Theo quan niệm dân gian, cây nêu là một biểu tượng thiêng liêng vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Cây nêu ngày Tết gắn với nguyện ước, khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo người Việt xưa, dựng cây nêu vào dịp Tết Nguyên đán là phong tục cổ truyền, từ ngàn đời xưa. Trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, cây nêu mang nhiều ý nghĩa. Nó vừa là điểm tựa tinh thần, vừa là nơi gửi gắm mong ước một năm mới thịnh vượng của người Việt.
Theo phong tục, cây nêu thường được người Việt dựng vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (tức ngày ông Công ông Táo). Dân gian quan niệm, khi những vị thần bảo hộ gia đình đi vắng thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, trừ tà dữ, bảo vệ bình an cho gia đình. (Trong ảnh: Nghi lễ dựng cây nêu của người Kinh tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam)
Cây nêu còn được gọi là cây Thiên - Địa - Nhân, kết nối Đất vời Trời và nguyện ước của con người. Trên mỗi ngọn nêu được treo các linh vật hoặc phẩm vật khác nhau để thể hiện nguyện ước của con người có thể chạm tới Thần linh.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây nêu ngày Tết có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian. Tuy nhiên cây nêu vẫn chủ yếu được dựng lên vào ngày Tết Nguyên đán như một phong tục truyền thống, phổ biến ở khắp mọi miền đất nước.
Đối với một số người dân tộc thiểu số như người Mường dựng cây nêu vào ngày 27, 28 tháng Chạp, còn người Mông thường dựng vào ngày 25 hoặc 27 tháng Chạp.
Tục dựng cây nêu ngày Tết của người Mường chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc gắn với phong tục, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của đồng bào. Phong tục dựng cây nêu mỗi dịp Tết đến, xuân về của đồng bào dân tộc Mường thể hiện niềm vui mừng của người dân khi năm mới đến, mừng tổ tiên về vui với con cháu, với mong muốn xua đuổi những điều bất hạnh và ước nguyện về một năm mới an lành, may mắn.
Trong quan niệm của người Tày, người Nùng và nhiều dân tộc khác, cây nêu là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên nhằm xua đuổi ma quỷ, tiêu trừ những điều xui xẻo của năm cũ.
Đồng bào dân tộc Mường (Thanh Hóa) tái hiện tục dựng cây nêu tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam.
Với cộng đồng các dân tộc ở dải đất miền Trung Tây Nguyên, cây nêu ngày Tết có ý nghĩa quan trọng với đời sống tinh thần của đồng bào. Đồng thời nó là biểu tượng của tâm linh, vũ trụ, là trục nối trời đất và sự gắn kết vững chắc giữa các thế hệ. Bên cạnh đó, cây nêu còn là biểu tượng của sự đoàn kết, tôn vinh văn hóa truyền thống, sự kết nối sâu sắc của đồng bào miền Trung, Tây Nguyên với đất đai, thiên nhiên của họ.
Cây nêu của của họ thể hiện khát vọng về nền nông nghiệp ổn định, no đủ và đầm ấm. Vì vậy, các vật dụng như cối giã gạo, bông lúa, chiêng, ché rượu, con trâu hay con voi đều được thể hiện, chạm khắc trên thân cây nêu. Việc dựng cây nêu thường được diễn ra vào dịp buôn làng mở hội mừng lúa mới hay đặc biệt hơn là trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc với mong muốn về một cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Đồng bào dân tộc Cơ Tu (Đà Nẵng) tái hiện tục dựng cây nêu ngày Tết tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam.
Ngày Tết, nghe tiếng cồng, tiếng chiêng hòa trong điệu múa truyền thống của đồng bào: Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, M'nong, Ca Dong, Cơ Tu, Xơ Đăng, Cơ Ho, Cor, Giẻ Triêng, Mạ… , chứng kiến nghi thức dựng nêu không những trở thành một truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc, mà còn là dịp để dân làng phô diễn hết những nét đẹp văn hóa tinh túy nhất của buôn làng mình cho bè bạn gần xa được biết.
Nghi lễ dựng cây nêu của đồng bào mỗi dân tộc ngày Tết chính là niềm vui đón năm mới, mừng thần linh, ông bà tổ tiên về vui với dân làng. Cây nêu ngày Tết như một sự khẳng định sự hiện diện của con người trên thế gian, cầu mong con người có đủ sức mạnh, tài trí và niềm tin để trừ ma, quỷ cùng những thế lực hắc ám; thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, giải trừ những điều xấu, không may mắn của năm cũ.
Với mỗi dân tộc và vùng miền, cây nêu ngày Tết đều tượng trưng những điều tốt đẹp, thể hiện khát vọng của đồng bào về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cây nêu ngày Tết chính là điểm hội tụ của văn hóa dân tộc, bản làng, mà ở đó thần linh hay con người trần tục tìm thấy sợi dây vô hình để truyền tải niềm tin.
Theo tục lệ, đến ngày mùng 7 tháng Giêng, cây nêu sẽ được hạ xuống. Đây là truyền thống đã có từ lâu đời và đến ngày nay vẫn được duy trì...
Tin mới
- Món ăn bình dị Việt Nam được ghi danh trong top ẩm thực châu Á - 29/05/2024 01:34
- Bánh mì Việt Nam được vinh danh 'ngon nhất thế giới' - 18/03/2024 07:46
- Tháng 3 có nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú về Mặt Trăng - 01/03/2024 06:38
- Festival Phở 2024: Tôn vinh nghề phở, hướng tới di sản văn hoá phi vật thể - 01/03/2024 06:34
- Sắc màu tranh thêu len - 19/02/2024 02:37
Các tin khác
- Triển lãm về hình ảnh rồng chào xuân Giáp Thìn 2024 - 17/01/2024 05:09
- Nghề tôm khô Cà Mau thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 22/12/2023 04:08
- Tân Hóa (Quảng Bình) - một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới - 20/10/2023 02:11
- 500 xe đạp điện công cộng cho thuê đầu tiên ở Hà Nội - 24/08/2023 06:33
- Làng chài '4 sao' tại Hội An - 21/08/2023 23:58