Thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… hoạt động thể dục, thể thao cho NKT cũng được các tỉnh, thành Hội quan tâm triển khai và mang lại những hiệu quả tích cực.
Góp phần làm “bệ phóng” cho thành công của NKT
Cứ hai năm một lần, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Sơn La lại phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức Giải Thể thao Người khuyết tật toàn tỉnh. Đến năm 2016, giải thi đấu đã bước sang lần tổ chức thứ IX. Qua mỗi năm, giải lại góp phần cổ vũ, động viên phong trào tập luyện, thi đấu thể thao trong NKT trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, qua mỗi năm, giải lại thu hút thêm nhiều VĐV tham gia tranh tài nhiều nội dung thi đấu ở các bộ môn khác nhau.
Giải năm nay đã có 53 vận động viên là NKT ở 9 huyện, thành phố trong tỉnh dự thi. Các nội dung thi đấu hết sức phong phú với 27 nội dung thuộc các môn: bóng bàn, cầu lông, điền kinh, bơi lội. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao tặng 12 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng và 11 giải khuyến khích cho các vận động viên. Từ giải thi đấu cấp tỉnh, tỉnh Hội tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm hoạt động Thể thao tổ chức huấn luyện cho các vận động viên đạt thành tích cao và đưa đoàn vận động viên NKT tham gia dự giải thể thao NKT toàn quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Các vận động viên đã mang về cho tỉnh Sơn La 02 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc, xếp thứ 12/29 đoàn toàn quốc dự giải. Có vận động viên nhiều lần tham gia và lần nào cũng đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng như Đinh Nhật Pháp, Lèo Văn Hưởng (dân tộc Thái)…
NKT thi đấu tại Giải thể thao NKT lần thứ IX tỉnh Sơn La năm 2016
Chưa có điều kiện tổ chức giải thi đấu trong tỉnh, nhưng đã nhiều năm nay, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyển chọn, tổ chức đoàn vận động viên NKT tham dự các giải thi đấu trong khu vực và toàn quốc. Sự cổ vũ, động viên tinh thần và tạo điều kiện của tỉnh Hội đã giúp cho nhiều NKT tự tin tỏa sáng, đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi đấu. Tại Hội thao NKT toàn quốc năm 2015 tổ chức tại Đồng Nai, đoàn thể thao NKT tỉnh Quảng Bình có 4 vận động viên tham dự đã mang về 12 huy chương các loại. Hội thao năm 2016 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, 3 vận động viên NKT của tỉnh là Lê Văn Quảng, Mai Văn Đấu và Lê Văn Vũ đã mang về 8 Huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng.
Ngoài Sơn La, Quảng Bình, nhiều tỉnh, thành Hội khác như Trà Vinh, Gia Lai, Bình Dương, Kon Tum, thành phố Hồ Chí Minh… cũng đã tích cực phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch địa phương, hàng năm tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao dưới nhiều hình thức khác nhau như hội thi, giải thi đấu, tổ chức đoàn tham dự.
Theo ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch tỉnh Hội Quảng Bình: “Thể thao đã tác động to lớn đến thể chất và tinh thần của NKT. Thông qua việc tập luyện, thi đấu thể thao đã khích lệ NKT vươn lên, tự tin về bản thân mình, thu hút NKT tham gia rèn luyện tăng cường sức khỏe, có ý chí làm theo tấm gương những người đi trước đã đạt được đồng thời, NKT cũng được xã hội quan tâm, có sức khỏe để lao động, học tập, vươn lên hòa nhập”. Việc tổ chức tập luyện, hình thành các giải thi đấu, hội thi thể thao tại cơ sở góp phần mở ra cơ hội để NKT thử sức mình, hăng say tập luyện. Từ đó, nhiều người đã gặt hái được thành công trên những sân chơi lớn hơn tại khu vực và thế giới. Có thể nói, các giải thi đấu tại cơ sở cũng chính là những “bệ phóng” thành công cho NKT, mà ở đó, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định.
Phát huy vai trò của tổ chức Hội đặc thù
Là một tổ chức xã hội đặc thù, có thể nói, trừ những tổ chức Hội, nhóm của NKT, các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi là đơn vị gần nhất với NKT. Với hệ thống tổ chức Hội phát triển tại 46/63 tỉnh, thành phố, một số tỉnh, thành Hội đã hình thành tổ chức cơ sở tại khắp các huyện, thị xã, do đó, cán bộ Hội cũng là những người nắm rõ tình hình NKT, TMC cũng như các nhu cầu thiết yếu của họ trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Không chỉ tham mưu, đề xuất các chính sách, các tổ chức Hội bảo trợ NKT, TMC còn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến NKT, TMC. Trong đó có chính sách hỗ trợ NKT tiếp cận với các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.
Trong các giải thi đấu thể dục, thể thao NKT tại địa phương, tổ chức cho đoàn vận động viên NKT tham dự hội thao toàn quốc, các giải của khu vực và quốc tế… luôn có sự đóng góp tích cực của tổ chức Hội. Hội rà soát, lập danh sách những NKT có năng khiếu về thể thao để giới thiệu sang Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch huấn luyện thêm về chuyên môn. Ngoài kinh phí tổ chức hoạt động được trích từ nguồn ngân sách nhà nước, Hội còn tổ chức tuyên truyền, vận động tài trợ để hỗ trợ thêm cho các vận động viên tiền đi lại, tặng quà động viên NKT trước và sau khi thi đấu, trao giải khuyến khích cho các vận động viên tham dự, tặng bằng khen, giấy khen của Hội, tặng xe lăn cho NKT vận động khi đi thi…. Nhờ đó, đã giúp NKT phấn chấn, tự tin thể hiện tài năng của mình và gặt hái thành công.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình trao thưởng cho vận động viên khuyết tật đạt giải năm 2015
Với lợi thế về tổ chức Hội phát triển rộng khắp, uy tín và tiếng nói của Hội được khẳng định sau nhiều năm hoạt động, cán bộ Hội nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động của NKT, TMC, do vậy, việc tham gia của tổ chức Hội vào thực hiện Đề án trợ giúp NKT nói chung, hỗ trợ NKT tiếp cận các hoạt động thể dục, thể thao nói riêng đã mang lại thành công và những kết quả tích cực. Mỗi hoạt động liên quan đến NKT, lãnh đạo địa phương đều tin tưởng giao phó cho tổ chức Hội bảo trợ NKT, TMC và đều được NKT hưởng ứng nhiệt tình.
Những hoạt động mà Hội và các cơ quan ban ngành đã và đang triển khai đã khẳng định sự quan tâm toàn diện của Đảng, nhà nước ta đối với NKT. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, ở các địa phương mới chỉ hỗ trợ NKT tham gia thi đấu tại các giải là chính, còn việc tập luyện của các vận động viên khuyết tật vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại các địa phương, trung tâm huấn luyện thể thao, huấn luyện viên dành riêng cho NKT thì chưa có, nếu có thì NKT cũng khó sử dụng vì xa nhà, đi lại khó khăn. Hầu hết các vận động viên khuyết tật đều tự tập luyện tại nhà, chủ yếu tận dụng lợi thế của tự nhiên (sông ngòi, ao, hồ…), luyện tập tự phát, các môn bơi lội, điền kinh, đua xe lăn, ném lao… đến lúc chuẩn bị thi đấu mới được tập hợp và đào tạo trong thời gian ngắn, do đó, chưa phát huy hết được khả năng, thành tích của họ. Những khó khăn này cũng đã và đang là nỗi trăn trở của những người tâm huyết với lĩnh vực thể thao NKT; trong đó có tổ chức Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam các cấp.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Bình Dương: Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu lần thứ V - 20/12/2016 06:24
- Tỉnh Hội Sơn La: Tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 - 20/12/2016 06:18
- Tỉnh Hội Bình Thuận: Tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2016 – 2021 - 20/12/2016 06:06
- Đại hội Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Sơn La lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016-2021 - 06/12/2016 07:02
- Đại hội đại biểu Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Thuận - 06/12/2016 06:57
Các tin khác
- Tỉnh Hội Phú Thọ: Tặng 1.000 suất quà cho đồng bào tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại do bão lũ - 02/12/2016 03:20
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Tặng hơn 1.000 suất quà cho đối tượng - 02/12/2016 03:18
- Tỉnh Hội Bình Phước: Tặng 135 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật - 02/12/2016 03:16
- Trung ương Hội: Trao tặng xe đạp, học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi nghèo tỉnh Lào Cai - 02/12/2016 03:13
- Tỉnh Hội Thừa Thiên – Huế: Bàn giao nhà tình thương cho người khuyết tật nghèo - 01/12/2016 08:23