Thứ năm, 01 Tháng 1 2015 10:33

Sau 4 năm triển khai, chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương đã phát huy hiệu quả tích cực. Mô hình hỗ trợ bò sinh sản được đánh giá cao, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình đối tượng và được tỉnh hội tiếp tục nhân rộng trong giai đoạn 2014 - 2017.

Chương trình nuôi bò sinh sản trong dự án hỗ trợ sinh kế giúp cho hộ gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo do Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương tổ chức thực hiện từ năm 2011. Trong đó, năm 2011 là 22 con trao cho 22 hộ gia đình người khuyết tật nghèo, trẻ mồ côi nghèo của 3 xã Lạc An (Tân Uyên), Thanh An (Dầu Tiếng) và Tân Hiệp (Phú Giáo). Năm 2012, 16 con bò cái sinh sản tiếp tục được cấp cho 16 hộ của xã Lạc An (giai đoạn 2), xã Tân Mỹ (Tân Uyên), An Long (Phú Giáo), Long Nguyên (Bến Cát) và phường Bình An (Dĩ An). Tiếp tục trong năm 2014, tỉnh Hội quay vòng 2 con bò cái sinh sản cho 02 hộ gia đình người khuyết tật nghèo xã Bạch Đằng (Tân Uyên).

Theo cách làm của tỉnh Hội, cứ sau mỗi 36 tháng nhận nuôi, hộ gia đình có người khuyết tật, trẻ mồ côi tham gia chương trình trong dự án sẽ phải hoàn trả lại vốn được giao ban đầu (bò cái đạt 12 tháng tuổi trở lên, cao 1,1 m trở lên). Số bò này sẽ tiếp tục được xoay vòng cho hộ khuyết tật nghèo, trẻ mồ côi nghèo khác trên địa bàn. Các gia đình được giữ lại phần lãi (gồm bò mẹ cùng bê con) và duy trì những năm tiếp theo để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng. Theo lãnh đạo tỉnh Hội, thời gian 36 tháng đã được tính toán để đảm bảo các gia đình tham gia dự án đều có lãi. Sau 36 tháng, bò mẹ thường sinh được 1 - 2 bê con, đến thời gian hoàn trả vốn, bò mẹ còn tiếp tục được phối giống lần 2 hoặc lần 3, bò con đời F1 cũng sanh bê con hoặc cũng đã được phối giống, trong khi hộ gia đình nhận nuôi chỉ phải trả cho chương trình 01 con bò cái con.

Với cách làm này, từ nguồn vốn 22 bò cái sinh sản năm 2011, đến tháng 12/2014, tỉnh Hội Bình Dương đã tổ chức chuyển giao xoay vòng 14 con bò sinh sản của chu kỳ 1 (giai đoạn 2011 - 2014) cho 14 hộ mới tham gia vào chương trình giai đoạn tiếp theo (2014 - 2017). Nâng tổng nguồn vốn bò sinh sản của tỉnh Hội lên 54 con (lãi bê con tính đến tháng 11/2014 là 43 con, trong đó vốn bò sinh lần 1 là 34 con (17 cái, 17 đực), vốn bò sinh lần 2 là 9 con ( 5 cái, 4 đực).

Trong các đơn vị thực hiện chương trình chăn nuôi bò sinh sản hiệu quả, đơn vị thực hiện có lãi và bảo toàn nguồn vốn tiêu biểu là xã An Long (huyện Phú Giáo), xã Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) và phường Bình An (thị xã Dĩ An). Có thể kể tên một số hộ gia đình NKT nuôi đạt hiệu quả và có lãi cao tiêu biểu như: anh Phùng Văn Nghĩa, ấp Thanh Tân, xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng), bò mẹ sinh 2 bê con, bê con đời F1 sinh 01 bê con; hộ gia đình chị Hà Thị Yến, ấp Bàu Cây Cá, xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng), bò mẹ sinh 2 bê con và vừa phối giống lần 3; hộ gia đình chị Hoàng Thị Thu, ấp 1 xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo), bò mẹ sinh 01 bê con và đã phối giống lần 2, bê con cũng đã được phối giống.

Trao bò sinh sản cho người khuyết tật giai đoạn 2014 – 2017

Theo đánh giá của tỉnh Hội, chương trình nuôi bò sinh sản trong dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ gia đình người khuyết tật nghèo, trẻ mồ côi nghèo do Hội thực hiện tại các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nội dung chương trình của dự án phù hợp với hộ gia đình người khuyết tật tại các xã xây dựng nông thôn mới. Dự án không chỉ tạo việc làm, mở ra nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ nguồn lãi được chương trình tặng lại cho hộ được hưởng (bò mẹ và bê con), mà giúp cho người khuyết tật tự tin, hòa nhập cộng đồng, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, việc làm của cộng đồng đối với người khuyết tật. Ngoài ra, việc tham gia lao động, sản xuất (chăn nuôi bò) còn giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự ti để tự tin, vươn lên.

Ngoài ra, dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ người khuyết tật nghèo, trẻ mồ côi nghèo của tỉnh đã một phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương, giúp cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần hoàn thành tốt chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi