Thứ tư, 19 Tháng 11 2014 08:46

Trong hai ngày 6, 7/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc, Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất năm 2014 khu vực phía Bắc đã chính thức khởi tranh. Hai ngày diễn ra Hội thi khán giả tại đây đã được thưởng thức một bữa tiệc nghệ thuật đầy cảm xúc với 70 tiết mục ca múa nhạc đầy sôi nổi và hào hứng của 155 nam nữ diễn viên đến từ 14 tỉnh, thành phía Bắc.

Hội thi vinh dự được đón tiếp bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Trung ương Hội; ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội, Trưởng BTC Hội thi; các Phó Chủ tịch Trung ương Hội: ông Lương Phan Cừ, bà Hoàng Diệu Tuyết, ông Phan Văn Lộc; bà Phạm Thị Mùi - Chủ tịch Công đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lưu Hồng Sơn - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH; bà Dương Thị Tuyến - ủy viên Ban Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó chủ nhiệm ủy ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cùng đông đảo khán giả tỉnh Vĩnh Phúc.

Đề tài phong phú, đa dạng

Tham gia tranh tài tại Hội thi khu vực phía Bắc có 14 đoàn đến từ Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam và thành phố Hà Nội.

Cùng với các tiết mục tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi Tổ quốc, quê hương, không hẹn mà gặp, nhiều đơn vị đã có các tiết mục đặc sắc, hát, múa về chủ đề biển đảo quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trong đó, một số tiết mục thể hiện sự sáng tạo, đầu tư công phu về trang phục, hiệu ứng hình ảnh, đạo cụ... như: Nơi đảo xa (Đăng Hưng và tốp ca nam nữ - Bắc Giang), Huyền thoại Hoàng Sa - Trường Sa (Đăng Hưng, Đức Chinh - Bắc Giang), hát văn Tri ân chiến sĩ đảo xa (Hồng Na và tốp múa - Thái Bình), múa Nơi đảo xa (tốp múa khiếm thính - Hà Nội)...

Đáng khâm phục và tự hào hơn nữa là hầu hết các đơn vị đều có những tiết mục về người khuyết tật, thể hiện sự nỗ lực vươn lên làm chủ bản thân, vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng xã hội, ước mơ xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tươi sáng hơn. Khán giả thực sự xúc động nghẹn ngào khi xem tốp trẻ khiếm thính đoàn Bắc Ninh hát bài "Hai ngọn lửa" bằng ngôn ngữ ký hiệu, khi nghe Nguyễn Tiến Dũng đoàn Phú Thọ "tâm sự" qua bài hát "Lời người khiếm thị", Đức Chinh (Bắc Giang) cất cao điệp khúc "Trả lại cho em cuộc sống bình yên" hay ca khúc "Hãy trả lại em" do song ca Đinh Thị Bông, Doanh Đức Trường đoàn Bắc Kạn thể hiện. Cùng chủ đề này còn có bài múa "Dắt nhau đi học chữ" của đoàn Sơn La, hát "Trái tim không tật nguyền" của Vũ Bá Quyền, đoàn Hà Nam...

Có thể nói, tất cả các tiết mục tham dự hội ngoài sự xuất sắc về nghệ thuật, còn thể hiện khát vọng cháy bỏng vượt lên số phận, hoàn cảnh, được sống hòa nhập vào cuộc sống của những người khuyết tật. Thời gian hai ngày tại Vĩnh Phúc, khán giả đã được thưởng thức một bữa tiệc nghệ thuật đầy cảm xúc, còn với những diễn viên khuyết tật, họ đã được cháy hết mình với nghệ thuật, với lời ca tiếng hát, làn điệu của quê hương, với sân khấu tình người. Họ mang đến Hội thi sự bất ngờ trên cả mong đợi về cả chất lượng nghệ thuật lẫn mục đích, ý nghĩa mà Ban Tổ chức Hội thi đã đề ra.

Đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc

Tận dụng lợi thế khu vực vốn có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc, mỗi địa phương lại có một bản sắc văn hóa riêng, các diễn viên, nhạc công người khuyết tật đã đem đến Hội thi những sắc màu rực rỡ không chỉ ở trang phục mà ở các thể loại âm nhạc mang đặc trưng quê hương mình. Từ những làn điệu chèo trên quê hương Thái Bình, đến quan họ Bắc Ninh, từ làn điệu dân ca của dân tộc Nùng (Cao Bằng) đến dân ca Phú Thọ, hát ru dân tộc Mường, điệu múa trong trang phục của người Mông.. làm cho các diễn viên dù mang khiếm khuyết trên cơ thể nhưng vẫn trở nên xinh đẹp, đáng yêu như những đóa hoa rực rỡ trên sân khấu. Các tiết mục múa được ban giám khảo đánh giá là có trang phục đẹp, nền nã, bám sát chủ đề tiết mục, có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng như: "Những cánh hoa rừng" (Thái Nguyên), "Nơi đảo xa" (Hà Nội), "Anh hãy về quê em" và "Thái Bình quê lúa" (Thái Bình), "Vui được mùa bản em" (Cao Bằng)... tất cả giống như những bông hoa trong vườn hoa đầy sắc màu dân tộc.

 

Đặc biệt, thông qua chất liệu âm nhạc dân tộc, nhiều đơn vị đã khéo léo lồng ghép hoạt động của Hội, những kết quả bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi cũng như tấm lòng, sự tri ân của đối tượng đối với Hội. Cả khán phòng đã thực sự bất ngờ và khâm phục khi các diễn viên, khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động đoàn Thái Bình cùng hòa nhịp trong ca khúc tự biên "Khúc hát giao duyên". Họ hát với niềm hân hoan, phấn khởi, niềm tự hào về quê hương mình, về những việc làm tốt đẹp mà Hội đã mang đến cho họ. Cũng qua những lời ca, tiếng hát, họ khẳng định quyết tâm vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn bằng những việc làm cụ thể như học nghề, sinh kế...

Theo dõi suốt 2 ngày diễn ra Hội thi, điều khán giả cảm nhận được ngoài tài năng nghệ thuật còn có sự tự tin, biểu diễn chân thực, hết mình của người khuyết tật. Họ không hề lo sợ, lúng túng trước khán giả và ánh đèn sân khấu, vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm về ngoại hình để đạt hiệu quả của tiết mục. Trên sân khấu, có người không còn đôi tay, đôi chân không lành lặn, họ vẫn cất cao tiếng hát, gửi theo mỗi câu hát là ánh nhìn trìu mến, yêu thương (song ca Tình ta biển bạc đồng xanh, do Nguyễn Xuân Trường và Vũ Thanh Mai đoàn Hà Nội). Những người khiếm thị, dù không nhìn thấy nhau, nhưng cùng với cái nắm tay thật chặt họ vẫn tự tin "diễn" trên sân khấu, minh họa cho tiết mục của mình rất thành công (tiết mục song ca "Trên công trường rộn tiếng ca" do Mạnh Dũng và Hoài Thương đoàn Vĩnh Phúc), có diễn viên dù bắt nhịp chậm hơn nhạc vẫn tự tin, không lúng túng thể hiện hết tiết mục của mình (Phạm Gia Lộc, đoàn Thái Nguyên)...

Theo đánh giá của Ban giám khảo, tại hội thi cũng đã xuất hiện nhiều tài năng biểu diễn nhạc cụ đã tiếp cận được với nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp như: độc tấu sáo "Xuân về bản Mông" (Đức Quảng, đoàn Sơn La), độc tấu đàn óoc-gan tác phẩm "Toccata and Fugue in D minor" (Đào Thị Thúy, đoàn Hải Dương), độc tấu đàn Nguyệt "Quê ta" (Thái Quốc Thanh, đoàn Bắc Ninh) độc tấu đàn Bầu "Lên Ngàn" (Vũ Bá Nhất, đoàn Hà Nam), độc tấu đàn ghita (Nông Văn Linh đoàn Cao Bằng) và một số tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Nhiều giọng hát triển vọng như Hải Yến (Hà Nội), Tiến Dũng (Phú Thọ), Đăng Hưng (Bắc Giang), Hoài Thương, Mạnh Dũng (Vĩnh Phúc), Đào Xuân Đạt (Thái Nguyên)...

Có thể nói, sự cố gắng của Ban Tổ chức, sự nỗ lực hết mình của các anh chị em diễn viên người khuyết tật đã đem đến thành công của Hội thi khu vực III, các tỉnh phía Bắc. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị trí quan trọng của văn hóa, văn nghệ trong đời sống của mỗi người nói chung và người khuyết tật nói riêng đặc biệt là thấy được tiềm năng dồi dào của người khuyết tật. Kết thúc Hội thi khu vực III, Ban Tổ chức đã trao tặng 14 Huy chương Vàng, 28 Huy chương Bạc cho các tiết mục xuất sắc, 6 Giấy khen cho các tiết mục và diễn viên để lại ấn tượng như: ông Phùng Quang Hòe (diễn viên cao tuổi nhất, đoàn Vĩnh Phúc), em Nguyễn Thị Thanh Nguyệt (diễn viên nhỏ tuổi nhất, đoàn Bắc Ninh), tiết mục "Tình ta biển bạc đồng xanh" (đoàn Quảng Ninh), tiết mục "Sức mạnh nhân đạo" (đoàn Bắc Kạn), tiết mục "Đợi nàng" (theo điệu "Nàng ới" của dân tộc Nùng, Lý Văn Hiệp đoàn Cao Bằng) và 14 Giấy khen cho các đoàn tham dự Hội thi.

Bốn đoàn Vĩnh Phúc, Sơn La, Thái Bình và thành phố Hà Nội sẽ đại diện cho khu vực III tham gia chung kết Hội thi tại Hà Nội cùng với các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2014.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi