Nhằm hiện thực hóa pháp luật về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đối với người khuyết tật, chào mừng Hội nghị Diễn đàn quốc tế về người khuyết tật khu vực châu á, Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam, tiến tới kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật, chào đón việc Quốc hội xem xét, phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền người khuyết tật, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Công ty Cổ phần Thủ đô Việt phối hợp tổ chức Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất, năm 2014. Hội thi được tổ chức tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam và chung kết tại Hà Nội.
Trong 2 ngày 24, 25/10, Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc, năm 2014 khu vực I đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. 125 nam, nữ diễn viên, nhạc công đến từ 14 đoàn, thuộc 13 tỉnh, thành phố khu vực Đông, Tây, Nam bộ và Nam Trung bộ đã hội tụ để cùng chung sức, đua tài chọn ra 4 đoàn tiêu biểu nhất tham dự chung kết.
Chung tay vì người khuyết tật
Hội thi vui mừng được đón tiếp bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Trung ương Hội; ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội, Trưởng Ban Tổ chức; bà Hoàng Diệu Tuyết - Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức; ông Phạm Anh Thắng - đại diện văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh; ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động; bà Đoàn Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong; ông Nguyễn Đình Tri - Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hồ Chí Minh.
Ban Tổ chức và khán giả tại Hội thi
Hội thi đã thu hút được đông đảo người khuyết tật thuộc nhiều độ tuổi, dạng tật tham gia. Trong số 125 diễn viên, nhạc công, có 35 diễn viên khuyết tật vận động, 54 khiếm thị, 36 người khiếm thính. Diễn viên nhỏ tuổi nhất được ghi nhận là em Nguyễn Thị Anh Thư, 9 tuổi, đoàn Bến Tre, diễn viên lớn tuổi nhất là ông Đỗ Văn Thắng, 80 tuổi, đoàn Bình Phước. Về trình độ học vấn, có 7 người không biết chữ, 42 người bậc Tiểu học, 26 người học THCS, 47 người bậc THPT và 3 người có trình độ Đại học. Có người là học sinh, nhân viên văn phòng, có người là viên chức Nhà nước, người làm kinh doanh, dịch vụ, cũng có những người chỉ phụ giúp gia đình, đi bán vé số dạo.... Nhưng gặp nhau tại Hội thi, tất cả đều hòa chung với âm nhạc, thể hiện hết niềm đam mê ca hát của mình. Giải thưởng cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả chính là họ đã tự tin khẳng định tài năng của mình với cộng đồng, với xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội khẳng định: Được tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật là yêu cầu, là nguyện vọng chính đáng và cũng là quyền của người khuyết tật. Thực tế lĩnh vực này đã phát triển ở nhiều địa phương, đâu đâu cũng xuất hiện những lời ca, tiếng hát, những điệu múa thể hiện khát khao cháy bỏng, sự đam mê nghệ thuật của người khuyết tật, đó cũng là niềm tin yêu cuộc sống, niềm tự hào được hòa nhập vào các hoạt động xã hội. Giờ đây, những điều đó càng thôi thúc chúng ta cần có sự cảm thông hơn, chia sẻ, trân trọng, phát huy và tôn vinh những tấm gương của người khuyết tật, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa trong cộng đồng bởi Luật Người khuyết tật, Đề án Trợ giúp người khuyết tật đến năm 2020 đã ghi nhận và đặt ra trách nhiệm thực hiện của chúng ta". Thay mặt Ban Tổ chức, ông Nguyễn Đình Liêu chúc mừng các diễn viên sức khỏe, đoàn kết và thành công, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám khảo Hội thi, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, ban, ngành, các nhà nghỉ, khách sạn, các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo, các mạnh thường quân đã quan tâm chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện để Ban Tổ chức thực hiện chương trình. Chủ tịch cũng cảm ơn UBND, các cơ quan đơn vị thuộc 13 tỉnh, thành phố đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện chu đáo, hiệu quả việc lựa chọn, luyện tập để hôm nay có các tiết mục xuất sắc góp mặt tại chương trình.
Tiếp sau bài phát biểu của ông Nguyễn Đình Liêu, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được UBND thành phố ủy nhiệm phát biểu tại Hội thi cho biết: UBND thành phố Hồ Chí Minh hoan nghênh Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và cơ quan liên quan tổ chức Hội thi. Đây là dịp để người khuyết tật được tham gia giao lưu, vui chơi, là cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, cảm thông, động viên nhau vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hội thi cũng là ngày hội của người khuyết tật, người khuyết tật hãy phát huy hết khả năng của mình, của đoàn, thi đua cùng nhau với tinh thần nhân ái và cùng chia sẻ.
Cháy hết mình với nghệ thuật
Đến với Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc khu vực I, 125 diễn viên, nhạc công là người khuyết tật đến từ Trà Vinh, Bến Tre, Bình Thuận, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Cà Mau, Tây Ninh, Phú Yên, thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tập luyện hết mình bằng cả trái tim khát vọng, mang về Hội thi trên 60 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca; múa đơn, tốp múa và múa minh họa, múa bóng; độc tấu đàn ghi ta, đàn kìm, organ, sáo, acmonica,... Trong đó, nhiều tiết mục được dàn dựng chuyên nghiệp như "Làng Chăm ơn Bác" của đoàn Bình Thuận, "Hoa sen dâng người" của đoàn Trà Vinh...
