Thứ bảy, 07 Tháng 2 2015 10:31

Thực hiện Luật NKT, từ năm 2011 đến nay, ngoài trợ giúp theo chương trình hoạt động Hội, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền Luật rất tích cực và hiệu quả như: tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Luật NKT, tập huấn và trợ giúp pháp lý cho NKT và cán bộ làm công tác liên quan đến NKT về chế độ chính sách liên quan đến NKT. Tiếp tục quan tâm đến quyền lợi của NKT và thực hiện chức năng của tổ chức Hội đặc thù, từ cuối năm 2014, Hội bắt đầu triển khai hoạt động khảo sát, điều tra việc thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với NKT, thí điểm tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng.

NKT được thụ hưởng chính sách tăng

Năm 2015 đánh dấu mốc 5 năm thực hiện Luật NKT, 5 năm thực hiện Đề án Phát triển Nghề Công tác xã hội, 4 năm thực hiện Đề án trợ giúp NKT. Tổng kết những kết quả đạt được và rút ra những kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai các hoạt động này sẽ là cơ sở để các cơ quan Nhà nước nói chung, tổ chức Hội nói riêng tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. Xuất phát từ nhu cầu đó, từ cuối năm 2014, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát, điều tra việc thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với NKT. Hội đã phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện Đan Phượng tổ chức thí điểm tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng.

Theo bà Bùi Thị Minh Nguyệt - Phó Phòng LĐTBXH huyện Đan Phượng "Ngay sau khi tiếp thu Luật NKT, Nghị định số 28/CP về thực hiện một số điều của Luật NKT và một số văn bản hướng dẫn, phòng LĐTBXH đã có văn bản hướng dẫn đến các xã, phường trong huyện. Tháng 12/2014, theo ý kiến của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội về việc thí điểm khảo sát đánh giá việc thực hiện một số chế độ chính sách của Nhà nước với NKT, Phòng LĐTBXH huyện đã tổ chức chỉ đạovà lựa chọn xã Phương Đình. Đồng thời, tổng hợp, rà soát lại tình hình thực hiện chế độ với NKT trên địa bàn huyện".

Qua theo dõi, các xã, thị trấn đều thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đối với NKT, việc rà soát, xác định mức độ khuyết tật, hướng dẫn lập hồ sơ hưởng chế độ xã hội và các loại hỗ trợ đều được thực hiện đúng quy trình, theo quy định. Đến cuối 2014 đã có 16/16 xã, thị trấn của huyện thực hiện việc xác định khuyết tật, xác định đánh giá, cấp giấy chứng nhận cho 2.405 NKT. Trong đó có 208 NKT đặc biệt nặng, 1.461 NKT nặng, 556 NKT nhẹ, có 321 NKT thuộc hộ nghèo và 390 NKT thuộc hộ cận nghèo; thực hiện điều chỉnh trợ cấp xã hội theo quy định của Nghị định 28 cho 128 NKT đặc biệt nặng, 978 NKT nặng và tham mưu cho UBND huyện quyết định trợ cấp xã hội cho 135 NKT. Trong số NKT thuộc diện hưởng trợ cấp có 108 người hưởng các loại trợ cấp hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công. 100% NKT đang hưởng chế độ xã hội đều được hưởng bảo hiểm y tế của Nhà nước theo quy định.

Tại xã Phương Đình, theo kết quả điều tra tháng 12/2014, toàn xã có 143 NKT, trong đó, NKT mức đặc biệt nặng là 21 người, NKT mức nặng 103 người, NKT nhẹ là 19 người. Có 21 người thuộc diện hộ nghèo và 31 người thuộc diện cận nghèo. UBND xã Phương Đình đã tổ chức xét duyệt, đề nghị điều chỉnh mức trợ cấp xã hội đối với 91 NKT. 100% NKT trong xã đã được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Anh Phạm Văn Hà, NKT thôn Địch Đình cho biết: "Từ khi có Luật NKT, tôi và nhiều NKT khác trong xã đã được quan tâm hơn. Năm 2012, cán bộ đến tận nhà tôi khảo sát, giúp tôi lập hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội đối với NKT. Hiện nay tôi đang được hưởng trợ cấp 520.000 đồng/tháng, được cấp thẻ BHYT, đi khám chữa bệnh rất thuận lợi".

Những bất cập còn tồn tại

Qua khảo sát, những con số mà Phòng LĐTBXH huyện Đan Phượng cũng như Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi thành phố Hà Nội thu được đã phản ánh cụ thể, rõ nét tình hình thực hiện Luật NKT cũng như các chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng này. Bên cạnh đó, thành Hội cũng đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật. Việc theo dõi, xác định, đánh giá mức độ khuyết tật, xét duyệt trợ cấp của xã nói riêng và toàn huyện nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Xuân Khăng - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình, huyện Đan Phượng: "Công tác tuyên truyền, chủ trương, chính sách đặc biệt là Luật NKT đến người dân có lúc chưa thường xuyên. Một số người dân nhận thức chưa đúng về Luật NKT nên vẫn còn trường hợp đề nghị xét mức độ khuyết tật cho người thân không thuộc đối tượng NKT (người bị bệnh). Người dân nộp hồ sơ xét duyệt không theo đợt gây khó khăn cho hội đồng xét duyệt của xã. Bên cạnh đó, Hội đồng xét duyệt mức độ khuyết tật của xã chủ yếu không có chuyên môn về y tế, chưa được tập huấn về nghiệp vụ y tế, nên còn lúng túng trong việc xác định mức độ khuyết tật, nhất là đối với người bệnh tâm thần và khuyết tật trí tuệ. Hiện nay, việc đánh giá mức độ khuyết tật mới chỉ dựa trên quan sát trực tiếp, thông qua các dụng cụ y tế chưa được chính xác. Nhiều đối tượng là NKT nhẹ, có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện được trợ cấp.

Anh Phạm Văn Hà, NKT thôn Địch Đình chia sẻ về việc thụ hưởng chế độ chính sách của mình

Từ thực tế triển khai thực hiện Luật NKT và các chính sách của Nhà nước liên quan đến NKT, đại diện Hội đồng xét duyệt mức độ khuyết tật, UBND xã Phương Đình và huyện Đan Phượng đề xuất với thành phố và Trung ương tổ chức tập huấn cho các thành viên của Hội đồng xét duyệt mức độ khuyết tật của cấp xã, huyện hoặc có văn bản hướng dẫn việc xác định mức độ khuyết tật cụ thể hơn để hội đồng xã tổ chức tốt việc xác định và đảm bảo chính xác, đúng đối tượng. Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, có chế độ trợ cấp đối với NKT nhẹ thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Dù mới tiến hành khảo sát thí điểm tại 1 xã nhưng những vấn đề được phát hiện đã giúp Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội có thêm thông tin hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động của mình. Theo bà Xuân Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực thành Hội, hoạt động này sẽ được thành Hội tiếp tục trong thời gian tới để có thêm thông tin làm cơ sở cho Hội và các cơ quan Nhà nước tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động trong những năm tiếp theo, thực hiện tốt hơn các quy định của Nhà nước với NKT và đạt được các chỉ tiêu mà Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020 đề ra.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi