Thứ ba, 16 Tháng 1 2018 14:37

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền địa phương, của bản thân gia đình, người khuyết tật và của toàn xã hội. Với sự tích cực, chủ động cùng sự sáng tạo trong việc triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện thành công nhiều mô hình hiệu quả, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập cho hàng trăm người khuyết tật trên địa bàn.

Nỗ lực trong dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 214.111 người khuyết tật, trong đó có 76.043 người ở độ tuổi lao động, số NKT có nhu cầu được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh khoảng 53.000 người, chiếm 70%.

Lao động khuyết tật là đối tượng ưu tiên số một trong các nhóm đối tượng lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Trong giai đoạn 2012 - 2014, việc thực hiện dạy nghề cho NKT được UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức lồng ghép với các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, kinh phí được cấp cho các huyện để tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, số lượng NKT tham gia học nghề còn ít.

181D y ngh  May  ông Minh

Từ năm 2015 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho 1.650 NKT là lao động nông thôn với kinh phí 3.480 triệu đồng. Nghề được đào tạo chủ yếu là thủ công mỹ nghệ, khoảng 70% NKT có việc làm sau khi được đào tạo nghề, thu nhập bình quân khoảng từ 2,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với Sở LĐTB&XH, Trường Trung cấp Nghề thanh thiếu niên khuyết tật đặc biệt khó khăn thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Thanh Hóa trong năm 2015 đã tổ chức dạy nghề cho 288 người. Trong đó, hệ Trung cấp có 62 người, sơ cấp có 226 người, kinh phí đào tạo 9 triệu đồng/người/khóa, tổng kinh phí là 2.595 triệu đồng. Năm 2016 tổ chức dạy nghề cho 248 người, trong đó, hệ trung cấp có 36 người, sơ cấp có 212 người, kinh phí 8,4 triệu đồng/người/khóa, tổng kinh phí thực hiện là 2.075 triệu đồng. Năm 2017 trường này đào tạo 316 người, trong đó trung cấp 42 người, sơ cấp 274 người, kinh phí 8,5 triệu đồng/người/khóa.

Trong 5 năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tổ chức được 53 lớp dạy nghề cho 1.397 học viên là NKT, tổng kinh phí đào tạo là 5.162 triệu đồng do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và tổ chức Terre Des Hommes hỗ trợ. Các nghề đào tạo gồm mây tre đan, tranh đá quý, chế biến cói Sau học nghề 100% có việc làm, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cho NKT và nhận khoảng 770 lao động là NKT vào làm việc. Trong đó có 11 doanh nghiệp, cơ sở có chủ là NKT, 13 doanh nghiệp có lao động là NKT, 11 cơ sở có hội viên là người mù.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn NKT ở nông thôn không làm được các công việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ làm các công việc nội trợ phụ giúp gia đình là chính. Tuy nhiên, khả năng của họ cũng có thể làm được các việc khác như mây tre đan, thêu ren, thêu tranh nghệ thuật, làm tranh bằng vải vụn, may công nghiệp, dịch vụ sửa chữa mang lại thu nhập cho bản thân, Trong 6 tháng đầu năm 2017, Quỹ quốc gia về việc làm tại Thanh Hoá đã giải quyết cho 24 dự án của NKT vay vốn, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 35 NKT. Thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 21 NKT.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho NKT đã góp phần ổn định và tạo thu nhập cho bản thân và gia đình NKT, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, giúp NKT hòa nhập cộng đồng.

Xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho NKT đạt hiệu quả

Để dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đạt hiệu quả tích cực, bên cạnh việc phối, kết hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tỉnh Thanh Hoá còn nghiên cứu, xây dựng thành các mô hình đào tạo nghề cho NKT đạt hiệu quả tích cực. Trong đó phải kể đến mô hình hỗ trợ sinh kế tổng hợp và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.

Mô hình hỗ trợ sinh kế tổng hợp là một trong những mô hình hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm. Mô hình hướng tới mục tiêu giúp đỡ NKT có được việc làm tăng thêm thu nhập để có cuộc sống ổn định, bên cạnh đó còn giúp cho các đối tượng có tinh thần vui vẻ, hạnh phúc, xóa được mặc cảm để hòa nhập cộng đồng. Thanh Hoá hiện có một số mô hình đã triển khai khá hiệu quả như: Tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống đã thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế tổng hợp cho NKT với các nội dung hỗ trợ như xe lăn, sữa dinh dưỡng cho học sinh khuyết tật, trợ giúp công trình vệ sinh, xây dựng công trình nước sạch, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, giống chăn nuôi lợn thịt, xây dựng đường tiếp cận xe lăn, phẫu thuật mắt, phẫu thuật chỉnh hình, tập huấn về bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao năng lực cán bộ và cho NKT, dạy nghề làm nón truyền thống cho phụ nữ khuyết tật với tổng kinh phí là 364 triệu đồng. Trong đó, những NKT vận động nặng không thể đi lại được được trợ giúp xe lăn. Hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh kiểu tự hoại, tường gạch, bể phốt 3 ngăn, mái bằng bê tông cốt thép, diện tích khoảng 5m2.

181D y ngh  cói

Xã Quý Lộc, huyện Yên Định thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT với các nội dung hỗ trợ xe lăn, xe đạp, trợ giúp công trình vệ sinh, công trình nước sạch, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, giống chăn nuôi lợn thịt, xây dựng đường tiếp cận xe lăn, phẫu thuật mắt, phẫu thuật chỉnh hình, tập huấn về bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho NKT, dạy nghề chăn nuôi lợn hướng nạc cho phụ nữ khuyết tật, với tổng kinh phí dự án là 233 triệu đồng.

Đối với NKT việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có ý nghĩa thực tiễn rất cao, giải quyết cơ bản việc học nghề đi đôi với giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định cho NKT. Các đơn vị điển hình trong lĩnh vực này là mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm bền vững cho 44 NKT tại xã Tân Thọ, huyện Nông Cống và xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, kinh phí 250 triệu đồng do NCCD hỗ trợ. Hiện nay, mô hình này vẫn duy trì sản xuất, có việc làm ổn định, lao động khuyết tật có thu nhập 2,2 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã dạy nghề và phục hồi chức năng cho NKT 18/4 dạy nghề gắn với việc làm cho 100 lao động là NKT có việc làm thường xuyên, thu nhập từ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Tâm Ngọc, thị xã Bỉm Sơn dạy nghề tranh đá quý cho NKT gắn với việc làm, thu nhập của NKT 2 triệu đồng/người/tháng. HTX thủ công nghiệp Niềm tin 18/4 thường xuyên tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 100 lao động là NKT, thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hoằng Sơn, huyện Nông Cống nhận 25 lao động là NKT vào làm việc, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Minh Hành - PGĐ Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hoá cho biết, các mô hình hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Phần lớn NKT được hỗ trợ đều vươn lên làm kinh tế ổn định, tạo nguồn thu cải thiện cuộc sống. Đây thực sự là một trong những hướng trợ giúp thoát nghèo hiệu quả và bền vững, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của xã hội trong việc giúp đỡ, động viên NKT vượt qua khó khăn, mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi