Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã diễn ra trong hai ngày 31/10 và 1/11 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với sự tham gia đua tài của 117 nam, nữ diễn viên đến từ 10 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắc Lắc và Lâm Đồng.
Đúng với chủ đề "Những trái tim khát vọng" mà Ban tổ chức đã đưa ra, các đoàn nghệ thuật đã hăng say tập luyện biểu diễn với chính khát vọng từ trái tim mình. Mỗi tiết mục được trình diễn lại mang đến khán giả một cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đoàn chủ nhà Nghệ An đã mang đến Hội thi một chương trình với nhiều tiết mục đặc sắc: khúc dân ca "Thắm đượm tình người"; bày tỏ tình yêu, sự ngưỡng mộ, ngợi ca Bác Hồ muôn vàn kính qua bài múa "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người"; nhắn gửi tình cảm và mong muốn của người khuyết tật trong bài hát "Khát vọng" do anh Chu Vinh Đức thể hiện. Dù mang trên mình những khiếm khuyết, nhưng anh Sỹ Hòa và chị Hoài Thanh – những chiến sĩ từng bảo vệ tại thành cổ Quảng Trị vẫn nắm tay nhau cùng hát vang bài ca "Tình bạn", cùng hòa quyện trong những điệu múa mềm mại, uyển chuyển thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong tiết mục múa "Tổ quốc nhìn từ biển".
Tự hào với núi, với sông, bãi biển thơ mộng và những con người thân thiện, hiếu khách quê mình, chị Thanh Thủy (khiếm thị) đến từ đoàn Đà Nẵng đã mê hoặc khán giả bằng giọng ca ngọt ngào, tiếng đàn êm dịu và tình cảm sâu nặng với quê hương mình qua ca khúc "Đà Nẵng tình người". Cũng chính chị Thủy đã hỗ trợ để hai diễn viên trong đoàn là Trần Thị Xuân Mới và Ngô Đức Nghĩa thể hiện thành công bài hát "Tình ca mùa xuân". Tại hội thi, các nam nữ, diễn viên đoàn Đà Nẵng bằng tài năng và sự chuẩn bị công phu của mình đã thực sự chinh phục ban giám khảo và khán giả qua các tiết mục múa Chăm "Đêm trăng tháp cổ" do các em khiếm thính và khiếm thị thể hiện; tiết mục hòa tấu nhạc cụ "Dân ca Tây bắc" với sự kết hợp của chiếc Đàn tre Lắc, đàn T'rưng và một số nhạc cụ dân tộc khác...; bài hát tự sáng tác, tự thể hiện "Đêm giữa ngày" của Hà Đức Anh Quý...
Đến từ vùng đất Tây Nguyên huyền thoại, đoàn Đắc Lắc mang đến Hội thi những tiết mục đặc trưng vùng miền với dàn nhạc cụ dân tộc đem lại cảm giác mới lạ trong âm nhạc. Đó là bài hát "Ru em", dân ca của đồng bào dân tộc JaRai, là những ước mơ của các em khuyết tật gửi theo lời bài hát "Niềm mơ ước nhỏ" do em ái Vy thể hiện, là "Gần lắm Trường Sa" của Bá Lênh, là "Biển hát chiều nay" của Lê Hoàng Gia Hưng. Đặc biệt, với hợp ca "Hơ Ren lên rẫy", cả khán phòng như hòa cùng nhịp điệu sôi động, theo bước chân của những cô gái Tây Nguyên da nâu, mắt sáng, với chiếc gùi trên lưng đung đưa lên nương, lên rẫy mỗi sớm tinh sương.
Với chủ đề "Thắp sáng niềm tin" đoàn diễn viên người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng mang đến hội thi những khát vọng cháy bỏng của người khuyết tật thể hiện qua những tác phẩm nổi tiếng, đi vào lòng người như: "Dấu chân phía trước" (tốp ca), "Bác Hồ một tình yêu bao la" (thể hiện Trần Mạnh Thu), "Mặt hồ" (tốp ca nam), "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" (biểu diễn Lê Thị Minh Yêm) và "Tiếng gọi non sông" (tốp ca).
Từ phong trào "Tiếng hát từ trái tim" ở cơ sở, tỉnh Hội Quảng Bình đã lựa chọn đoàn diễn viên người khuyết tật gồm 15 thành viên tham gia hội thi khu vực tại thành phố Vinh. Với tình cảm của những người con quê hương Quảng Bình, những diễn viên đã mang đến hội thi những lời ca dạt dào tình cảm như: "Miền Trung nhớ Bác", "Nỗi đau còn đó" (tốp ca nam nữ, trong đó người khiếm thị, khuyết tật vận động hát, người khiếm thính hát bằng ngôn ngữ ký hiệu), "Màu trắng màu đen"... những bài múa dịu dàng ca ngợi "Quê hương" và đặc biệt là tình cảm, lòng biết ơn và niềm tự hào của người dân Quảng Bình đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua bài hát có múa minh họa "Đất mẹ ngày về".
Tại Hội thi khu vực miền Trung, Tây nguyên, Thanh Hóa là một trong những đoàn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và tài năng của các diễn viên. Với những lời ca khi thì nghĩa tình, sâu lắng (Biết ơn chị Võ Thị Sáu – Vân Nga khuyết tật vận động), khi thì hùng tráng (Trên đỉnh Trường Sơn ta hát – ái Lành, thương binh) lúc trong trẻo, dạt dào yêu thương (Xa khơi – Minh Thương, khiếm thị), khi rộn ràng, tươi vui (Khúc tình ca Thanh Hóa – Tốp ca nam nữ) lúc lại lắng đọng, thiết tha (Đứa bé – Tốp ca nam nữ). Trong đó, tiết mục Xa khơi được đánh giá cao về kỹ thuật xử lý giọng hát.
Kết hợp hài hòa các điệu múa trong mỗi lời ca, tiếng hát là nét đặc trưng của các tiết mục mà đoàn Hà Tĩnh mang đến hội thi. Trong 5 tiết mục của đoàn thì cả 5 đều có múa minh họa. Đó có thể là hát đơn ca (Giếng quê – Nguyễn Thị Sương thể hiện) song ca (Ví dặm: Quê hương sóng hát những con tàu – Nguyễn Trung Hoa, Trần Thị Khánh), tam ca (Nghe câu ví phường vải) hay tốp ca ("Người đi tìm hình của nước" và "Vầng trăng khuyết")...
Qua tiếng nhạc, cung đàn, các diễn viên người khuyết tật đoàn Thừa Thiên Huế đem đến hội thi những đặc trưng của văn hóa quê hương với "Thương về cố đô" – Trần Công Đông, "Mười thương dành trọn cho em" – Tứ tấu đàn tranh, "Quê hương đổi mới" – Tác phẩm tự biên của ông Lê Viết Bơi, "Em yêu khúc hát dân ca: và "Hãy yêu nhau đi" do tốp ca thể hiện.
Các diễn viên người khuyết tật đến từ đoàn Kon Tum khiến người xem xúc động nghẹn ngào, nhiều người rơi nước mắt khi chứng kiến sự nỗ lực của họ. Đó là khi Lương Thị Nga cất cao bài hát "Bàn tay mẹ"; khi 4 em bé thuộc 4 dân tộc khác nhau múa bài "Em nhớ Tây Nguyên"; khi ông A Bim, sử dụng chiếc đàn Ting Ning do mình tự tạo vừa đàn, vừa hát ca khúc tự biên "Đời sống mới"; khi A Đảo đệm đàn ghita hát bài "Đứa bé".
Dù biểu diễn sau cùng nhưng các diễn viên đoàn Khánh Hòa vẫn giữ nhiệt trên sân khấu với những tràng pháo tay giòn giã, những ánh mắt trầm trồ thán phục và những lời xuýt xoa khen ngợi cho hai tiết mục độc đáo: Bùi Ngọc Thịnh (khiếm thị) độc tấu 5 loại nhạc cụ khác nhau và Nguyễn Lê Thanh Huyền (thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi) hát bài "Nơi đảo xa". Ngoài ra, tiết mục tấu nhạc 2 câu vọng cổ "Dây Sài Gòn" của Bùi Ngọc Thịnh và múa Champa của các em khiếm thính trong đoàn cũng để lại nhiều ấn tượng cho khán giả.
Đánh giá về kết quả hội thi, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban giám khảo bày tỏ nỗi niềm khâm phục sâu sắc khi được chứng kiến, cảm nhận sự nhiệt huyết của các anh chị em, các cháu khuyết tật. "Nhiều tiết mục, chương trình có sự dàn dựng công phu, từ biên đạo múa, phối khí âm nhạc, xử lý giọng ca, đạo cụ, phục trang đạt tính nghệ thuật cao, để lại ấn tượng sâu sắc cho ban tổ chức, ban giám khảo và khán giả. Tại hội thi xuất hiện nhiều cá nhân thực sự tài năng, với chất giọng đẹp, vang, sáng, truyền cảm, hồn nhiên và đầy khát vọng".
Bên cạnh những ưu điểm, ông Phạm Tiến Dũng cũng chỉ ra một số điều cần lưu ý với các đoàn để bổ sung kinh nghiệm những lần sau, đặc biệt là những đơn vị được chọn đi dự chung kết tại Hà Nội sắp tới. Đó là về cấu trúc chương trình, nội dung cần bám sát chủ đề hơn. Với các tiết mục múa độc lập cần đầu tư chiều sâu về nội dung, động tác phù hợp với người khuyết tật. Khi biểu diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc mang tính đặc trưng cần chọn tác phẩm gắn với dân tộc đó như dân ca hoặc bài hát mang âm hưởng của dân ca vùng miền đó chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Do đặc điểm của người khuyết tật nên khi dựng tiết mục biểu diễn nên tránh việc chuyển đội hình quá nhiều mà cần tạo ra những mảng, lớp có ấn tượng, để tập trung cho giọng ca hay đàn. Lưu ý một số địa phương cần có sự đầu tư cao hơn để không có sự chênh lệch giữa các tiết mục trong một chương trình.
Tổng kết hội thi khu vực miền Trung, Tây Nguyên, ban tổ chức đã trao 11 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc cho các tiết mục xuất sắc. 10 Giấy khen được trao cho các đoàn và 5 Giấy khen dành cho các tiết mục ấn tượng tại hội thi dành cho các diễn viên Lương Thị Nga và A Bim (Kon Tum), Trần Công Đông (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Thị Sương (Hà Tĩnh) và Nguyễn Lê Thanh Huyền (Khánh Hòa).
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Cơ hội du học Australia cho Người khuyết tật - 11/11/2014 03:26
- Hội thi Tiếng hát người khuyết tật khu vực phía Bắc: Nơi người khuyết tật thể hiện tài năng nghệ thuật - 10/11/2014 03:17
- Trẻ khuyết tật có thể nhập học mầm non cao hơn 3 tuổi với quy định - 08/11/2014 07:05
- Đề xuất thêm 4 nhóm trẻ em vào diện đặc biệt khó khăn - 08/11/2014 05:08
- Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất năm 2014, khu vực I: Lời ca cất lên từ “những trái tim khát vọng” - 07/11/2014 03:48
Các tin khác
- Tỉnh Hội Thanh Hóa: Lễ triển khai hoàn thiện chương trình sinh kế cho người khuyết tật - 07/11/2014 02:07
- Huyện Hội Hà Trung tặng xe lăn cho 20 người khuyết tật - 07/11/2014 01:54
- Tỉnh Hội Gia Lai: Rà soát đối tượng trao học bổng - 07/11/2014 01:52
- Tỉnh Hội Bến Tre: Khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho 200 bệnh nhân nghèo - 07/11/2014 01:51
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Trao 265 suất quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật nghèo - 07/11/2014 01:48