Thứ ba, 29 Tháng 3 2016 10:21
Chiều 24.3, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức họp báo về Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V.

30% đại biểu người khuyết tật tham dự Hội nghị có trình độ đại học trở lên

X1
Ảnh minh họa

Theo đó, Hội nghị sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội vào ngày 08.04 tới đây tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Hội nghị được tổ chức 3 năm một lần do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày người khuyết tật (18.4). Hội nghị nhằm ghi nhận, biểu dương người khuyết tật (NKT) nỗ lực vượt khó đạt thành tích trên nhiều lĩnh vực, khích lệ trẻ mồ côi (TMC) tiếp tục phấn đấu vươn lên trong học tập, cuộc sống, tôn vinh người bảo trợ, những tấm lòng vì cộng đồng, những người luôn sống yêu thương và chia sẻ.

Đáng chú ý, lần này, có khoảng 30% đại biểu NKT tham dự Hội nghị có trình độ đại học trở lên. Đây là một con số đầy ấn tượng và đáng tự hào về thành tích của những người mang trong mình khiếm khuyết nhưng tinh thần và nghị lực của họ là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

X2
Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu tại họp báo

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Khác với những nhận định của 5-10 năm trước đây đánh giá về tình hình NKT là trình độ văn hóa thấp, ít có cơ hội đến trường, không có điều kiện học lên cao thì hình ảnh của NKT tại Hội nghị còn cho thấy họ là người tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, cũng như quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê của mình. Họ không chỉ giỏi lao động sản xuất, học tập, văn hóa, thể thao mà còn giỏi trong lĩnh vực quản lý, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở, gây dựng được thương hiệu của riêng mình.

Đặc biệt Hội nghị có sự hội tụ hình ảnh của NKT là công chức, viên chức nhà nước, là đảng viên. Đó là chị Thạch Thị Dân (Trà Vinh), dân tộc Khơme, khuyết tật chân, Đại biểu quốc hội khóa XII, XIII, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh; anh Nguyễn Thanh Lâm (Bình Thuận), cụt 2 tay, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, cán bộ tư pháp UBND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Cao Bằng), dân tộc Tày, khuyết tật chân, tốt nghiệp Học viện tài chính, Giám đốc BHXH Cao Bằng; chị Y Lợi (Kon Tum), dân tộc Sơ Drá, vẹo cột sống, cán bộ UBND xã Ngọc Wang; chị Nguyễn Thị Hương (Bình Phước), liệt chân, tốt nghiệp ĐH Kinh tế luật, chuyên viên UBMTTQ thị xã Phước Long; chị Ngô Thị Tuyết Giao (Hậu Giang), khuyết tật chân, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, ĐH Cần Thơ, hiện làm việc tại Trung tâm thông tin và ứng dụng KHCN thuộc Sở KHCN Hậu Giang....

Trong số nhiều gương mặt tiêu biểu sẽ tham dự Hội nghị lần này, chị Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1978, Hà Nội)- người được biết đến là một trí thức, một người lãnh đạo, giỏi tiếng Anh, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền của NKT. Chị không may mắc bệnh xương thủy tinh từ nhỏ. Năm lên 8 tuổi, chị mới vào lớp 1. Suốt nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội, Lan Anh tiếp tục hoàn thành bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế và Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội.

X3(1)
Chị Lan Anh- một đại biểu xuất sắc của những người khuyết tật

Nhận thấy rằng nhiệm vụ của mình là hỗ trợ để NKT được sống trong một xã hội không có rào cản, chị đã cùng các đồng nghiệp thành lập Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC năm 2011. Lan Anh vừa tốt nghiệp khóa học đặc biệt về Lãnh đạo, quản lý và quản trị do trường Đại học Yale, Hoa Kỳ giảng dạy, cũng như các khóa học ngắn hạn tại Mỹ, Châu Âu và Châu úc về quyền của NKT. Hiện chị là Giám đốc Trung tâm ACDC, có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, tư vấn pháp luật miễn phí cho NKT...

Lan Anh chia sẻ: "Tôi đã chờ đợi rất lâu để được có vinh dự tham gia Hội nghị lần này. Đây là vinh dự lớn của tôi. Người khuyết tật như chúng tôi có vô vàn khó khăn, rất nhiều rào cản từ chính bản thân mình, nhiều người không dám bước ra ngoài xã hội. Họ rất cần được hỗ trợ không chỉ về vật chất mà quan trọng hơn là về tri thức nữa".

Anh Nguyễn Tuấn Linh (SN 1976, Hà Nội)- một người khiếm thính, cũng là một nhân vật có nhiều nỗ lực đáng được ghi nhận. Là người đầu tiên ở phía Bắc có trình độ Cao đẳng, anh càng thấy rõ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng của người điếc trong việc dẫn dắt họ đi lên hòa nhập, nâng cao trình độ. Năm 2014 anh được bầu là Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội. Anh cũng thường xuyên được mời đi dự các Hội nghị quốc tế để giao lưu, học hỏi, tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo cho người điếc.

