Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ tư, 19 Tháng 1 2022 10:43

Nhiều tỉnh, thành phố đã thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; có địa phương dừng tổ chức lễ hội đến hết tháng 3 Âm lịch do ảnh hưởng của COVID-19.

Hà Tĩnh tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động VH-TT&DL dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ theo tinh thần Chỉ thị 35/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động, dịch vụ tại Thông báo số 228/TB-BCĐ của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Các di tích, danh thắng, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim được mở cửa đón khách nhưng phải tuyệt đối đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch. Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân tổ chức việc cưới, việc tang, các hoạt động truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán (tảo mộ, tế lễ tại nhà thờ họ, đón giao thừa, mừng thọ...), rằm tháng Giêng gọn nhẹ, văn minh, không tập trung đông người, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.

Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn căn cứ các quy định về công tác phòng, chống dịch để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân, khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch và người lao động tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh.

Nghệ An dừng tổ chức lễ hội đến hết tháng 3 Âm lịch

UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về việc tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động văn hóa, thể thao đảm bảo đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, UBND yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ tháng 1 Âm lịch đến hết tháng 3 Âm lịch) và bắn pháo hoa nổ trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh. Hạn chế tối đa tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người.

Nhiều địa phương trên cả nước tạm dừng các lễ hội vào dịp Tết để đảm bảo an toàn  - Ảnh 2.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều tỉnh thành lại phải tiếp tục tạm dừng tổ chức các lễ hội.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu phải hạn chế tối đa số người tham gia cùng thời điểm trong tổ chức việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ, giỗ chạp, các hoạt động vui chơi giải trí... Vận động các hộ gia đình giảm thiểu quy mô, hạn chế tối đa số lượng khách đến dự, phục vụ; khuyến khích các gia đình dùng hình thức báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới; thực hiện nghiêm 5K.

Hạn chế tối đa tổ chức hoặc tổ chức quy mô phù hợp các sự kiện của mỗi gia đình, đơn vị, cộng đồng, xã hội đảm bảo phù hợp với quy định của ngành Y tế tại địa bàn theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đây là năm thứ 2 liên tiếp Nghệ An phải dừng các hoạt động lễ hội dịp đầu năm mới vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 30 lễ hội, trong đó khoảng 20 lễ hội tập trung trong khoảng tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch.

Thái Bình: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn đề nghị dừng tổ chức Lễ hội đền Trần và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022. Đây là năm thứ hai tỉnh Thái Bình buộc phải tạm dừng tổ chức Lễ hội đền Trần và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh ra văn bản yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự, tiến hành các nghi lễ do các chức sắc tôn giáo tại cơ sở đó thực hiện. Đặc biệt, đối với các địa phương được tổ chức nghi lễ tâm linh, tại phần lễ không quá 10 người có mặt và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Điện Biên: Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dừng tập trung đông người khi không cần thiết. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Điện Biên không bắn pháo hoa đón năm mới.

Hà Nam: Để tăng cường công tác phòng, chống dịch và thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của TW, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19," phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện "bình thường mới," UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu tạm dừng bắn pháo hoa tầm cao đêm Giao thừa, tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chỉ tổ chức lễ hội khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh.

Ninh Bình: Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản số 02/UBND-VP2 về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Ninh Bình tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa và không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm...

Lâm Đồng: Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên cổng thông tin điện tử của địa phương để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các địa phương dừng toàn bộ các hoạt động lễ hội tập trung đông người. Theo đó, các địa phương dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL đã có công văn đề nghị Sở VH-TT&DL; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương…

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi