Sáng tinh sương, các trò đã tíu tít: "Cô ơi! Mình đi thôi...". Thấy trò háo hức, tôi mừng thầm. Mấy hôm rồi, chỉ lo các em ngại ngần thì những tính toán của tôi khó thành hiện thực.
Chia sẻ yêu thương với các em nhỏ.
Dự liệu của chúng tôi cho chuyến đi trải nghiệm này là cơ hội để các em thâm nhập, hiểu thêm về đời sống, sẻ chia khó khăn... Trời mù mịt, sương khói cuộc vào nhau. Gió lạnh tát vào người, da mặt bì ra, tê cứng, không còn cảm giác. Những chiếc xe cồng kềnh hàng hóa lầm lũi băng đi trong cái lạnh mù trời của vùng đất biên cương.
Qua đoạn đường mòn. Xe lao dốc. Nhiều lúc cảm giác đầu mình chúc thẳng xuống mặt đường. Những hòn đá kềnh càng, chềnh ềnh giữa lối chúng tôi đi. Ổ gà, ổ voi. Xe rập roành roành. Có những đoạn, chỉ có khe đường bé xíu để bánh xe chen vào, bên kia là vực thẳm. Qua những quãng đó, tim tôi thắt lại, ngỡ như ngừng thở. Chỉ cần chếnh choáng chút là cả người cả xe rơi tõm xuống phía bên kia đường.
Vượt qua những quả đồi.
Hết dốc. Chúng tôi phải vượt núi. Gửi tạm xe vào ngôi nhà rìa đường, chúng tôi khuân đồ leo núi. Những bạn nam trong nhóm tự nguyện vác những thùng to xông lên trước. Trong đoàn, tôi yếu nhất, không quen đường, nên cứ lọ mọ phía sau. Thấy tôi mãi tụt lại, em học sinh bản địa quay lại nhoẻn miệng cười: "Ba cây thôi, không xa đâu cô!"
Chỉ khi những bàn tay cóng cơ bắt chặt vào đá, đánh đu người trên những dốc cheo leo thì chúng tôi mới nhận thức thấm thía hết cái lam lũ, nhọc nhằn của những người dân nơi đây. Tôi trộm nghĩ: "Thì ra là đây, tận cùng của những nghiệt ngã cuộc sống mà người ta buộc phải vượt qua để sinh tồn".
Đâu đó bên kia đèo, tiếng trẻ con cười vang, vọng vào vách núi những thanh âm trong trẻo như huyết khí của đất trời. Vượt qua quả đồi, đập vào mắt chúng tôi là những mái nhà, mái lều lụp xụp, tả tơi. Góc một khoảng đất trống, một lũ trẻ nhếch nhác tụm lại, lấm lét sau những tàu lá chuối rủ xuống khi thấy bóng chúng tôi tiến tới. Gần hơn, chúng tôi thấy rõ những đôi môi tím tái, run lập cập vì lạnh. Lỗ chỗ sau những mảng áo rách rưới, làn da đen đúa. Cạnh đó là đám tàn tro, tro bay bụi mù, tro dính bết vào lớp đất cáu bẩn dày bì trên những đôi bàn chân bé xíu...
Tôi luống cuống gỡ vội mấy túi ni lông, dứt toạc cả lớp bóng bọc ngoài, kéo ra những chiếc áo trẻ em cũ khoác vội vào người mấy bé. Các trò của tôi cũng dứt thùng sữa, lôi ra những hộp chia cho các em nhỏ. Ngỡ ngàng. Bối rối. Cô trò tôi như bừng tỉnh.
Chúng tôi đi qua đám trẻ, xuôi theo con dốc và bám vào sườn núi, hướng thẳng những mái nhà lụp xụp tiến tới. Dự định ban đầu của cô trò tôi là sẽ mang đồ vào cho bốn gia đình nghèo nhất trong thôn. Em học sinh bản địa chỉ tay về phía ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến. Dúm dó bên góc đồi là ngôi nhà của gần hai mươi con người. Nói là nhà, chứ thực ra là túp lều rách rưới, mỗi phía mấy phên liếp đan cài sơ sài vào nhau. Trên mặt đất, lỏng chỏng mấy xoong nồi méo mó và mấy chiếc áo tả tơi vứt bừa bãi nơi góc nhà.
Chẳng có thời gian ở đâu lâu, chúng tôi vội vã sang nhà thứ hai, bất chợt học sinh gọi: "Cô ơi, nhìn kìa!". Tôi ngoảnh lại. Một toán trẻ nép mình vào giọt ranh một góc nhà, đa số các em chỉ có manh áo mỏng. Một cảm giác choáng váng. Tôi cuống cuồng chạy đến bên mấy em nhỏ đang tê dại đi vì rét. Các trò của tôi cũng líu ríu chạy đi tìm quần áo và sữa...
Ngôi nhà tiếp theo chúng tôi tìm đến chỉ có người phụ nữ duy nhất ở nhà. Chị chia sẻ: "Nhà nghèo lắm! Chẳng có gì..!". Và chị cười, nụ cười hồn nhiên, tươi tắn và mộc mạc! Dường như, ở những con người này, sự sống đơn thuần là tồn tại như cây cỏ đất trời, chứ chẳng hề dính dáng chút bon chen của đời sống đô thị. Trong lúc tôi lụi hụi chọn đồ tặng cho gia đình, thì em học sinh bê ở góc nhà ra một chiếc nồi rất to. "Mèn mén này cô! Món ăn của nhà họ đấy. Làm bằng ngô say cô ạ...!"
Đón tiếp chúng tôi ở địa chỉ cuối là cụ bà đã ngoài 80 tuổi. Ở cụ, cái hồn hậu phát tiết trong từng cử chỉ, lời nói. Cụ nói tiếng bản địa nên tôi không hiểu, nhưng trong ánh mắt nhân từ mà cụ nhìn chúng tôi, chúng tôi cảm nhận được tình cảm cụ dành cho đoàn. Từ biệt cụ rồi, mà tôi cứ day dứt, ám ảnh mãi về dáng người bé nhỏ ấy cuộn tròn trong ổ rơm ở góc nhà.
Và cứ thế, chúng tôi đi hết những dự định và ngoài cả những dự định khi bóng chiều đã tắt hẳn sau núi. Lúc này cô trò thấm cái đói cái khát nên buộc phải về, bởi phía trước vẫn là một lộ trình dài gai góc. Cảm giác trở về không còn lê thê như trước, nhưng hiếm hơn những tiếng cười. Chúng tôi lụi cụi đi và dường như tất cả cùng ẩn chứa một nỗi niềm từa tựa.
Chắc chắn, tôi vẫn còn trở lại mảnh đất này. Tiến Hậu (thôn Tiến Hậu, xã Nhất Tiến, Bắc Sơn, Lạng Sơn), cái tên xa xôi mà giờ đã thành thân thương quá! Nơi đây, vừa là kỉ niệm, vừa chứa đựng ước mơ của tôi, ước mơ được nhìn thấy những em bé không còn bị cái đói, và cái rét hành hạ nữa...!
(Theo tamguong.vn)
Tin mới
- Tỉnh Hội Hà Tĩnh: 45 người khuyết tật học nghề “ Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng” - 14/01/2015 01:43
- Chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa - 14/01/2015 01:38
- Thị xã có 1.500 người khuyết tật mắt ở miền Tây - 13/01/2015 07:29
- Đề xuất phụ cấp đặc thù cho một số nhà giáo - 13/01/2015 07:27
- Trả lương chậm quá 15 ngày phải trả thêm tiền - 13/01/2015 03:44
Các tin khác
- 11 đôi vợ chồng khiếm thị tố nhẫn cưới từ thiện là 'vàng giả' - 09/01/2015 06:59
- Tuyển dụng người khuyết tật – Doanh nghiệp còn e ngại - 08/01/2015 03:07
- Những người trẻ ngày đêm bên người bệnh - 07/01/2015 02:35
- Các mô hình hỗ trợ người khuyết tật - 01/01/2015 03:44
- Tỉnh Hội Bình Dương: Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ bò sinh sản - 01/01/2015 03:33