Hàng trăm NKT, TMC và người bảo trợ sẽ được vinh danh

X4(1)
Anh Nguyễn Tuấn Linh là một tấm gương người khuyết tật tiêu biểu

Ở trẻ mồ côi, lâm vào tình trạng ngặt nghèo, đa số đại biểu là mồ côi cả cha và mẹ, em thì sống với cố ngoại mù lòa 98 tuổi, cháu dựa vào cố, cố dựa vào cháu (Trần Nhật Duy - Thanh Hóa); em thì chị gái nuôi, một buổi lên giảng đường, một buổi chạy bồi bàn, phát tờ rơi (Nguyễn Chấp Dương - Thái Bình); em thì ở với anh trai, vừa đi học vừa bán vé số nuôi thân và nuôi cả con của chị gái (Nguyễn Thị Kim Anh - Vĩnh Long).... nhưng, nuốt nước mắt vào trong, các em nỗ lực từng ngày từng giờ, quyết không bỏ học, không rời giảng đường, bởi các em nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có tri thức và học vấn mới giúp các em thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận để có một tương lai tốt đẹp hơn, sau này không chỉ tự lập mà còn giúp nhiều người khó khăn.

Đồng cảm với những mảnh đời, những con người chịu nhiều thiệt thòi ấy, đã có rất nhiều tấm lòng, những trái tim nhân ái, yêu thương đùm bọc, sẻ chia, đồng hành cùng NKT, TMC, người có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền đất nước. Họ làm việc thiện chẳng mong điều gì lớn lao, mà đơn giản xuất phát từ tấm chân tình, như bà Nguyễn Thị Thiện (Bến Tre) chia sẻ: "Tôi chẳng giàu có hơn ai, nhưng có thể giúp người khổ hơn mình", hay như quan niệm của ông Phan Công Bình (Long An): "Đã là doanh nhân thành đạt thì càng phải có trách nhiệm với cộng đồng"... Những người bảo trợ ấy đã vận động quyên góp từ gia đình mình, bà con lối xóm đến các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để có những cân gạo, căn nhà, suất học bổng, ca phẫu thuật... trợ giúp người nghèo khó.

Tham dự Hội nghị lần này có 388 đại biểu được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành và một số trường học, đơn vị, doanh nghiệp ở Trung ương. Trong đó có 212 NKT, 83 TMC, 93 người bảo trợ(có 170 đại biểu nữ, 56 đại biểu người dân tộc, 50 đại biểu tôn giáo).

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị sẽ diễn ra Chương trình giao lưu "Một trái tim - Một thế giới" lần thứ XIII được truyền hình trực tiếp trên VTV2 lúc 20h30 ngày 7.4.2016. Đây là chương trình thường niên nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về các vấn đề của NKT, biểu dương những tấm gương vượt khó, tri ân các tấm lòng người bảo trợ, đồng thời vận động quyên góp ủng hộ Qũy Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam để triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT, TMC trên cả nước.

Chương trình năm nay sẽ có các phóng sự, giao lưu với các đại biểu tiêu biểu dự hội nghị như: chị Nguyễn Thị Phóng, người khiếm thị ở Vĩnh Long, 30 tuổi thi đậu ngành nhạc dân tộc, lớp đàn tranh, Trường sân khấu điện ảnh TP.HCM, Huy chương vàng đờn ca tài tử TP.HCM, giải B Liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc; anh Đỗ Văn Hải ở Bắc Giang, bị cụt tay phải, bàn tay trái co quắp, 22 năm tự sản xuất nông nghiệp đạt thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Chí Trung (Phú Thọ), liệt tay chân, ngồi xe lăn, không một ngày đến trường vẫn say mê nghiên cứu lịch sử, ước mơ góp phần truyền cảm hứng yêu thích lịch sử Việt Nam cho giới trẻ; em Nguyễn Minh Trí (An Giang), cụt 2 tay bẩm sinh, học tập và làm mọi việc bằng chân, vẫn trở thành sinh viên CNTT Trường ĐH An Giang; anh Hoàng Văn Thịnh (Nghệ An), thấu hiểu và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, anh đã quyết định chia sẻ phần tài sản gia đình để xây dựng Cơ sở BTXH Thiện Tâm, hiện nuôi dưỡng 73 NKT, TMC, người già cô đơn...

"Với người bảo trợ, ở đâu có hoàn cảnh khó khăn là họ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tình thương và trách nhiệm là động lực thôi thúc họ lựa chọn con đường làm việc thiện. Với người khuyết tật, họ có mặt ở khắp mọi miền đất nước, đóng góp trên mọi lĩnh vực: lao động sản xuất, công nghệ thông tin, văn hóa thể thao, kinh tế, giáo dục, khoa học.... Tuy bị khiếm khuyết, nhưng như sự bù khuyết của cuộc sống, với tất cả khả năng còn lại, họ đã lao động, học tập, cống hiến, để khẳng định giá trị bản thân, tạo dựng cuộc sống cho mình và cho nhiều người đồng cảnh. Với trẻ mồ côi, các em đã tự ý thức được hoàn cảnh của bản thân, nỗ lực, cố gắng hơn bạn bè đồng trang lứa, không chỉ học giỏi, các em còn sớm tự lập, trưởng thành hơn. Những gương mặt về dự Hội nghị đều mang tính tiêu biểu, điển hình và đầy xúc động của phong trào thi đua yêu nước"- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam chia sẻ.

Năm 2015, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã trợ giúp trực tiếp cho 2,6 lượt NKT, TMC với kinh phí hơn 420 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ dịch vụ y tế cho gần 400 nghìn lượt người; tặng gần 11 nghìn xe lăn cho NKT, 4 nghìn xe đạp cho học sinh mồ côi; trợ cấp thường xuyên cho gần 450 nghìn lượt người; tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế cho hơn 5 nghìn lượt người..

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE người khuyết tật , và trẻ mồ côi , Hà Nội

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi