Trong không khí phấn khởi chào mừng Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/2017), kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội (25/4/1992 - 25/4/2017), sáng 14/4, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2017 - 2022) chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội vinh dự được đón ông Vũ Đức Đam, ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo. Bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Nguyễn Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội
Dự Đại hội còn có bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Đào Ngọc Dung, ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề Công tác xã hội; bà Đặng Huỳnh Mai – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Chủ tịch Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; cán bộ chủ chốt của Hội qua các thời kỳ và 287 đại biểu chính thức được lựa chọn từ 46 tỉnh, thành Hội, hiệp thương với các cơ quan ở Trung ương và một số cá nhân tiêu biểu.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu cho biết: 5 năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam từ Trung ương tới các tổ chức thành viên đã nỗ lực phấn đấu, không quản ngại khó khăn, vượt qua thử thách, làm hết sức mình đã thu được kết quả đáng khích lệ và làm tròn sứ mệnh với tâm nguyện mỗi ngày qua đi lại có thêm nhiều NKT, TMC, người nghèo vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Đại hội lần thứ V có nhiệm vụ đánh giá về những kết quả, rút ra những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2012 - 2017, quyết định về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, thông qua Điều lệ (sửa đổi, bổ sung), bầu ra Ban lãnh đạo các tổ chức của Hội nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Toàn cảnh đại hội
Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu nhận định: Để góp phần tích cực hơn nữa làm giảm bớt khó khăn, rào cản, tạo điều kiện, cơ hội để NKT, TMC tiếp cận với những dịch vụ cơ bản, phát huy năng lực, trí tuệ, vươn lên có cuộc sống bình đẳng, hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho xã hội, thực hiện đầy đủ quyền của mình; Hội rất cần sự ủng hộ tham gia chia sẻ của các cơ quan, Ban, ngành, của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Muốn vậy, hoạt động Hội phải được thể hiện bằng chính khả năng thu hút, tập hợp, đoàn kết, thuyết phục được đông đảo mọi người tự nguyện tham gia. Cần sáng tạo về hình thức, biện pháp hoạt động hội trên các lĩnh vực, đặc biệt là việc hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ cải thiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường, hỗ trợ sinh kế giảm nghèo, thiết thực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo bền vững,… cần được quan tâm hơn. Đây là những vấn đề các đại biểu cần tập trung đóng góp ý kiến và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để quyết định tại Đại hội.
Hoạt động Hội góp phần thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và trẻ mồ côi
Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ V do Phó Chủ tịch Trung ương Hội Lương Phan Cừ trình bày đã khẳng định: Hoạt động của Trung ương Hội, các tỉnh, thành Hội trong nhiệm kỳ IV đã có bước phát triển mạnh, toàn diện, ngày càng đa dạng, phong phú, đạt nhiều kết quả quan trọng, mang tính bền vững có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Hội đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ cũng như sứ mệnh đặt ra trong chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2012- 2017, qua đó tổ chức các hoạt động góp phần thúc đẩy đổi mới nhận thức về NKT, chuyển hướng tiếp cận từ nhân đạo, từ thiện đơn thuần sang cách tiếp cận dựa trên quyền...
Trong nhiệm kỳ IV, Hội đã chi 1.761 tỷ đồng (tiền mặt và hiện vật) trợ giúp cho hơn 8 triệu lượt NKT, TMC và một số đối tượng khác cải thiện cuộc sống. Kết quả này cho thấy hiệu quả hoạt động của Hội với sự quyết tâm, nỗ lực sáng tạo cao, năng động trong hoạt động vận động tài trợ cũng như hoạt động trợ giúp NKT, TMC và người yếu thế khác. Qua các phong trào hoạt động xã hội - từ thiện: Nhận thức và chia sẻ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội đối với NKT, TMC được nâng cao. Các hoạt động bảo trợ của Hội thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương.
Trong nhiệm kỳ V, mục tiêu tổng quát của hoạt động Hội là sẽ tiếp tục đổi mới nhận thức, chuyển hướng mạnh sang hoạt động trợ giúp bền vững, bảo đảm quyền của NKT, trẻ mồ côi và đối tượng yếu thế khác. Hội xác định sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả 6 chương trình trọng tâm mà Đại hội IV đề ra, đồng thời có sự đổi mới cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Theo đó, Hội sẽ tập trung vào các hoạt động gắn với thực hiện chính sách, chương trình, Đề án của nhà nước liên quan đến NKT, TMC.
