Với thành công của 3 Hội thi khu vực Bắc - Trung - Nam, Ban Tổ chức Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất năm 2014 đã chọn ra được 11 đội tham gia chung kết tại Hà Nội. Góp phần vào thành công của hội thi không chỉ có sự nỗ lực, cố gắng của các nam nữ diễn viên, của Ban Tổ chức và đơn vị đăng cai hội thi khu vực mà còn nhờ sự làm việc hết sức công tâm, công bằng của đội ngũ Ban Giám khảo. Họ, dù đã từng tham gia các chương trình văn nghệ của người khuyết tật hay mới lần đầu tiên tiếp xúc, đều có bất ngờ và ấn tượng mạnh mẽ với ý chí, nghị lực vươn lên và tài năng nghệ thuật của người khuyết tật thể hiện qua hội thi. Chia sẻ của một số vị trong Ban Giám khảo Hội thi khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Tiến Dũng
Hội thi Tiếng hát người khuyết tật năm 2014, đây là một hoạt động lớn, có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, tiếp tục động viên, khích lệ người khuyết tật Việt Nam có thêm ý chí, nghị lực vươn lên, góp phần tự tin vào chính mình, hòa nhập cộng đồng và góp phần cho xã hội. Hội thi thực sự tạo ra sân chơi bổ ích, cổ vũ tinh thần, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ trong cộng đồng người khuyết tật ngày càng phát triển, khơi dậy niềm tự hào được cống hiến, phục vụ cho nhân dân, phục vụ tổ quốc, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu "tàn nhưng không phế".
Đúng với chủ đề "Những trái tim khát vọng" mà Ban Tổ chức đã đưa ra, các đoàn nghệ thuật đã hăng say tập luyện biểu diễn với chính khát vọng từ trái tim mình. 10 đơn vị tham gia dự thi là 10 đóa hoa thơm ngát với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, truyền thống yêu nước, yêu quê hương, tô thắm tình đoàn kết, giới thiệu cùng bạn bè về các nền văn hóa, văn nghệ đặc trưng của mỗi miền quê, vùng miền. Đặc biệt còn có những tiết mục như tiếng lòng, nhịp đập của con tim người khuyết tật dành cho những tấm gương vượt lên số phận trở thành những người có nghị lực sống phi thường.
Tôi khâm phục sâu sắc khi được chứng kiến, cảm nhận các anh chị, các em và các cháu tuy bị khiếm thị, khiếm thính hay khuyết tật ở cơ thể, nhưng bằng sự nhiệt huyết của mình đã thể hiện những tiết mục múa, hát, ngón đàn hết sức say sưa, đam mê và điêu luyện. Nhiều tiết mục, chương trình có sự dàn dựng công phu, từ biên đạo múa, phối khí âm nhạc, xử lý giọng ca, đạo cụ, phục trang đạt tính nghệ thuật cao, để lại ấn tượng sâu sắc. Qua hội thi, đã xuất hiện nhiều cá nhân thực sự tài năng, với chất giọng đẹp, vang, sáng, truyền cảm, hồn nhiên và đầy khát vọng. Nhiều tiết mục biểu diễn của tập thể diễn viên ở nhiều nhóm tuổi, nhiều dạng tật khác nhau, nhưng những điều đó không cản trở họ cùng hòa nhịp. Đây cũng là điểm khác biệt so với những hội diễn thông thường khác.
Theo tôi, để bổ sung kinh nghiệm những lần sau, đặc biệt là những đơn vị được chọn đi dự chung kết tại Hà Nội, cần chú ý công tác biên tập cấu trúc chương trình theo quy chế ban tổ chức đề ra. Nội dung tiết mục cần bám chủ đề hơn. Nếu dàn dựng các tiết mục múa độc lập, cần đầu tư chiều sâu về nội dung, các động tác phải phù hợp với đối tượng tham gia, không nên dựng quá sức với khả năng thực tế của diễn viên. Hoặc múa độc lập nhưng chủ yếu đang phụ họa cho lời ca. Do đặc điểm của người khuyết tật nên khi dựng tiết mục biểu diễn chúng ta nên tránh việc chuyển đội hình quá nhiều mà cần tạo ra những mảng, lớp có ấn tượng, để tập trung cho giọng ca hay đàn. Lưu ý một số địa phương cần có sự đầu tư cao hơn để không có sự chênh lệch giữa các tiết mục trong một chương trình.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh
Chương trình lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc đã đáp ứng mong mỏi của đông đảo người khuyết tật và thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Đây là dịp để người khuyết tật thấy được sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội đối với mình, từ đó tự tin thể hiện mình.
Theo đánh giá của tập thể Ban Giám khảo, chất lượng nghệ thuật của hội thi đã được nâng lên rất nhiều so với các liên hoan tương tự. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Hội thi theo tôi không chỉ nằm ở chất lượng nghệ thuật mà còn ở cảm xúc mà những diễn viên khuyết tật khơi dậy. Do đó, có thể trong quá trình biểu diễn, họ còn nhiều thiếu sót, phát âm chưa tròn vành, rõ chữ, chưa chuẩn, trong các điệu múa chân tay còn lóng ngóng, nhưng những điều đó đã được xóa mờ bởi sự chân thành, niềm tin, bằng tình yêu rất tươi đẹp họ dành cho cuộc sống. Và tôi nghĩ đó là một thành công rất lớn của Hội thi. Ngoài ra cũng có những cá nhân rất tích cực, có thể nuôi dưỡng được phong trào văn hóa nghệ thuật của người khuyết tật. Nhiều sáng tác mới của người khuyết tật rất hay, có tính chuyên nghiệp. Đây là sự cố gắng rất lớn của họ và mỗi chúng ta đều ghi nhận và cảm phục.
Nghệ sĩ ưu tú Rơ Chăm Pheng
Lần đầu tham gia chấm thi cho một chương trình nghệ thuật của người khuyết tật, tôi thực sự bất ngờ và khâm phục trước nghị lực phấn đấu, ý chí cố gắng vượt qua khó khăn và tài năng của họ. Với người bình thường chỉ cần nghĩ đến việc ca hát là họ có thể làm được ngay, còn với người khuyết tật đó là cả một quá trình tập luyện vất vả, không hề đơn giản. Nhưng tôi thấy họ tiếp thu âm nhạc nhanh và thông minh, hát chính xác theo nhịp, giai điệu, không bị phô, chênh. Một số em có giọng đẹp, khỏe. Tôi rất ấn tượng với bé gái khiếm thị đoàn Thanh Hóa khi hát bài "Xa khơi". Em hát chắc chắn, hơi thở đều, vị trí âm thanh tốt. Các tiết mục múa có ý thức, động tác đều, điệu múa đẹp, ấn tượng với điệu múa Chăm của đoàn Đà Nẵng, bài hát Nơi đảo xa do thí sinh 7 tuổi, đoàn Khánh Hòa biểu diễn. Bài này có âm vực rộng, giọng phải vang, rõ lời, chuẩn xác từ ca từ, chuẩn hơi, bình thường phải tầm 18-20 tuổi mới dám hát bài này, nhưng một em bé mới 7 tuổi, lại khiếm khuyết mà hát rất hay, rất ấn tượng.
Theo dõi Hội thi, điều tôi cảm thấy đáng tiếc là rất ít các đơn vị biết tận dụng những lợi thế về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ví dụ như ở Tây Nguyên có lợi thế rất lớn về văn hóa cồng chiêng, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng trong 3 đơn vị tham gia hội thi không thấy đơn vị nào khai thác khía cạnh này. Nếu biết tận dụng sẽ tạo nên nét riêng cho mỗi đơn vị, đồng thời tạo nên sự phong phú, đa dạng hơn cho hội thi, thay vì chỉ tập trung vào các ca khúc nhạc mới đã được nhiều người sử dụng.
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Hơn 200 đại biểu quốc tế sẽ tham dự Diễn đàn người khuyết tật - 24/11/2014 03:27
- TW Hội: Trao 60 suất học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi Quận Bắc Từ Liêm - 20/11/2014 08:56
- Bảo hiểm y tế cho người khuyết tật: Còn nhiều rào cản - 19/11/2014 08:10
- Hội thảo không chính thức của ASEM lần thứ 14 về nhân quyền - 19/11/2014 04:37
- Hội Bảo trợ NKT,TMC&BNN tỉnh Đồng Tháp: Đẩy mạnh hoạt động tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho đối tượng - 19/11/2014 02:58
Các tin khác
- Huyện Hội Hà Trung tổ chức khám sàng lọc mắt miễn phí cho người khuyết tật - 19/11/2014 02:25
- Tỉnh Hội Quảng Trị: 9 năm với gần 37,4 tỷ đồng hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi - 19/11/2014 02:24
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Gần 5,8 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng trong quý III - 19/11/2014 02:21
- Tỉnh Hội Sơn La: Tiếp nhận và trao tiền đỡ đầu học sinh mồ côi, khuyết tật - 19/11/2014 02:19
- Tỉnh Hội Khánh Hòa: Tổ chức tiếp nhận kinh phí phẫu thuật mắt - 19/11/2014 02:18