Tại Việt Nam, công tác xã hội đang trở thành một nghề chuyên nghiệp, có vai trò rất quan trọng không chỉ được nhà nước công nhận về mặt pháp lý, được xã hội thừa nhận, mà còn trực tiếp giải quyết được những vấn đề xã hội, vấn nạn xã hội; giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, giảm bất bình đẳng và mâu thuẫn trong xã hội, mang lại niềm vui, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.
Rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt đang cần sự chia sẻ,
cảm thông sâu sắc từ những người làm công tác xã hội
Giải quyết không tốt công tác xã hội sẽ nảy sinh mâu thuẫn và bất ổn xã hội
CTXH được xem là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già ...). Vì vậy, sứ mệnh của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng.
Những vấn đề nêu trên không chỉ giải quyết bằng luật pháp, bằng tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội mà nó đòi hỏi phải có sự can thiệp mang tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, chuyên gia được đào tạo về CTXH với cách giải quyết mang đầy tính nhân văn, nhân ái, nhân đạo phù hợp với truyền thống và đạo lý của người Việt Nam. Vì nếu giải quyết không tốt sẽ nảy sinh mâu thuẫn và bất ổn xã hội.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh. Thực tế cho thấy, đa phần nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển có tính tự phát chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã, đôi khi là những người dân tự nguyện. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.
Đặt mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dành kinh phí 2.347,4 tỉ đồng để thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), còn gọi là Đề án 32. Sau hơn 4 năm thực hiện, Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2014, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, CTXH đã đạt được những kết quả bước đầu khá ấn tượng. Các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án.
Đầu tư thích đáng cho công tác xã hội
Tuy nhiên, để CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp thật sự và hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần có bước đi và lộ trình thích hợp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nhanh về số lượng và chất lượng nghề CTXH. Tại Lễ kỷ niệm ngày CTXH thế giới lần thứ 17 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã kiến nghị: Điều kiện đầu tiên là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến CTXH, những người làm CTXH, nghề CTXH để có đầu tư thích đáng cho công tác này, nghề này.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các báo, đài có nhiều các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, nhu cầu, cũng như ý nghĩa chiến lược về phát triển CTXH và nghề CTXH đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn nạn xã hội đa dạng và phức tạp giữa con người với con người chỉ bằng kinh nghiệm vốn có, bằng ý chí mà phải bằng phương pháp tiếp cận khoa học, sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn, về nguyên nhân nảy sinh dựa trên cơ sở phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, hướng tới sự bình đẳng tiến bộ xã hội... đó mới là cách giải quyết cơ bản và hiệu quả nhất.
Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy hoạch, phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH công lập và ngoài công lập, phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội và đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ, từ hướng dẫn, tư vấn, tham vấn cho các đối tượng xã hội có nhu cầu. Trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ CTXH đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, cá nhân, cộng đồng có vấn đề xã hội.
Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, xây dựng khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội làm cơ sở cho Nhà nước, các nhà tài trợ và gia đình đối tượng thanh toán cho cơ sở cung cấp dịch vụ công lập, ngoài công lập và doanh nghiệp xã hội chăm sóc và trợ giúp đối tượng; chuyển chức năng chi trả trợ cấp xã hội sang doanh nghiệp xã hội thực hiện; cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp tập trung vào chức năng quản lý Nhà nước và kiểm tra, giám sát.
Tập trung bồi dưỡng đào tạo theo hướng chuyên ngành
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm... Đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở...
Trái ngược với các con số trên, lực lượng làm CTXH của ta còn quá nhỏ bé với khoảng 35 nghìn người, hiện làm việc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn, các cơ sở chăm sóc người già, người tàn tật, các trung tâm bảo trợ xã hội... trong đó, có tới hơn 90% chưa qua đào tạo và chưa được xếp ngạch bậc lương, cũng như chưa có chế độ phụ cấp nghề nghiệp để lực lượng lao động này yên tâm gắn bó với công việc.
Do vậy, Bộ GD&ĐT, các trường đã có chuyên ngành CTXH vừa đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp với điều kiện của nước ta, tập trung đào tạo theo hướng chuyên ngành và đào tạo thực hành với các đối tượng xã hội, vừa tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển nghề CTXH trong thời gian tới. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần quan tâm, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới, để sau khi học người học có đủ phẩm chất nghề nghiệp và kỹ năng làm việc trong lĩnh vực này; nghiên cứu phát triển các dịch vụ CTXH trong trường học.
Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu, phát triển các dịch vụ CTXH trong các bệnh viện. Các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, chủ động bố trí nguồn lực, nhân lực cho CTXH; lồng ghép, xác định phát triển nghề CTXH là một nội dung của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thí điểm mô hình doanh nghiệp xã hội trợ giúp các đối tượng xã hội.
Trong quá trình đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp cần chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong đoàn viên, hội viên về nghề CTXH; tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia CTXH; tham gia triển khai thực hiện đề án.
CTXH là công việc thường làm nhưng chưa được chuẩn bị bài bản; nếu xem đây là nghề thì còn rất mới mẻ. Do đó, chúng ta cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề CTXH với các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Chúng ta đều hiểu, đối tượng được chăm sóc, phục vụ của CTXH là những người đặc biệt nên bên cạnh những nỗ lực của các Bộ, ngành, bên cạnh công tác nghiệp vụ thì những người thực hiện sứ mệnh của CTXH phải có sự cảm thông, tấm lòng chia sẻ nếu không sẽ rất khó hoàn thành được nhiệm vụ cao cả này.
---
Thế giới kỷ niệm Ngày công tác xã hội lần thứ 17
Sáng 11-11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 17. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã đến dự. Lễ kỷ niệm nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế, tăng cường mối quan tâm và nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của công tác xã hội và chất lượng đào tạo ngành Công tác xã hội. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đánh giá cao vai trò của ngành công tác xã hội trong sự phát triển của đất nước. Đồng thời, biểu dương và ghi nhận thành tích của các tập thể, cá nhân đã nỗ lực, cố gắng, tích cực tham gia để nghề công tác xã hội ngày càng phát triển. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trao tặng Bằng khen cho 15 tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2014.
Vũ Trọng Kim
Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam
(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Tin mới
- Tỉnh hội Nghệ An: Đại hội Đại biểu huyện Hội Nghĩa Đàn lần thứ Nhất - 19/11/2014 01:50
- Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc - Khu vực phía Bắc: Khát vọng từ những lời ca - 19/11/2014 01:46
- Xe đạp điện 3 bánh tự chế của bác sĩ Sài Gòn - 18/11/2014 03:27
- Hà Nội: Thêm cơ hội cho trẻ em khuyết tật - 18/11/2014 03:24
- Quảng Bình thí điểm giáo dục từ xa cho trẻ khuyết tật - 18/11/2014 03:22
Các tin khác
- Điều chỉnh lương, trợ cấp một số đối tượng - 13/11/2014 02:55
- Xúc động cuốn tự truyện “Không thể vỡ” của bệnh nhân xương thủy tinh - 12/11/2014 09:57
- Cơ hội du học Australia cho Người khuyết tật - 11/11/2014 03:26
- Hội thi Tiếng hát người khuyết tật khu vực phía Bắc: Nơi người khuyết tật thể hiện tài năng nghệ thuật - 10/11/2014 03:17
- Trẻ khuyết tật có thể nhập học mầm non cao hơn 3 tuổi với quy định - 08/11/2014 07:05