Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội (CTXH) Bến Tre có chức năng thực hiện các hoạt động như tư vấn, tham vấn, kết nối hỗ trợ các trường hợp có vấn đề cần trợ giúp: trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân của bạo lực gia đình, người nhiễm HIV/AIDS.... tổ chức đào tạo truyền thông và phát triển cộng đồng thông qua các mô hình, chương trình an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới... Xác định công tác truyền thông thay đổi hành vi rất quan trọng đối với cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng, do đó công tác này được Trung tâm tập trung triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác xã hội ở nước ta đã hình thành từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn thực sự là một nghề mới, còn gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển để trở thành một nghề chuyên nghiệp. Nhận thức rõ điều này và mong muốn phổ biến rộng rãi, từng bước đưa dịch vụ CTXH vào đời sống của người dân trên địa bàn, Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH tỉnh Bến Tre đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Để có được hiệu quả cao nhất, Trung tâm đã phối hợp với các ngành, các trường đại học, các chuyên gia tổ chức 16 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về CTXH, công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người nghiện ma túy, người khuyết tật, người tâm thần, các kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn, tham vấn phòng tránh rối nhiễu tâm trí cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên của Trung tâm từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Những kiến thức kỹ năng về CTXH hoạt động truyền thông của Trung tâm đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Hoạt động truyền thông giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em của Trung tâm
Qua gần 3 năm đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Bến Tre đã tiếp nhận hỗ trợ 214 trường hợp với 869 lượt can thiệp, tiếp nhận 11 trường hợp tạm lánh, nạn nhân bị mua bán, tư vấn các vấn đề về bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, bị rối nhiễu tâm trí, bị bệnh nặng cần tìm thân nhân để chăm sóc, trẻ em nghèo có nguy cơ bỏ học hoặc gặp những vấn đề về tâm lý lứa tuổi vị thành niên... Các trường hợp này đều đưa vào quản lý ca. Qua tiếp xúc, trao đổi, các trường hợp đã giảm bớt căng thẳng, áp lực nhờ được kết nối, hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, 166 trường hợp được can thiệp thành công, 17 trường hợp có thay đổi hành vi và 31 trường hợp còn lại hiện tiếp tục được can thiệp tư vấn bởi nhân viên CTXH.
Tận dụng lợi thế về trụ sở (được bố trí tại trung tâm thương mại của tỉnh), Trung tâm đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền định kỳ hàng tháng về các nội dung như: bình đẳng giới, bạo lực gia đình, chăm sóc và bảo vệ trẻ em... Trung tâm cũng đã tổ chức 17 kỳ sinh hoạt cho 67 trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em bán vé số, trẻ em đường phố với 201 lượt trẻ tham dự. Hoạt động này đã giúp các em trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kết nối hỗ trợ học nghề...
Tại cộng đồng, Trung tâm phối hợp và tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Chăm sóc và bảo vệ trẻ em để phối hợp với các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Trung tâm BTXH tổ chức 24 đợt hội thi tìm hiểu Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, 82 buổi truyền thông giáo dục kỹ năng sống cho 12.932 lượt học sinh tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thành lập Câu lạc bộ Nhóm tư vấn cộng đồng tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách... xây dựng Câu lạc bộ bình đẳng giới có 29 thành viên, sinh hoạt hàng tháng giúp các chị em có được kiến thức cơ bản về giới, bạo lực gia đình, ... nâng cao kiến thức cho nhóm phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài...
Để mở rộng đối tượng truyền thông, Trung tâm đã chủ động phối hợp với báo Đồng Khởi xây dựng chuyên trang Đề án phát triển nghề CTXH mỗi tháng 2 kỳ để giới thiệu hoạt động nghề CTXH, các chế độ, chính sách, công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em... Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có chuyên mục Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên mục "Tấm lòng nhân ái" thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự tuyên truyền nghề CTXH cũng như các trường hợp cần trợ giúp kết nối hỗ trợ...
Dù là một mô hình mới, nhưng Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tỉnh Bến Tre đã hết sức nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thời gian tới, bên cạnh các hoạt động truyền thông gián tiếp thông qua các báo, đài... Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp như: tham vấn tại nhà, tư vấn trực tiếp, chú trọng đến nhóm đối tượng bị bạo lực, có nguy cơ bị bạo lực, người tâm thần, có nguy cơ bị rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật....
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Từ chuyện sinh viên bán phở và từ chối nước Mỹ - 18/09/2014 04:41
- Tôn vinh giáo viên giáo dục học sinh khuyết tật - 12/09/2014 06:57
- Phê duyệt Đề án Tuyên truyền xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực - 12/09/2014 02:42
- Giảm sĩ số 5 học sinh/lớp nếu có học sinh khuyết tật - 08/09/2014 02:52
- Vai trò Công tác xã hội tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - 21/08/2014 04:04
Các tin khác
- Tổng kết Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN lần thứ 16: 93.300 cơ sở, hộ kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao cam kết đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ - 21/08/2014 03:51
- Công bố kết luận về những vi phạm của chùa Bồ Đề - 19/08/2014 09:06
- Sư trụ trì chùa Bồ Đề không liên quan vụ mua bán trẻ em (13/08/2014) - 13/08/2014 08:06
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Cần xác định rõ vị trí bậc cao đẳng trong hệ thống giáo dục" - 13/08/2014 03:03
- Vì cuộc sống cộng đồng - 04/08/2014 10:44