chức muốn đạt được và căn cứ vào việc phân tích các yếu tố bên trong, bên ngoài của tổ chức để xác định mục tiêu cụ thể, lựa chọn giải pháp thực hiện và ai sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện giải pháp, kinh phí lấy từ đâu, tiến độ thực hiện được theo dõi đánh giá như thế nào là những yêu cầu cần nắm rõ khi lập kế hoạch cụ thể theo từng bước.

 

De an - Thanh Hoa 211

Nhóm học viên thảo luận về vấn đề xây dựng nguồn lực giúp đỡ NKT

 

Các học viên tham dự tập huấn cũng được hướng dẫn cách lập kế hoạch chiến lược thông thường của một tổ chức, trong đó phải giới thiệu tổ chức về lịch sử hình thành và phát triển, tôn chỉ mục đích, các hoạt động đã thực hiện và cần đưa ra một số thành tựu chính, những vấn đề mà tổ chức đang quan tâm hoặc phải đối mặt. Về định hướng, mục tiêu chiến lược phải nêu rõ sứ mệnh, giá trị cốt lõi, tầm nhìn chiến lược và đưa ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể.

 

Chủ tịch tỉnh Hội Lê Hồng Lương cũng nhấn mạnh, cần xây dựng tổ chức Hội đủ sức thực hiện quyền của NKT, đào tạo đội ngũ hội viên có đủ năng lực, điều kiện để hòa nhập xã hội, các kiến nghị của Hội về tiếp cận dịch vụ xã hội cho NKT được các cơ quan Nhà nước thực hiện và phát triển quỹ hội. Một số dẫn chứng về giải pháp chiến lược can thiệp trên địa bàn tỉnh cũng được nêu ra như: hoàn chỉnh xây dựng tổ chức thành viên cấp xã, các Câu lạc bộ theo giới tính, độ tuổi, bệnh tật, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội qua các buổi tập huấn, hội thảo; tất cả NKT đều được cấp giấy xác nhận khuyết tật, được thông tin, tư vấn về Luật, chế độ chính sách có liên quan đến NKT, tạo điều kiện cho hội viên hiểu được các quyền cơ bản theo Luật NKT và Công ước Quốc tế về quyền của NKT, NKT tật được tham gia tại các cuộc họp ở phố, thôn, bản. Kiến nghị ngành y tế có các trang thiết bị để khám và điều trị cho NKT tại các cơ sở y tế; ngành giao thông xây dựng đường tiếp cận tại các công trình công cộng phù hợp để tạo điều kiện cho NKT đi lại thuận tiện, dễ dàng, ngành giáo dục tổ chức các lớp xóa mù chữ cho NKT; vận động sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong huyện, tỉnh, ngoài tỉnh chủ động, sáng tạo, tìm kiếm các dự án hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

 

Tổ chức thực hiện kế hoạch chiến lược

 

Các học viên lớp tập huấn đã được cung cấp những kiến thức khá cụ thể về việc tổ chức thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển Hội. Theo đó, đối với cấp huyện Hội, cần tiến hành giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án do các tổ chức, nhà hảo tâm đầu tư; nghiên cứu các thông tin về hoạt động của Hội để cung cấp cho các nhà đầu tư về tác động, ảnh hưởng của các đơn vị tham gia dự án; tham mưu đề xuất với lãnh đạo huyện ban hành các văn bản chỉ đạo thành lập các Câu lạc bộ, các nhóm tự lực và các văn bản kêu gọi vận động xây dựng quỹ Hội; phối hợp với các phòng ban, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện để phối hợp thực hiện các chế độ chính sách cho NKT; giám sát phản biện và đề nghị các cấp có thẩm quyền thực hiện tốt chính sách pháp luật về NKT.

 

Đối với các đơn vị thành viên gồm Hội cấp xã, huyện Hội, các CLB cần nắm chắc số liệu về NKT, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng kế hoạch hoạt động ngắn hạn theo kế hoạch chiến lược của huyện Hội; tổ chức vận động chính sách, vận động nguồn lực; sơ kết, tổng kết hàng năm.

 

Qua lớp tập huấn, các học viên đã có cơ hội trao đổi, thảo luận để biến những kiến thức mang tính lý luận trở nên gần gũi và thực tiễn hơn qua những kinh nghiệm hoạt động trợ giúp đối tượng mà các cấp Hội đã và đang thực hiện. Thông qua những đợt tập huấn này, đội ngũ cán bộ Hội cấp huyện, thị của tỉnh Thanh Hóa đã được tiếp thu những kiến thức mới, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ, tổ chức công tác trợ giúp NKT, TMC và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương; củng cố và phát triển Hội trong thời gian tới.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi