Thứ hai, 28 Tháng 9 2015 11:32

Được sự hỗ trợ của tổ chức Good Neighbors Interna In Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức tập huấn cho 35 cán bộ Hội cấp cơ sở và chi Hội Bảo vệ Quyền trẻ em làm công tác chuyên trách Hội cấp huyện về Bảo vệ trẻ em. Lớp tập huấn được triển khai nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các cán bộ Hội về hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, nắm bắt các hình thức xâm hại trẻ em và một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em hiện nay.

 

Lồng ghép tuyên tryền luật, chính sách bảo vệ trẻ em

 

Tại buổi tập huấn, ông Lê Hồng Lương - Chủ tịch tỉnh Hội Thanh Hoá đã giới thiệu những chương trình, hoạt động của Hội trong thời gian qua, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các hoạt động trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật, mồ côi. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp thực hiện tốt các kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh về triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em như phối hợp cùng Liên chi Hội Bảo vệ quyền trẻ em và cứu trợ trẻ khuyết tật, mồ côi tổ chức lồng ghép đưa nội dung tuyên truyền luật, chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em vào các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở làm CTXH; gắn nội dung cơ bản quyền trẻ em vào các diễn đàn, giao lưu gặp mặt, trao học bổng, tặng quà, hỗ trợ phương tiện xe đạp, xe lăn cho trẻ khuyết tật, mồ côi nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho trẻ em

 

CTXH Thanh Hoa 1

Lớp tập huấn bảo vệ trẻ em cho các cán bộ Hội cơ sở tỉnh Thanh Hóa

 

Những năm qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, cũng như bám sát thực hiện các chương trình của Trung ương Hội, tỉnh Hội đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng xã hội về bảo vệ trẻ em, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện và hành vi có nguy cơ xâm hại trẻ em. Ông Lương cho biết, hiện tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh đã giảm xuống dưới 4%, trẻ khuyết tật, mồ côi nghèo được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng đạt 95%.

 

Tuy nhiên hiện nay, công tác bảo vệ trẻ em ở một số xã, phường vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tại một số địa phương, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn quá khiêm tốn, trong khi việc huy động nguồn lực trợ giúp cho hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện các quyền của trẻ em nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính hình thức, tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng, xâm hại vẫn có chiều hướng gia tăng do nhận thức của cha mẹ, gia đình, xã hội đối với việc bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa cao, việc hỗ trợ của các gia đình trong chăm nuôi đỡ đầu trẻ có hoàn cảnh đặc biệt còn chưa được phổ biến rộng rãi, các kỹ năng tư vấn tâm lý xã hội, kỹ năng ứng xử, kết nối các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế.

 

Để tiếp tục góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, trong thời gian tới tỉnh Hội sẽ tham gia cùng với Trung ương Hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong việc xây dựng chính sách trợ giúp trẻ khuyết tật, mồ côi và sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

 

Nâng cao hiểu biết luật, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội

 

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được trang bị kiến thức về hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, các hình thức xâm hại trẻ em và một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em hiện nay; phân biệt khái niệm trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em, các dịch vụ bảo vệ trẻ em, đòi hỏi phải tổ chức và đáp ứng yêu cầu ở 3 cấp độ: Phòng ngừa; phát hiện, can thiệp sớm; can thiệp, trợ giúp phục hồi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại.

 

CTXH Thanh Hoa 2

Một nhóm học viên tham gia thảo luận tại lớp tập huấn

 

Học viên tham gia lớp tập huấn đã hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức và vai trò của hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp xã, huyện, tỉnh gồm Ban Bảo vệ trẻ em, cộng tác viên, nhóm trẻ em nòng cốt và nhiệm vụ của các điểm CTXH ở cộng đồng, trường học, bệnh viện. Một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ trẻ em như Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Nghị định 36/2004/NĐ-CP, Luật Hình sự, Luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh hòa giải, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật Lao động cũng được đưa vào bài giảng tại lớp tập huấn.

 

Các học viên đã tham gia thảo luận sôi nổi theo nhóm, nêu lên các vấn đề, thực trạng về trẻ em, trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương, tìm ra nguyên nhân, đề ra các giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm nhằm giải quyết những khó khăn, tồn tại của hoạt động CTXH trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, góp phần thực hiện công tác bảo vệ trẻ em ngày càng tốt hơn và tiến tới hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em các cấp cơ sở.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi