20 năm qua, Tạp chí Người bảo trợ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từng bước trưởng thành về tổ chức, chất lượng, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ và khẳng định được vai trò, uy tín trong lĩnh vực truyền thông về an sinh xã hội. Qua các bài viết, Tạp chí không chỉ làm tốt chức năng định hướng, hướng dẫn mà còn là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, gắn kết và lan tỏa các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi giữa Trung ương Hội với các Hội địa phương, các nhà bảo trợ và cộng đồng xã hội. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm, thành quả đạt được để có thêm động lực tiếp tục phấn đấu, đóng góp vào thành công trong công tác bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi Việt Nam.
Tạp chí ra đời đáp ứng nguyện vọng cán bộ Hội
Năm 2004, nắm bắt được nguyện vọng của đội ngũ cán bộ Hội từ Trung ương đến địa phương mong muốn tiếp nhận các thông tin chỉ đạo, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình hoạt động trợ giúp, Ban Thường trực Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (Trung ương Hội) đã quyết định cho ra đời bản tin “Bảo trợ - Từ thiện”. Chỉ sau 3 số Bản tin, ngày 06/4/2004, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) đã cấp Giấy phép hoạt động báo chí số 27/GP- BVHTT cho Tạp chí Người bảo trợ, cùng thời điểm đó, Thường trực Trung ương Hội đã ký Quyết định số 60/QĐ- HBT thành lập Tạp chí Người bảo trợ.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường trực Trung ương Hội và chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Hội đồng Biên tập, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập qua các thời kỳ, nội dung Tạp chí từng bước được cải tiến, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình ảnh trước khi xuất bản và phát hành theo quy định của Luật Báo chí với tiêu chí: Thông tin trung thực, chính xác, hiệu quả và chất lượng.
Có thể nói, Tạp chí đã trở thành kênh thông tin quan trọng, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết đối với công tác người khuyết tật; các chương trình hoạt động thường xuyên và trọng tâm của Trung ương Hội, các Hội địa phương; những ý kiến, phản biện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi; phát hiện, tuyên truyền về khả năng, sự đóng góp của người khuyết tật, trẻ mồ côi và những gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu…
Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, Tạp chí đã tham gia phối hợp cùng Trung ương Hội tổ chức thành công các chương trình như Cuộc thi Alaxan chiến thắng nỗi đau, chương trình đi bộ “Chung bước yêu thương - Trao niềm hy vọng”, cuộc thi viết Vượt lên số phận, chương trình “Một trái tim - Một thế giới”, Hội thi Tiếng hát người khuyết tật, Vầng trăng cho em, Trung thu yêu thương... Tạp chí cũng tổ chức một số chương trình khác như tọa đàm “Truyền thông về việc làm cho người khuyết tật trên báo chí”; hỗ trợ tiền giải thưởng tặng các vận động viên người khuyết tật tham dự Paragames; chương trình tặng quà, giao lưu văn nghệ với các học sinh khuyết tật trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)… Qua các chương trình đã góp phần mang lại nguồn trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi với kinh phí hỗ trợ đạt hàng tỷ đồng để tặng học bổng, xe đạp, máy vi tính, trao cơ hội, điều kiện học tập tốt hơn cho đối tượng.
Đạt được những thành tựu như ngày nay, Tạp chí luôn ghi nhận công lao xây dựng, sự cống hiến trí và lực của các thế hệ cán bộ lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ, đó là bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch, Chủ tịch Danh dự Trung ương Hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí; ông Nguyễn Đình Liêu - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội khóa III, IV, nguyên Tổng Biên tập; ông Lương Phan Cừ - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội khóa V, nguyên Tổng Biên tập; các ông Nguyễn Thái Bình, Đặng Anh Duệ - nguyên Phó Tổng Biên tập; các Ủy viên Hội đồng Biên tập như Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc; Nhà văn Tô Đức Chiêu; Nhà thơ Bằng Việt; ông Trịnh Thúc Huỳnh - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật; ông Phan Quang Trung... và còn rất nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động đã và đang công tác tại Tạp chí, góp phần tạo nên Tạp chí Người bảo trợ đầy sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết của “tuổi 20”.
Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền
Đổi mới về chất lượng nội dung và hình thức tuyên truyền là mục tiêu quan tâm hàng đầu của ban lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ, đây cũng chính là nhiệm vụ xuyên suốt trong 20 năm qua. Từ những bài viết đáp ứng nhu cầu đơn giản của cán bộ Hội, người khuyết tật là nắm bắt thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thì nay Tạp chí đã thay đổi hình thức tuyên truyền thành các chuyên mục, chuyên đề, nhiều bài viết mang tính chất phản biện chính sách, nghiên cứu, lý luận của nhiều tác giả là chuyên gia, là Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, Tạp chí còn tập trung tuyên truyền 6 chương trình trọng tâm của Trung ương Hội, đồng thời chú trọng tuyên truyền trên tạp chí in và trang thông tin điện tử nguoibaotroonline.vn về các chương trình mới như Chạy bộ vì cộng đồng Uprace, Máy tính và thiết bị thông minh, Giảm nghèo, nghề công tác xã hội...
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Tổng Biên tập Đỗ Mạnh Hùng trao quà cho trẻ khuyết tật trong chương trình Trung thu yêu thương lần thứ nhất do Tạp chí Người bảo trợ tổ chức
Với sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, những năm đầu ra đời, Tạp chí Người bảo trợ đã xuất bản đều đặn, phát hành 1 số/tháng, dung lượng 30 trang/số. Sau hơn 2 năm khẳng định được vị thế, vai trò, Tạp chí quyết định xin cấp phép phát hành 2 số/tháng, giữ nguyên dung lượng và hình thức in đen trắng. Từ thực tiễn công tác báo chí và nhu cầu tuyên truyền của các Hội thành viên, độc giả, Ban lãnh đạo Tạp chí đã thống nhất xin kéo dài kỳ xuất bản từ 2 số/tháng thành 1 số/2 tháng, tăng 60 trang/số, in 4 màu. Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế báo chí, khi báo in đang phải đối mặt với những thách thức của thời đại công nghệ số, từ năm 2024 để duy trì ấn phẩm Người bảo trợ, Ban lãnh đạo Tạp chí đã quyết định chuyển hình thức in từ 4 màu sang đen trắng. Sự thay đổi này vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Tạp chí và vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền theo yêu cầu của Trung ương Hội.
Đến nay, Tạp chí đã phát hành được 375 số, mỗi kỳ xuất bản từ 1.000 - 3.000 cuốn/kỳ tùy theo đặt hàng của các đối tác, đơn vị. Mười năm qua, với sự đồng hành của Công ty TNHH Babeeni Việt Nam, Tạp chí đã được gửi tặng đến các Đại biểu Quốc hội vào 2 kỳ họp/năm, được các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao về chất lượng của một tờ tạp chí ngành.
Tạp chí cũng làm tốt nhiệm vụ quản lý và tuyên truyền trên trang thông tin điện tử asvho.vn của Trung ương Hội. Không chỉ đăng tải, cập nhật thường xuyên tin bài của phóng viên, Tạp chí còn hình thành mạng lưới cộng tác viên, với nguồn tin đảm bảo tính chính xác, qua đó đã có hàng trăm tin bài được cập nhật lên trang thông tin mỗi tháng.
***
Thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đang công tác tại Tạp chí Người bảo trợ hôm nay có quyền tự hào về vai trò tiên phong, mở đường của rất nhiều cán bộ lãnh đạo Trung ương Hội, các nhà thơ, nhà văn, nhà báo có uy tín. Bằng sự mẫn cảm của tư duy đổi mới, sự phát hiện nắm bắt, thấu hiểu được tính cấp bách và những đòi hỏi của công tác Hội, Tạp chí đã ra đời và có những bước tiến mới, đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên dần trưởng thành, khá về chuyên môn, vững vàng về tư tưởng, trở thành những cán bộ gương mẫu, nòng cốt, đi đầu trong công tác Hội, công tác báo chí, luôn giữ vững lập trường, phẩm chất đạo đức, lối sống.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Người bảo trợ hát tặng các Đại biểu trong chương trình chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi lần thứ III
So với các thế hệ nhà báo trước đây, các phóng viên, biên tập viên và những người lãnh đạo Tạp chí ngày nay đang có được những điều kiện, những phương tiện và một môi trường làm việc thuận lợi hơn trước. Các nhà báo có điều kiện tác nghiệp với những trang thiết bị hiện đại, gọn gàng nhưng hiệu quả. Công cuộc đổi mới đất nước cũng mở ra cơ hội cho các hoạt động và đóng góp của báo chí, nhưng đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi và thách thức ngày càng cao về tri thức, đạo đức và nghiệp vụ chuyên môn.
Bên cạnh những niềm vui, chúng tôi cũng có những nỗi niềm trăn trở hướng tới chặng đường phát triển phía trước. Trên thực tế, tin tức giờ đây đã không còn là sản phẩm của riêng báo chí. Bản thân báo chí cũng đang phải đương đầu với những thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và Tạp chí Người bảo trợ cũng không nằm ngoài thách thức đó. Để tiếp tục phát triển và gìn giữ ấn phẩm Người bảo trợ, đón nhận nhiều hơn sự yêu mến của bạn đọc, mong rằng đội ngũ những người làm báo của Tạp chí Người bảo trợ hãy cùng nhau vượt qua khó khăn, nỗ lực trau dồi tri thức, kỹ năng nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, các kỹ năng làm báo hiện đại, sớm nắm bắt được thời cơ cho sự ra đời ấn phẩm Người bảo trợ bản điện tử.
Sinh nhật tuổi 20, chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường đã qua, để cùng ghi nhớ rằng hành trình tiến bước ngày hôm nay luôn in đậm dấu chân của ngày hôm qua. Đó là những số báo, những ấn phẩm, những sự kiện, ẩn trong đó là những giá trị văn hóa tinh thần cao quý. Đó là tình yêu thương, sự đoàn kết, sự tâm huyết và lòng yêu nghề của từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động. 20 năm đã qua, dưới mái nhà chung Tạp chí Người bảo trợ, biết bao thế hệ cán bộ đã cùng nhau chung sức, vượt bao gian khó, đoàn kết, tự tin để đồng hành cùng sự phát triển của hệ thống Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trong cả nước. Những tình cảm chất chứa yêu thương ấy sẽ trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh để Tạp chí Người bảo trợ đi tiếp con đường mà các thế hệ trước đã dựng xây, bồi đắp, xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của các bậc tiền bối./.
Nhà báo Đỗ Mạnh Hùng
Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT& TMC Việt Nam
Tổng Biên tập Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Biểu dương 368 người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc năm 2024 - 11/04/2024 06:54
- Đoàn đại biểu về dự Hội nghị Biểu dương vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - 10/04/2024 06:13
- Trung ương Hội ao vốn hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế - 05/04/2024 06:34
- Trung ương Hội tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI - 03/04/2024 10:55
- Tỉnh Hội Quảng Bình khám sức khỏe miễn phí cho người khuyết tật - 02/04/2024 06:14
Các tin khác
- Tỉnh Hội Bình định tập huấn khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn cho người khuyết tật - 28/03/2024 03:36
- Tỉnh Hội Hà Tĩnh dành nhiều phần quà trao đến tay người khuyết tật - 28/03/2024 03:33
- Hướng tới Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI năm 2024 - 27/03/2024 07:51
- Thành Hội Hồ Chí Minh tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 2.500 người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long - 19/03/2024 04:12
- Ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm cho người khuyết tật - 08/03/2024 06:04