Cùng với việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng yếu thế trong xã hội, từ cuối năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật. Để các điều khoản của Công ước cũng như các chính sách của Nhà nước từng bước đi vào thực tế, đảm bảo quyền của nhóm đối tượng trên là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có các tổ chức thành viên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Phóng viên Tạp chí Người Bảo trợ đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Ngọc Bỉnh - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết một số nét khái quát về Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long?
Ông Ngô Ngọc Bỉnh: Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long được thành lập trên cơ sở sát nhập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, năm 2010. Những năm qua Hội đã hoạt động ngày càng có hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hỗ trợ điều trị bệnh cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trong tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2014, các cấp Hội bảo trợ trong tỉnh đã vận động được gần 65 tỷ đồng, trợ giúp cho 412.288 lượt người đặc biệt khó khăn được hưởng lợi.
Phóng viên: Cùng với nhiều chính sách BTXH được ban hành, mới đây Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật. Theo ông, việc đảm bảo quyền của người khuyết tật cũng như trẻ mồ côi và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội có ý nghĩa như thế nào?
Ông Ngô Ngọc Bỉnh: Đối tượng của Hội là những người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo - những người khổ nhất trong xã hội. Họ là công dân Việt Nam, họ có quyền hưởng đầy đủ các quyền như những công dân khác đồng thời có những quyền riêng do Nhà nước quy định, quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên do những bất cập về chính sách, hạn chế về nhận thức xã hội nên nhiều nội dung quyền của nhóm đối tượng này hiện đang bị bỏ ngỏ. Vai trò của tổ chức Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi nói chung và Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long nói riêng là phải làm thế nào để góp phần tích cực, có hiệu quả để các đối tượng được hưởng đầy đủ quyền cũng như những chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho họ.
Trên cơ sở tôn chỉ, mục đích của Hội, thời gian qua, tỉnh Hội Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động thiết thực bảo trợ, giúp đỡ nâng cao đời sống của các đối tượng như: trợ giúp y tế, giúp phương tiện đi lại, cải thiện điều kiện sinh hoạt, sinh kế, dạy nghề... Gần đây, Hội cũng phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện chế độ chính sách cho đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo trong toàn tỉnh. Trên cơ sở những số liệu tổng hợp được, chúng tôi xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp.
Phóng viên: Ông có thể cho biết rõ hơn về các hoạt động này?
Ông Ngô Ngọc Bỉnh: Với người khuyết tật còn khả năng lao động, Hội tìm cách để họ phát huy sức lao động của mình, có việc làm và thu nhập thông qua việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại địa phương. Riêng năm 2014, Hội đã phối hợp với Trung tâm khuyến công của tỉnh, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ - cơ sở đan sợi nylon Thanh Thanh (xã Long Phước, huyện Long Hồ), tổ chức thành công 02 lớp dạy nghề cho 69 đối tượng là người khuyết tật và hộ gia đình người khuyết tật. Sau học nghề, 100% được tạo việc làm. Ngoài ra còn rất nhiều mô hình đào tạo nghề, trợ giúp vốn sinh kế cho người khuyết tật tại địa phương như: người khuyết tật dạy nghề cho người khuyết tật, gia công đan thảm lục bình, tách hạt điều, vốn mua bán vé số, mua bán nhỏ, chăn nuôi... đã tạo việc làm tại chỗ cho các đối tượng rất hiệu quả với khoảng 1.500 người được hưởng lợi.
Với đối tượng khó khăn về sinh hoạt, Hội trợ giúp họ phương tiện cần thiết như nhà ở, xe lăn, xe lắc, xe đạp, và mới đây là chương trình xây dựng cầu vệ sinh tự hoại cho những người khuyết tật nặng. Với người khuyết tật đặc biệt nặng, không đi ra ngoài được, Hội tổ chức vận động y, bác sĩ đến khám bệnh cho họ ngay tại gia đình.
Phóng viên: Việc xây dựng công trình vệ sinh cho người khuyết tật đã được nhiều tỉnh thành Hội triển khai và Vĩnh Long chọn hình thức cầu vệ sinh tự hoại. Lý do nào để tỉnh Hội triển khai mô hình này, thưa ông?
