Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 30.000 người khuyết tật tại trong đó hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Sự hạn chế do tình trạng khuyết tật cùng hoàn cảnh sống nghèo khó khiến người khuyết tật khó có được cuộc sống độc lập, hiếm khi có khả năng và điều kiện tham gia các hoạt động sản xuất để tự nuôi sống mình. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti trong họ.
Những năm qua từ nguồn kinh phí của Nhà nước và đặc biệt là các nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm tài trợ từ các dự án, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều chương trình dự án nhằm bảo trợ, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật đạt hiệu quả thiết thực, đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đặc biệt chú trọng tới người khuyết tật nghèo giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Qua gần 25 năm hoạt động, Hội đã tích cực vận động nguồn lực về tiền và hiện vật quy ra thành tiền gần 70 tỷ đồng để giúp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thông qua các chương trình như trao tặng phương tiện xe lăn xe lắc để đi lại mưu sinh, hỗ trợ tiền và hiện vật nhằm cải thiện thêm đời sống, tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ xây dựng và tu sửa nhà tình thương, quan tâm chăm sóc về y tế, trao tặng học bổng học phí cho học sinh khuyết tật và mồ côi, kịp thời cứu trợ khi thiên tai mưa bão lũ xảy ra...
Đặc biệt những năm gần đây, thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật, Hội đã và đang làm tốt các chương trình công tác theo kế hoạch đề ra, đến nay đã vận động được gần 30 tỷ đồng trợ giúp cho hơn 15.000 lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh.
Trên tinh thần quan điểm của Hội “Cho cái cần câu, hơn cho xâu cá” và “Cho cần câu, phải biết câu được cá”, đã xây dựng kế hoạch tập trung hỗ trợ trực tiếp vào những người khuyết tật đang gặp khó khăn trong cuộc sống thiếu vốn và chưa có kế hoạch mưu sinh cụ thể, với mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người khuyết tật cải thiện đời sống, thoát nghèo và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, trợ giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Vì vậy từ việc hỗ trợ giúp tiền và hiện vật, tỉnh Hội chuyển dần sang trợ giúp dạy nghề và giải quyết việc làm hỗ trợ sinh kế cho gia đình người khuyết tật, gia đình nuôi trẻ mồ côi. Tỉnh Hội được UBND tỉnh quan tâm cấp hơn 1300m2 đất để xây dựng Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật trực thuôc tỉnh Hội, đã và đang duy trì cũng như phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ công tác.
Tỉnh Hội đã vận động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để xây dựng hoàn thiện 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà thiết kế 2 tầng diện tích gần 2.000m2 gồm văn phòng, các phòng học, nhà xưởng, nhà ở nội trú, nhà ăn nhà bếp, sân chơi thể thao v.v.. Mua sắm trang bị máy móc để dạy các nghề như may dân dụng, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, vi tính văn phòng, thêu ren truyền thống, điện dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, cắt tóc trang điểm...
Năm 2017, tỉnh Hội và Trung tâm dạy nghề ngoài nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh, đã tranh thủ các nguồn dự án để đào tạo nghề cho người khuyết tật, thành tiền là trên 3,7 tỷ đồng, bổ sung thêm trang thiết bị , nguyên phụ liệu nhằm đảm bảo cho công tác dạy nghề, đào tạo sơ cấp nghề, tổ chức 19 khóa học với tổng số học viên là 355 học viên. Các em đến học nghề không phải nộp tiền học phí, được hỗ trợ ăn trưa bán trú, những học viên ở xa được tổ chức ăn ở nội trú. Sau đào tạo, có khoảng 60% học viên đã được giới thiệu việc làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, số còn lại Trung tâm đã tổ chức 3 xưởng sản xuất để gia công các mặt hàng may, mộc mỹ nghệ và thêu ren.v.v..
Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm thường xuyên liên kết cung ứng lao động với các Công ty xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để sau khi đào tạo nghề giới thiệu học viên vào làm; liên hệ với các đơn vị sản xuất để hợp đồng các nguồn hàng, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho những học viên không có việc làm hoặc chưa tìm kiếm được việc làm ngoài xã hội. Thu nhập bình quân tạo việc làm tại Trung tâm là 500.000 đến 1.000.000 đồng/tháng/học viên, một số em học viên có thu nhập trên 1.200.000 đ/tháng, đây là mô hình các em vừa được học nâng cao tay nghề vừa làm ra sản phẩm có thu nhập hàng tháng để giúp đỡ gia đình.
