Thứ tư, 01 Tháng 4 2015 12:41

Tháng 8/2014, Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (Dự án SASSP) được khởi động với mục tiêu xây dựng một hệ thống quản lý và triển khai hiện đại các chương trình trợ giúp xã hội để hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu cho mọi người và góp phần giảm nghèo bền vững.


Dự án được tiến hành từ 2014 đến 2019 với những sáng kiến đổi mới công tác quản lý và cung cấp dịch vụ được thực hiện thí điểm tại bốn tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh, tiến tới việc áp dụng toàn quốc. Đây là sản phẩm của sự hợp tác đối tác giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) và Ngân hàng Thế giới. Khoản tín dụng trị giá 60 triệu đô la Mỹ cho Dự án do Hiệp hội Phát triển quốc tế, nguồn tài chính của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho những nước có mức thu nhập thấp, cấp. Sau năm đầu tiên thực hiện, đến nay, Dự án đã hoàn thành nhiều hoạt động theo các Hợp phần đã được phê duyệt.

 

Dự án SASSP cũng nhấn mạnh tới vai trò của hệ thống trợ giúp xã hội trong việc tạo điều kiện cho trẻ em nghèo thay đổi cuộc sống

 

Xây dựng một hệ thống trợ giúp xã hội tích hợp, hiện đại


Trong thời gian qua, mặc dù còn là một nước nghèo nhưng Chính phủ liên tục bổ sung các chính sách trợ giúp xã hội, tạo điều kiện để Việt Nam sớm hoàn thành nhiều chỉ tiêu thiên niên kỷ, trong đó có chỉ tiêu về giảm nghèo. Tuy nhiên do sự tồn tại đồng thời của nhiều chính sách trợ giúp xã hội đã tạo ra gánh nặng cho hệ thống quản lý, gây ra một số khó khăn cho đối tượng thụ hưởng và dẫn đến làm giảm hiệu quả của chính sách.. Vì vậy, Dự án SASSP sẽ giúp xây dựng một hệ thống trợ giúp xã hội tích hợp, hiện đại tạo nền tảng vững chắc cho việc cung cấp trợ giúp xã hội lâu dài.


Theo quy trình, Dự án bao gồm 2 hợp phần chính: Hỗ trợ tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội, giảm nghèo và Hỗ trợ khởi động chương trình trợ giúp xã hội hợp nhất. SASSP sẽ tích hợp các cơ sở dự liệu hiện có về hộ nghèo và cận nghèo và các đối tượng trợ giúp xã hội thành một cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho việc tích hợp các chương trình và cải thiện hiệu quả chi tiêu công cho trợ giúp xã hội. Tại bốn tỉnh thí điểm, Dự án sẽ thử nghiệm một Chương trình hỗ trợ tiền mặt tăng cường và hợp nhất thông qua việc tích hợp các khoản trợ giúp tiền mặt từ các chính sách hiện hành và bổ sung một số đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo thành một "gói trợ giúp gia đình" nhằm đảm bảo an ninh thu nhập về lâu dài cho hộ nghèo. Chương trình này sẽ được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý và chi trả cải tiến.


Tại bốn tỉnh thí điểm của Dự án, các gia đình nghèo có trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ nhận được các khoản trợ giúp và được tư vấn về kỹ năng làm cha mẹ một cách kịp thời và dễ tiếp cận; các cán bộ xã hội ở địa phương sẽ được hưởng lợi thông qua việc đơn giảm hóa các quy trình và do vậy khối lượng công việc được giảm nhẹ; các nhà quản lý chương trình tại Trung ương và địa phương sẽ được nâng cao năng lực giám sát việc thực hiện chương trình và năng lực hỗ trợ hoạch định chính sách.


SASSP phối hợp với Bưu điện Việt Nam thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi ở 4 tỉnh thí điểm trong vòng 3 năm với tiêu chí chung tay xây dựng, phát triển hệ thống chi trả trợ cấp xã hội an toàn, hiện đại, chuyên nghiệp. Cơ chế chi trả mới được kết nối với hệ thống thông tin quản lý (MIS) do Ban Quản lý Dự án Trung ương thiết lập. Hệ thống chi trả mới đảm bảo nâng cao được hiệu quả và tính chính xác trong việc xác định danh tính người nhận trợ cấp; kiểm tra kịp thời công tác chi trả của cơ quan chi trả và giảm bớt sự tốn kém về thời gian đi lại và chi phí cho người dân; trả đúng đối tượng, đủ về số lượng, trả đúng thời điểm; và tách bạch rõ công tác xác định, quản lý đối tượng với công tác chi trả để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao.

 

Hoàn thành nhiều hoạt động của Dự án


Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án SASSP, năm 2014 là năm đầu tiên triển khai Dự án với khối lượng công việc lớn và yêu cầu về tiến độ gấp, từ việc phối hợp với Nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới) trong việc chuẩn bị, xây dựng văn kiện dự án trình Bộ Lao động - TBXH thẩm định, phê duyệt; lập và trình Bộ phê duyệt kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết hàng năm; thiết kế, dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu; tổ chức đấu thầu, giải ngân... đến việc tham mưu giúp Bộ và các cơ quan cấp trên trong việc chuẩn bị, thẩm định và ký kết Hiệp định tài trợ.


Sau năm đầu tiên thực hiện, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp với Nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các đơn vị, chuyên gia tư vấn và các nhà thầu để hoàn thành nhiều hoạt động của Dự án theo các Hợp phần đã được phê duyệt trong văn kiện Dự án. Trong đó có hợp phần Hỗ trợ tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội và giảm nghèo gồm 4 tiểu hợp phần: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) và hệ thống Thông tin quản lý (MIS) tích hợp cho các chính sách trợ giúp xã hội; Xây dựng mạng lưới cộng tác viên chương trình và hỗ trợ các hoạt động truyền thông vì sự phát triển (C4D); Xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin khiếu nại, tố cáo; Xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá (M&E), báo cáo và hỗ trợ xây dựng chính sách.


Đối với Hợp phần 2 (Hỗ trợ chương trình Trợ giúp xã hội hợp nhất) đã thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi của dự án, bao gồm gói hỗ trợ gia đình của chương trình "Tạo cơ hội" và các đối tượng thủ hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định 136 ở 4 tỉnh của Dự án (bắt đầu triển khai từ 1/7/2015) và thanh toán phí cho cơ quan chi trả độc lập... Đến nay Ban Quản lý Dự án đã thống nhất với Bưu điện về mức phí chi trả cho từng tỉnh và đang trình Bộ Lao động – TBXH phê duyệt, ký hợp đồng với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để triển khai thực hiện hợp phần này... Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Với mạng lưới rộng khắp phủ kín 100% xã, phường trên phạm vi toàn quốc, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa, cùng đội ngũ nhân viên chi trả chuyên nghiệp, dịch vụ được chuẩn hóa về quy trình. Đặc biệt với kinh nghiệm trong việc triển khai dịch vụ tương đồng là chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, chắc chắn khi tham gia Dự án "Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam", Bưu điện Việt Nam sẽ hoàn thành tốt việc chi trả gói trợ giúp xã hội".


Có thể nói, Dự án SASSP là một cơ hội để Việt Nam cải thiện được những bất cập trong công tác chi trả trợ cấp xã hội đồng thời giúp tăng cường, nâng cao hệ thống trợ giúp xã hội. Là Dự án mới về thực hiện chính sách an sinh xã hội nên vẫn còn có những khó khăn nhất định trong bước đầu triển khai, đòi hỏi sự tham gia chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ tham gia Dự án, sự nâng cao về nhận thức của người dân và các đối tượng thụ hưởng... nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống chi trả trợ cấp xã hội hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch tại Việt Nam.


(Theo molisa.gov.vn)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi