Thứ tư, 19 Tháng 11 2014 15:10

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng để người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng được đề cập khá đầy đủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam và cơ bản phù hợp với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự đi vào đời sống, đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận, tham gia thụ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định vẫn còn rất nhiều những khó khăn, vướng mắc.


Hiện nay, cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% dân số. Dự báo trong thời gian tới, số lượng người khuyết tật ở Việt Nam không giảm mà có xu hướng gia tăng do các nguyên nhân về tai nạn lao động, tai nạn giao thông và một số nguyên nhân khác.


Luật Bảo hiểm y tế ra đời đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng. Trong Luật cũng đã quy định và hướng dẫn cụ thể về việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế và sử dụng các dịch vụ chi trả bằng Bảo hiểm y tế cho người dân. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện đi khám bệnh tại các cơ sở y tế không cao (khoảng 70%) hoặc đối tượng không thực hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm (khoảng 29%), việc triển khai chính sách này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người khuyết tật.

 

 

Theo quy định của Nhà nước, việc khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế phải được thực hiện theo đúng tuyến, thủ tục dịch vụ còn phức tạp, thời gian chờ đợi lâu. Trong khi đó, người khuyết tật vốn sức khỏe đã yếu hơn những người khác, chưa kể những khi đau ốm, rất bất tiện trong việc di chuyển, chờ đợi. Đối với người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các dịch vụ của Bảo hiểm y tế lại càng khó khăn hơn nhiều. Về khách quan thì các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã chưa có đủ trang thiết bị và nhân lực đảm bảo nhu cầu của người khuyết tật nói riêng. Bên cạnh đó, việc nhân viên y tế không nhiệt tình hay chất lượng trang thiết bị và loại thuốc được bảo hiểm chi trả nghèo nàn cũng là những nguyên nhân khiến người khuyết tật ít hoặc không sử dụng bảo hiểm y tế.


Trên thực tế việc người khuyết tật sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế gặp phải một số khó khăn như Bảo hiểm chỉ chi trả cho các khoản về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, chuyển tuyến đúng theo quy định... Bảo hiểm không chi trả cho các dịch vụ sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, thủy tinh thể, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động... trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng vì cho rằng các yếu tố này phục vụ cho hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đây là những dụng cụ trợ giúp quan trọng, hỗ trợ người khuyết tật phát huy các khả năng còn lại của cơ thể. Các nhu cầu này không nhằm mục đích "thẩm mỹ" mà nhằm mục đích giúp người khuyết tật có thể hạn chế tối đa vấn đề khuyết tật của bản thân, tham gia các hoạt động sống và hòa nhập xã hội.


Với trẻ em khuyết tật, Luật quy định trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập thuộc Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương. Nhưng với trẻ em khuyết tật (sứt môi, hở hàm ếch) có nhu cầu phẫu thuật chỉnh hình lại không được Bảo hiểm y tế chi trả với lí do đây là phẫu thuật thẩm mỹ.


Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Với 25/52 Điều được sửa đổi, bổ sung. Luật có một số điểm mới mang tính đột phá mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.


Để thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cũng như khuyến khích người khuyết tật tham gia bảo hiểm y tế, các cơ sở y tế công cần chú trọng đến các nguyên tắc ứng xử của cán bộ y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, cùng với đó cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để quan tâm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Đối với người khuyết tật và gia đình họ, cần tích cực tìm hiểu các thông tin về bảo hiểm y tế, thực hiện nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm y tế, tránh gây khó khăn cho cán bộ y tế trong quá trình sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, đối với các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm tính đồng bộ trong việc ban hành giữa các văn bản pháp quy, truyền thông vận động người khuyết tật tham gia bảo hiểm xã hội, tăng cường nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm y tế và trách nhiệm của mỗi người dân tham gia bảo hiểm y tế.


(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi