Khái niệm tiếp cận với NKT có nội hàm rất rộng, bao gồm các vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như: giáo dục, việc làm, giao thông, công trình công cộng, văn hóa thể thao, giải trí, khoa học công nghệ.... Đảm bảo môi trường tiếp cận cho NKT cũng đồng nghĩa với việc xây dựng một xã hội không rào cản với NKT và điều đó cần sự sự chỉ đạo, thực hiện một cách đồng bộ của các cơ quan Nhà nước và sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình và cả cộng đồng.
Những khó khăn trong tiếp cận của NKT
Luật NKT nêu khái niệm “Tiếp cận là việc NKT sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng”. Tiếp cận có liên quan chặt chẽ tới thiết kế và bao hàm việc tính toán kỹ càng nhu cầu sử dụng của mọi người, kể cả NKT và người không khuyết tật, đồng thời phải tính đến các yếu tố như màu sắc, tín hiệu, âm thanh thường được lắp đặt tại những nơi qua đường dành cho người đi bộ, sự tương phản về màu sắc, bề mặt, các hệ thống trợ giúp âm thanh (ví dụ hệ thống tăng âm), thuyết trình thông tin, ký hiệu chỉ đường và nhiều hình thức khác.
Trước đây, cuộc sống của NKT gặp nhiều khó khăn, trở ngại do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó, môi trường không tiếp cận là rào cản lớn nhất. Họ phải chấp nhận và chịu đựng sống khép mình trong 4 bức tường do những hạn chế trong môi trường vật chất tại cộng đồng. Họ bị từ chối phục vụ do không đủ điều kiện hỗ trợ (xe buýt quá chật, không có chỗ để xe lăn, không có thiết bị nâng đỡ xe lăn, máy bay không có thiết bị nâng đỡ xe lăn lên xuống….), bị hạn chế kiến thức do những rào cản trong tiếp cận thông tin, bị cô lập do bị kỳ thị, không dám tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Thậm chí, ngay tại gia đình, nhiều NKT cũng gặp phải những rào cản khi đa số NKT phải dùng chung các đồ vật với những người không khuyết tật khác trong khi các thiết kế trong căn hộ, nhà ở thường theo chuẩn chung của người không khuyết tật.
Hoạt động xóa mù chữ của Hội NKT Hà Nội
Với NKT vận động, họ bị hạn chế đi lại do thiếu phương tiện hỗ trợ (xe lăn, xe lắc, nạng, chân tay giả…), cơ sở vật chất khó tiếp cận (không có đường lên xuống cho xe lăn ở vỉa hè, nhà ga và ngay tại nhà ở, nhiều nhà vệ sinh công cộng không có thiết kế buồng riêng cho người dùng xe lăn hoặc nếu có thì thường nằm ở cuối phòng và khó tiếp cận…). Đối với người khiếm thị, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tài liệu. Đặc điểm của người khiếm thị là đọc bằng sách phát ra âm thanh, có băng ghi âm hoặc sử dụng chữ nổi cho người mù. Nhưng hệ thống tài liệu chữ nổi, sách nói .. hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của NKT. Sách báo cho người khiếm thị bị hạn chế về số lượng, kém đa dạng về nội dung, chủ đề. Với người khiếm thính, do ngôn ngữ ký hiệu chưa được phổ biến, không có phương tiện giao tiếp nên họ gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Những rào cản ấy khiến cho NKT không được thụ hưởng các quyền lợi của mình, hạn chế khả năng phát triển, không có cơ hội thể hiện năng lực và sự đóng góp cho xã hội ngược lại càng khiến cho xã hội càng có cái nhìn không đúng về NKT, cho rằng họ là những người “thừa”, người “ăn bám” xã hội.
Hướng tới một xã hội “Không rào cản”
Hướng tới một xã hội thực sự bình đẳng, văn minh, phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia, triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền của NKT thể hiện bằng việc ban hành Luật NKT, phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT, phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, kế hoạch thực hiện Công ước về Quyền của NKT. Thực hiện Luật, Đề án, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách về NKT, trong đó có vấn đề tiếp cận. Môi trường vật thể và nhận thức của xã hội bắt đầu được thay đổi theo hướng tích cực hơn, tiếp cận hơn với NKT.
Đường tiếp cận tại nhà ở
Để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục, thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận với NKT”, “ít nhất 80% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương” trong các văn bản như Luật Xây dựng, Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định, Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng đều quy định rõ chính sách, tiêu chuẩn tiếp cận với NKT. Từ đó, các công trình công cộng bắt đầu được chú ý bởi nhu cầu đặc biệt của NKT, những ngôi nhà cũ được sửa chữa. Quan niệm về thiết kế chung được giới thiệu, một phương thức tư duy tổng thể về môi trường xây dựng được truyền tải tới những kiến trúc sư và thiết kế. Các công trình công cộng đã theo hướng dẫn của luật xây dựng và quy cách xây dựng đã chú ý tới thiết kế các đường thoải vỉa hè ở các góc phố, các đèn tín hiệu kêu, âm thanh của thang máy và các biểu chữ Braille, các phương cách kiểm soát qua đường được lắp đặt ở tầm ngang lưng, nơi đỗ xe của NKT được dán mọi nơi mua sắm, các con phố, nhà vệ sinh công cộng dễ tiếp cận hay có các khay đựng giấy vệ sinh ở mức thấp…
Có phương tiện hỗ trợ (xe lăn) nhưng nhiều NKT vẫn gặp khó khăn vì rào cản tiếp cận
Đảm bảo cho NKT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục, hệ thống ngôn ngữ ký hiệu được nghiên cứu, phổ biến. Chương trình dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình ra đời đã giúp người khiếm thính cùng gia đình và những người quan tâm có thể học ngôn ngữ ký hiệu từ xa. Một số chương trình truyền hình có thêm phần trình bày bằng ngôn ngữ ký hiệu giúp người khiếm thính tiếp cận, cập nhật thông tin. Các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận công nghệ thông tin, gậy chỉ đường được nghiên cứu và phổ biến. “Bản đồ tiếp cận” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển xây dựng được phổ biến rộng rãi đã góp phần tăng cường sự hoà nhập của NKT với cộng đồng. Phần mềm hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận công nghệ thông tin được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi...
Cùng với Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương, thực hiện Đề án 1019, các tổ chức xã hội, tổ chức của NKT và vì NKT cũng đã tham gia tích cực tạo nên một môi trường tiếp cận cho NKT thông qua việc hỗ trợ các thiết bị hỗ trợ như xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, thiết bị đọc, đường tiếp cận… Trong đó, có thể kể đến mô hình xe lăn và đường tiếp cận cho NKT do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam khởi xướng từ năm 2011. Sau thời gian thí điểm tại Hà Tĩnh, đến nay, mô hình này đã được triển khai rộng khắp tại 46 tỉnh, thành Hội trong cả nước với hàng ngàn xe lăn, xe lắc được trao tặng cho NKT, hàng trăm đường tiếp cận được xây dựng tại gia đình NKT, trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà văn hóa tại địa phương. Hoạt động này đã mang lại ý nghĩa hết sức thiết thực, góp phần đưa NKT hòa nhập vào cộng đồng.
Có thể nói, với sự nỗ lực chung tay, góp sức của Nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng vấn đề tiếp cận của NKT đang dần được cải thiện góp phần tạo nên một xã hội không rào cản, tạo đà cho sự hòa nhập, phát triển của NKT.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Khám bệnh, cấp gần 1,3 nghìn suất thuốc cho bệnh nhân nghèo - 01/12/2016 08:03
- Tỉnh Hội Trà Vinh: Hỗ trợ xây cầu nông thôn, giếng bơm tay cho đối tượng - 01/12/2016 08:02
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Khám sàng lọc, phẫu thuật 5 ca tim cho đối tượng - 01/12/2016 08:01
- Tỉnh Hội Phú Yên: Kết quả vận động quỹ năm 2016 đạt trên 18 tỷ đồng - 01/12/2016 07:59
- Mít tinh kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật 3/12 - 01/12/2016 07:58
Các tin khác
- Tỉnh Hội An Giang: Tặng 21 cặp nhẫn kim cương cho các cặp vợ chồng khuyết tật - 21/11/2016 03:02
- Tỉnh Hội Quảng Ninh: Trao nhà tình thương cho gia đình trẻ mồ côi nghèo - 21/11/2016 02:59
- Tỉnh Hội Thanh Hóa: Khám sàng lọc phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật vận động - 21/11/2016 02:56
- Tỉnh Hội Vĩnh Phúc: Tặng 150 kính mắt cho người khuyết tật, người cao tuổi - 21/11/2016 02:54
- Tỉnh Hội Thanh Hóa: Khai giảng lớp dạy nghề tranh lưu niệm cho NKT và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn - 21/11/2016 02:50