Tiết mục múa Hoa sen dâng Bác, đoàn Trà Vinh
Tiết mục Tự nguyện, đoàn thành phố Hồ Chí Minh
Tiết mục đàn organ bằng đôi chân của anh Trần Văn Linh, đoàn Bình Phước
Có thể nói, các bài hát, điệu múa, ngón đàn... đều được thể hiện từ những trái tim khát vọng nồng nàn, đam mê và tỏa sáng niềm lạc quan tươi vui. Trên sân khấu, những bất tiện do khiếm khuyết không ngăn được niềm cảm xúc dâng trào, khát khao thể hiện mình của các diễn viên, nhạc công người khuyết tật. Khán giả của hội thi như cùng "phiêu" với anh Minh Tiến, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu trong ca khúc "Hát về cây lúa hôm nay", cùng hòa nhịp theo từng bước nhảy, điệu múa của các em khiếm thính đoàn Phú Yên trong tiết mục "Múa dân gian Bắc bộ", bài múa của các em khiếm thính đoàn Bến Tre trong tiết "Dừa ơi"; cùng xúc động nghẹn ngào khi nghe Lê Minh Tâm (khiếm thị) đoàn Tây Ninh hát bài "Dấu chân chay", khi xem bài múa bóng "Khát vọng" của đội "Sống như những đóa hoa", đoàn thành phố Hồ Chí Minh, khi chứng kiến các em khuyết tật trí tuệ đoàn Bình Thuận thể hiện các điệu múa mang sắc thái của dân tộc Chăm. Khán giả cùng chìm đắm trong những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của những làn điệu dân ca Nam bộ, những bài ca cổ như: bài song ca cổ "Chợ Mới" của đoàn An Giang, bài tân cổ "áo mới Cà Mau" của đoàn Cà Mau; song ca cổ "Dòng sông quê em" của đoàn thành phố Hồ Chí Minh ....
Tại Hội thi khu vực phía Nam, Ban Giám khảo và khán giả cũng hết sức khâm phục nghị lực vươn lên, sự tự tin thể hiện năng khiếu của mình như anh Trần Văn Linh (đoàn Bình Phước), dù bị khuyết tật nặng vẫn có thể biểu diễn khả năng đàn organ bằng chân, anh Vũ Tuấn Phong (khiếm thị) đoàn Phú Yên trình diễn khả năng thổi sáo bằng miệng và mũi.... Có nhiều diễn viên, nhạc công người khuyết tật còn tự sáng tác và biểu diễn các tác phẩm kể về chuyện đời của mình, thể hiện niềm khát khao, ước vọng của người khuyết tật như: bài múa tự biên, tự diễn cho bài "Tự nguyện" của chị Dương Thị Vinh, đoàn Bình Phước; bài ca cổ "Tâm sự đời tôi" và "Tâm sự người khuyết tật" của anh Nguyễn Văn Tuấn, đoàn Hậu Giang...
Kết thúc hội thi khu vực I, trên cơ sở đánh giá, nhận xét, chấm điểm của Ban Giám khảo; Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao 14 Huy chương Vàng, 28 Huy chương Bạc cho các tiết mục xuất sắc, 14 Giấy khen cho các đoàn và 6 Giấy khen cho các cá nhân có ấn tượng đẹp nhất. 4 đoàn được lựa chọn để tham gia Chung kết tại Hà Nội là Trà Vinh, Bình Thuận, Hậu Giang và thành phố Hồ Chí Minh.
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Xúc động cuốn tự truyện “Không thể vỡ” của bệnh nhân xương thủy tinh - 12/11/2014 09:57
- Cơ hội du học Australia cho Người khuyết tật - 11/11/2014 03:26
- Hội thi Tiếng hát người khuyết tật khu vực phía Bắc: Nơi người khuyết tật thể hiện tài năng nghệ thuật - 10/11/2014 03:17
- Trẻ khuyết tật có thể nhập học mầm non cao hơn 3 tuổi với quy định - 08/11/2014 07:05
- Đề xuất thêm 4 nhóm trẻ em vào diện đặc biệt khó khăn - 08/11/2014 05:08
Các tin khác
- Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc khu vực miền Trung, Tây Nguyên: Lắng đọng những cung bậc cảm xúc - 07/11/2014 03:33
- Tỉnh Hội Thanh Hóa: Lễ triển khai hoàn thiện chương trình sinh kế cho người khuyết tật - 07/11/2014 02:07
- Huyện Hội Hà Trung tặng xe lăn cho 20 người khuyết tật - 07/11/2014 01:54
- Tỉnh Hội Gia Lai: Rà soát đối tượng trao học bổng - 07/11/2014 01:52
- Tỉnh Hội Bến Tre: Khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho 200 bệnh nhân nghèo - 07/11/2014 01:51