Một số chỉ tiêu cụ thể Hội đề ra cho hoạt động nhiệm kỳ V là vận động quỹ đạt ít nhất 1.650 tỷ đồng; Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 7.000 người; Phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 38.000 ca; Phẫu thuật PHCN và phẫu thuật tim cho 5.000 ca; Hỗ trợ mua 30.000 thẻ BHYT cho NKT, TMC và đối tượng khác thuộc hộ cận nghèo, hộ đang gặp hoàn cảnh khó khăn; Tặng 40.000 xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp; Tặng 10.000 xe đạp; 50.000 suất học bổng; Hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế cho 8.000 lượt NKT, TMC tại 300 xã xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 600 hộ gia đình có NKT, TMC thoát nghèo, cận nghèo; Tổ chức một số hoạt động sự kiện toàn quốc; Tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức; các hoạt động góp phần bảo đảm quyền của NKT; Củng cố và kiện toàn tổ chức Hội, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội…
Đại hội đã nghe các báo cáo tham luận, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các địa phương, xoay quanh các vấn đề: hoạt động Hội gắn với thực hiện nhiệm vụ Nhà nước; hỗ trợ sinh kế, cải thiện sinh hoạt cho gia đình NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề gắn với việc làm và thu nhập cho NKT…
Quan tâm hơn nữa việc chuyển hướng hoạt động sang bảo đảm quyền cho đối tượng
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại truyền thống của dân tộc, mong muốn của Đảng, của Bác Hồ từ khi đất nước được độc lập là mọi người dân luôn được hưởng tự do, hạnh phúc, Phó Thủ tướng nêu rõ: Truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” luôn được đề cao và là mục tiêu phấn đấu của cả nước, trong tất cả các hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể và các hội đoàn thể.
Đối với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, điều này càng thể hiện rõ nét trong suốt 25 năm qua, khi các quy định bảo vệ người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người yếu thế trong xã hội đã được luật hóa, xây dựng thành các chương trình hành động, các đề án của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành và các địa phương. Hàng chục triệu lượt người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã trực tiếp nhận được sự trợ giúp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức ngày càng rõ nét khi coi người khuyết tật không chỉ là những đối tượng không may mắn cần được sự trợ giúp, mà họ còn có những quyền bình đẳng để tự vươn lên, tự khẳng định mình, và đóng góp cho xã hội.
“Tôi xin thay mặt Chính phủ một lần nữa đánh giá rất cao và cũng xin cảm ơn tất cả các thế hệ cán bộ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, cùng với Đảng, Nhà nước, cùng với toàn xã hội đưa việc bảo trợ, chăm sóc và từng bước bảo đảm mọi quyền của những người khuyết tật, của những trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, vì sự tiến bộ chung của tất cả các giới. Đây là một trong những yếu tố phát triển bền vững của đất nước”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý cần dành sự quan tâm tương xứng đến người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế trong quá trình phát triển. Bởi hiện nay cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, gần 400.000 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng rất nhiều báo cáo của các tổ chức và các chuyên gia đã chỉ ra rằng với sức ép của đời sống xã hội ngày hôm nay và với rất nhiều yếu tố khác thì những người khuyết tật về mặt cơ thể cũng sẽ không ngừng tăng lên, đặc biệt có thể dẫn đến khuyết tật về tâm lý. Phó Thủ tướng nhận định: “Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt lưu ý trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng những chương trình hành động để bảo vệ quyền và tạo điều kiện tối đa cho những người khuyết tật và quan trọng là ngăn ngừa những yếu tố có thể dẫn tới số lượng người khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gia tăng”.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh từ hoạt động từ thiện thuần túy sang hoạt động có tính định hướng là bảo vệ quyền của các đối tượng này. Đây là trọng tâm cần được đặt ra trong những nhiệm kỳ tới đây của Hội. Bên cạnh đó, Hội cần phối hợp với các tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi để làm tốt hơn việc tuyên dương, cổ vũ, động viên họ vượt khó, vươn lên trong cuộc sống để những tấm gương đó được lan tỏa trong cộng đồng người khuyết tật và xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH, các bộ ngành liên quan, các cấp chính quyền cần thực hiện tốt các Đề án trợ giúp người khuyết tật, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tạo điều kiện để Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo, tham gia phản biện, xây dựng chính sách, giám sát thực hiện các luật và chính sách của Nhà nước về người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tham gia tích cực, hưởng ứng những lời kêu gọi, những phong trào, hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các hội có liên quan nhằm bảo đảm quyền, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống...
Đáp từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Lương Phan Cừ đã cảm ơn sự hiện diện và phát biểu chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng, đồng thời thay mặt BCH tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và hứa sẽ biến các ý kiến này thành các chương trình hoạt động cụ thể để thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh của mình trong việc vận động sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, huy động nguồn lực xã hội để góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và trẻ mồ côi.
Đại hội đã nghe báo cáo kết quả Đại hội nội bộ, kết quả Bầu BCH, Ban Kiểm tra khóa mới. Thay mặt BCH khóa V, ông Lương Phan Cừ - tân Chủ tịch Trung ương Hội đã phát biểu cảm ơn sự tín nhiệm của Đại hội, hứa sẽ cùng các thành viên BCH và toàn thể những người làm công tác Hội thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội V; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để hoạt động của Hội ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu mang tính bền vững góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước, của địa phương. Chủ tịch Trung ương Hội cũng đặc biệt dành lời cảm ơn chân thành đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Hội trong suốt 25 năm qua đã chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển Hội và khẳng định đây là nền tảng vững vàng tạo điều kiện thuận lợi cho lớp cán bộ kế cận tiếp tục phát huy những thành tựu mà Hội đã đạt được. Đại hội đã tặng hoa và quà lưu niệm các ủy viên BCH khóa IV thôi tham gia công tác Hội; trao tặng Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.
Ban Chấp hành khóa V, nhiệm kỳ 2017 – 2022 ra mắt Đại hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Ban Thường trực khóa V tặng hoa, quà tri ân các ủy viên BCH khóa IV nghỉ công tác
Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội V trong đó nhất trí thông qua các văn kiện tại Đại hội, tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với hoạt động Hội và ý kiến của các đại biểu, đồng thời kêu gọi các thành viên của Hội tăng cường đoàn kết, phát huy sáng tạo, tiếp tục đổi mới, chung tay góp sức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch 5 năm và trước mắt hoàn thành vượt mức nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2017 do Ban chấp hành Hội đề ra.
-----------------------------***----------------------------
Sáng 13/4, đoàn đại biểu dự Đại hội đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng buổi sáng 13/4, Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 7, nhiệm kỳ IV đã họp phiên cuối cùng, thảo luận cho ý kiến về một số văn kiện trình Đại hội, giới thiệu Đoàn Chủ tịch, Thư ký, Ban kiểm phiếu Đại hội; giới thiệu nhân sự BCH, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ V.
Chiều 14/4, Đại hội nội bộ đã nghe báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu, Báo cáo công tác chuẩn bị ĐH của BCH, BTV, BTC Đại hội; thông qua quy chế làm việc của Đại hội; thống nhất hình thức biểu quyết tại Đại hội. Đại hội nội bộ đã thông qua Chương trình làm việc; bầu Đoàn chủ tịch, Ban thư ký, Ban kiểm phiếu; thảo luận, tiếp thu và thông qua Nghị quyết đổi tên Hội và Điều lệ (sửa đổi, bổ sung); thông qua Báo cáo kiểm điểm BCH nhiệm kỳ IV, báo cáo kiểm tra tình hình thực hiện điều lệ, nghị quyết và sử dụng kinh phí nhiệm kỳ IV.
Đại hội đã bầu BCH khóa mới gồm 72 thành viên, bầu Ban Kiểm tra gồm 5 thành viên. Tại Hội nghị BCH khóa V lần thứ nhất, ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội khóa IV được bầu là Chủ tịch Hội; cùng 2 Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH và bà Hà Thị Liên - ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UB TWMTTQ VN. Ông Lê Hồng Lương - Chủ tịch tỉnh Hội Thanh Hóa được bầu làm Trưởng Ban Kiểm tra.
Đại hội suy tôn bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Hội khóa II là Chủ tịch danh dự.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Liên hoan tiếng hát người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên lần thứ II: " Những trái tim khát vọng" - 29/11/2017 10:47
- Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” sẽ được phát sóng vào lúc 21h ngày 29 tháng 10: Thông điệp nhân văn về quyền của người khuyết tật - 27/10/2017 08:07
- Đại hội Đại biểu Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Cao Bằng khoá V, nhiệm kỳ 2017 - 2022: Nhiệm kỳ mới, Hi vọng mới - 10/10/2017 03:47
- Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật”: Góp phần nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng của NKT - 19/09/2017 03:32
- Thành công và những kỳ vọng mới - 08/05/2017 04:25
Các tin khác
- Chương trình Một trái tim - Một thế giới lần thứ XIV: Thông điệp nhân văn về sự chia sẻ và lòng nhân ái - 08/05/2017 03:57
- Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam nhân Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 14 (tháng 4/2017) - 25/04/2017 09:32
- Đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho người khuyết tật - 14/04/2017 05:44
- Chương trình giao lưu nghệ thuật “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XIV và kỷ niện 25 năm ngày thành lập Hội - 12/04/2017 17:18
- Gặp mặt báo chí nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V nhiệm kỳ 2017 – 2022 và giới thiệu chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ XIV cùng lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội - 04/04/2017 09:34