Ông Ngô Ngọc Bỉnh: Cũng trong quá trình hoạt động, các cấp Hội, đặc biệt là cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) đã phát hiện tại địa phương còn hơn 1.000 người khuyết tật đặc biệt nặng, họ là những người mù cả 2 mắt, thương tật, bại liệt cả đôi chân không tự đi lại được, rất khó khăn trong sinh hoạt cá nhân. Họ rất cần phương tiện vệ sinh cá nhân, nhất là cầu vệ sinh tự hoại trong nhà để tiện trong sinh hoạt, nhưng do gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo không đủ khả năng xây dựng. Trong khi đây cũng là một trong những quyền cơ bản của họ.
Trước tình hình trên, Hội chủ trương mở đợt vận động trong cộng đồng xã hội giúp cho tất cả đối tượng này có công trình cầu vệ sinh tự hoại trong nhà. Chi phí cho mỗi công trình khoảng 5-6 triệu đồng được trích từ nguồn mà các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong ngoài tỉnh, trong ngoài nước, các chức sắc tôn giáo và cộng đồng xã hội cùng đồng hành với chương trình, tham gia ủng hộ, đóng góp. Theo khảo sát ban đầu của Hội có khoảng 500 người có nhu cầu, Hội phấn đấu trong năm 2015 sẽ hoàn thành chương trình này.
Phóng viên: Trong quá trình hoạt động của Hội, theo ông, những vấn đề nào liên quan đến đảm bảo quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo vẫn còn vướng mắc? Vai trò của tổ chức Hội trong việc giải quyết các vấn đề này là gì?
Ông Ngô Ngọc Bỉnh: Qua thực tế khảo sát và tổ chức các hoạt động trợ giúp, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều đối tượng chưa tiếp cận được với các chế độ, chính sách xã hội của Nhà nước cũng như được thụ hưởng các quyền của mình một cách đảm bảo. Việc hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ chính sách cho người khuyết tật, người nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ còn chậm trễ. Nhiều người khuyết tật vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, nhiều đối tượng đã được Hội đồng xét duyệt mức độ khuyết tật địa phương đồng ý bổ sung hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định nhưng chưa được thụ hưởng, có người bị bỏ sót chế độ về y tế, mai táng phí... Ngoài ra, việc thực hiện chính sách đối với người nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và người chăm sóc trẻ mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng hiện nay còn nhiều bất cập cần được nghiên cứu, giải quyết.
Vai trò của tổ chức Hội trong những trường hợp này cần phải nắm bắt được chủ trương, chính sách của Nhà nước, trở thành nhân tố tác động, đề xuất các cấp để các cấp ủy ban chỉ đạo, quan tâm hơn đến vấn đề của đối tượng. Để thực hiện được điều này phải củng cố tổ chức Hội cơ sở thật vững mạnh.
Thuận lợi là tỉnh Hội Vĩnh Long đã có Hội cơ sở hình thành ở 100% huyện, xã, các đơn vị đều hoạt động rất tích cực, đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo trợ, chăm sóc và đảm bảo quyền cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trong tỉnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Tỉnh Hội Hà Tĩnh: Bế giảng lớp dạy nghề trồng rừng và chăm sóc rừng cho NKT-TMC - 07/05/2015 03:48
- Tỉnh Hội Quảng Trị: Tặng quà cho người khuyết tật 210 triệu đồng - 07/05/2015 03:44
- Trung ương Hội: Trao 40 suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, mồ côi - 07/05/2015 03:25
- 16 tỷ đồng ủng hộ người khuyết tật từ “Một trái tim-Một thế giới” - 18/04/2015 12:33
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thông báo - 15/04/2015 12:59
Các tin khác
- Xây dựng hệ thống chi trả trợ cấp xã hội hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch - 01/04/2015 05:41
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - 01/04/2015 02:08
- Tỉnh Hội Vĩnh Long: 3 tháng đầu năm hỗ trợ trên 14,5 tỷ đồng cho đối tượng - 01/04/2015 02:06
- Tỉnh Hội Khánh Hòa: Phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 63 người khuyết tật - 01/04/2015 02:04
- Tỉnh Hội Trà Vinh: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo - 01/04/2015 02:02