Từ thực tiễn công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đã cho thấy công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là chủ trương đúng đắn, hiệu quả để hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng.
Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là một chương trình ý nghĩa và hiệu quả cao trong việc hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng. Bởi khi được học nghề, làm nghề đã học, người khuyết tật có thể làm ăn sinh sống bằng sức lực và khả năng lao động của mình, tránh được tâm lý trông chờ, ỷ lại, bị động, tạo động lực, sự tự tin để họ vượt qua khó khăn vươn lên học tập, lao động, hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh công tác dạy nghề, tỉnh Hội Thừa Thiên Huế còn quan tâm thực hiện Chương trình hỗ trợ sinh kế cho gia đình có người khuyết tật, gia đình nuôi trẻ mồ côi nghèo, cận nghèo. Tỉnh Hội đã hỗ trợ mua 40 con bò cái sinh sản cho 40 hộ (trị giá gần 350 triệu đồng), trong đó có 25 hộ người dân tộc thiểu số tại huyện Nam Đông và thị xã Hương Trà. Đây là địa phương có đồi núi nhiều cỏ, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với điều kiện chăn nuôi bò và có lực lượng lao động. Đến nay, đàn bò đã sinh sản ra những con bê khỏe mạnh, ngoài việc bán bê giống mang lại thu nhập, các hộ gia đình nuôi bò còn tận dụng được nguồn phân bón trồng lúa, hoa màu, cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Tỉnh Hội cũng hỗ trợ cây con giống không hoàn lại cho 65 hộ có người khuyết tật mỗi hộ từ 1 đến 3 triệu đồng tại các địa phương huyện Phú Vang, huyện A Lưới để sản suất trồng lúa, trồng rừng, rau màu, cây hoa, cây hành, làm hoa giấy, chăn nuôi lợn, gà vịt..v..v.. mang lại nguồn lợi đáng kể giúp gia đình người khuyết tật và gia đình nuôi trẻ mồ côi cải thiện đời sống. Tỉnh Hội cũng hỗ trợ vốn vay không tính lãi suất cho 54 hộ gia đình nghèo có người khuyết tật vay với số tiền 162 triệu đồng để đầu tư sản xuất chăn nuôi, tiếp tục duy trì dự án vốn vay tại phường Tây Lộc, thành phố Huế, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, phường Phường Đúc, thành phố Huế...
Hoạt động hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm cho người khuyết tật của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế mang tính nhân văn sâu sắc, có thể xác định đây là một trong những hoạt động trợ giúp người khuyết tật thoát nghèo có hiệu quả bền vững lâu dài và thiết thực. Bởi hoạt động này bên cạnh tạo ra công việc có thu nhập tương đối ổn định cho người khuyết tật, còn giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti để vươn lên khẳng định năng lực của mình; đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mọi người trong việc quan tâm giúp đỡ và động viên người khuyết tật.
Phạm Bá Vương
Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh Thừa Thiên – Huế
Tin mới
- Tỉnh Hội Hà Tĩnh: Trao quà, xe đạp và hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho người khuyết tật, trẻ mồ côi - 24/01/2018 10:34
- Trung ương Hội: Trao tặng xe đạp cho học sinh khuyết tật, mồ côi tại Nam Định và Hà Nam - 24/01/2018 10:32
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: tặng quà và xe lăn cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện phục hồi chức năng - 22/01/2018 09:22
- Đẩy mạnh vận động Quỹ tổ chức các hoạt động bảo trợ đối tượng - 16/01/2018 09:14
- Đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT tại Thanh Hoá: Kinh nghiệm xây dựng mô hình hiệu quả - 16/01/2018 07:37
Các tin khác
- Tỉnh Hội Thanh hóa: Diễn đàn trao đổi thông tin giữa cán bộ các ngành, doanh nghiệp với người khuyết tật địa phương - 16/01/2018 03:57
- Tỉnh Hội An Giang: Huyện Hội Tri Tôn đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2022 - 16/01/2018 03:52
- Tỉnh Hội Bà Rịa – Vũng Tàu: Tặng 100 suất quà cho NKT, nạn nhân chất độc da cam/dioxin - 16/01/2018 03:49
- Tỉnh Hội Trà Vinh: Đa dạng hóa các hoạt động vận động Quỹ Hội - 16/01/2018 03:48
- Tỉnh Hội An Giang: Tổ chức các hoạt động bảo trợ cho 218.904 lượt đối tượng - 16/01/2018 03:46